Thể chế là động lực dài hạn của tăng trưởng

(ĐTTCO) - Ngày 1-6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo “Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế”.
Thể chế là động lực dài hạn của tăng trưởng
3 “điểm nghẽn” cần tháo gỡ
Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam cơ bản khống chế được dịch, nhờ đó bắt đầu bước vào khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, trên thế giới diễn biến của dịch còn hết sức phức tạp. 
“Đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để có biện pháp tháo gỡ, qua đó đưa nền kinh tế phát triển. Những điểm nghẽn này thực tế không phải đến lúc có dịch Covid-19 mới xuất hiện, mà đã có từ trước chưa được khắc phục. Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19, các điểm nghẽn đó có thể có những biến đổi cần phải nhìn nhận rõ để tháo gỡ” - bà Hồng Minh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô của CIEM, hiện nay Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mới. Theo đó, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu thảo luận về nhiều lĩnh vực cải cách như phát triển doanh nghiệp, thương mại... Quá trình đó phải tính đến những thay đổi, những ẩn số có thể tác động đến kinh tế-xã hội Việt Nam 10 năm tới. Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vì thế chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh của các nước để có những biện pháp chủ động đề phòng dịch. 
Về những hệ lụy của dịch Covid-19, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, hiện các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Không ít đánh giá cho rằng, tác động đối với kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn so với cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hệ lụy này có thể kéo dài. 
“Đã có chuyên gia cảnh báo khủng hoảng nợ toàn cầu do hệ lụy của các biện pháp kích thích tài khóa-tiền tệ trong thời kỳ trong và sau đại dịch Covid-19” - ông Nguyễn Anh Dương nói.
Báo cáo của CIEM cho biết, do tác động của Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Quý I-2020 thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2010- 2019. Xuất khẩu và cán cân thương mại vẫn tích cực trong các tháng đầu năm, nhưng khả năng duy trì điều này là rất khó khăn kể từ tháng 4 trở về sau. Ngoài ra, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng chậm. 
Đơn cử như quý 1-2020 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm 2016-2019. Đầu tư công giải ngân nhanh hơn, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra. Thu hút FDI 5 tháng năm 2020, giảm 11,1% về số dự án mới và 8,2% về vốn thực hiện.
Báo cáo của CIEM cũng cho rằng hiện nay Việt Nam đang đối mặt với 3 điểm nghẽn lớn đối với phát triển kinh tế “hậu Covid-19” đòi hỏi cần phải vượt qua. 
Thứ nhất, đó là chất lượng thể chế vẫn còn thấp. Cụ thể, xây dựng chính phủ điện tử (tiến tới chính phủ số) vẫn còn chậm. Hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công chưa cao. Phát triển bao trùm bền vững vẫn chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, cần phải thay đổi nhận thức và tư duy trong ứng xử đối với nhà đầu tư, không chỉ là vấn đề cắt giảm thủ tục không cần thiết như hiện nay.
Thứ hai, hạ tầng số vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nội tại của nền kinh tế. Hiện nay, theo xếp hạng về sẵn sàng công nghệ của Economist Intelligence Unit (EIU) thì Việt Nam dù cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp: xếp hạng thứ 65 cho giai đoạn 2018 – 2022 (so với thứ 67 trong giai đoạn 2013 – 2017). Hiện nay, cải thiện bao trùm về internet vẫn là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho Việt Nam.
Thứ ba, kỹ năng và năng suất lao động vẫn còn thấp và chậm được cải thiện so với yêu cầu. Khả năng thích ứng với điều kiện làm việc trong chuỗi giá trị và khả năng thích ứng với điều kiện có biến động lớn vẫn còn hạn chế. Theo đánh giá của ILO, hiện nay mới chỉ có khoảng 27% lao động ở các nước phát triển có khả năng linh hoạt và thích ứng trước các điều kiện thay đổi của tình hình thế giới. 
Thể chế là động lực dài hạn của tăng trưởng ảnh 1 Quang cảnh hội thảo “Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế”.
Thể chế là động lực phát triển bền vững
Góp ý tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành, nguyên thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Chính phủ cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần phải thay đổi nhận thức và tư duy về tăng trưởng.
TS. Võ Trí Thành phân tích: “Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với một nghịch lý rất lớn giữa tăng trưởng và phát triển. Trên thế giới, Trung Quốc là nước dẫn đầu về tăng trưởng với hơn 30 năm liên tục tăng trưởng trên 10%, nhưng về chỉ số phát triển bao trùm lại rất thấp, đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu nhiều nhất vẫn là nhóm các nước OECD. Nước thứ hai là Việt Nam, chúng ta tăng trưởng rất cao, song tăng trưởng lại không đi với phát triển bền vững, đây là một nghịch lý.
Khi tôi sang thăm Israel, đất nước họ phát triển về mọi mặt, từ kinh tế, doanh nghiệp, công nghệ cho đến bình đẳng giới, hội nhập… song tăng trưởng của họ hàng năm lại rất thấp, chỉ khoảng 2%/năm. Họ dồn lực để phát triển bao trùm bền vững hơn là tăng trưởng nóng. Vậy câu chuyện ở đây là gì? Đó chính là thể chế. Thể chế mới chính là động lực để phát triển”.
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, hiện nay, chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu mới đang dần dần hình thành, song vấn đề là Việt Nam tham gia đến mức độ nào, tham gia khâu nào trong chuỗi sản xuất mới là vấn đề quan trọng. 
“Chúng ta phải xem thể chế là động lực, do đó cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Mạnh mẽ ở đây cả về tốc độ lẫn phạm vi, tức là phải thực chất” - ông Thành nhấn mạnh.
Trong khi đó, đánh giá về kịch bản kinh tế Việt Nam “hậu Covid-19”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam) cho biết, vị thế của Việt Nam sẽ khác sau dịch Covid-19. Qua đại dịch này, chất lượng quản trị của Việt Nam cũng được khẳng định. Thời gian tới, bối cảnh thế giới rất bất định, căng thẳng ngày càng gia tăng, trong bối cảnh đó, phản ứng nhanh của Chính phủ và sự thích ứng của doanh nghiệp là quan trọng. Doanh nghiệp Việt có sự thích nghi tốt. 
“Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn và đi vào thực chất. Chúng ta đã đi được bước dài về cải cách thủ tục hành chính, nhưng lại vấp phải vấn đề khó hơn, thí dụ như giải quyết tranh chấp, bảo vệ tài sản. Do đó, cải cách này cần mạnh mẽ hơn, bước sang giai đoạn mới là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chứ ko chỉ là tháo gỡ khó khăn” - ông Tuấn nhận xét.

Các tin khác