Thị trường bán lẻ: Cuộc chiến không điểm dừng

(ĐTTCO) - Với quy mô 110 tỷ USD (năm 2016) và dự báo sẽ tăng lên 180 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 30 thị trường bán lẻ (TTBL) hấp dẫn nhất thế giới. 
Điều này được thể hiện qua việc nhà đầu tư nước ngoài không ngừng mở rộng chuỗi bán lẻ tại Việt Nam. Và trong bối cảnh này áp lực lên doanh nghiệp (DN) nội ngày càng lớn.
Sản phẩm ngoại tràn ngập
 Nhiều DN bán hàng Thái Lan tung chiêu khuyến mại kích cầu, giảm giá sản phẩm... chiếm lĩnh TTBL. Trong đó, phải kể đến những dòng sản phẩm thế mạnh của Thái là hàng dụng cụ gia đình (đồ nhôm, đồ nhựa…); hàng mỹ phẩm, tạp phẩm (xà phòng, kem đánh răng, sữa rửa mặt, nước gội đầu, sữa tắm, nước rửa bát…); hàng phụ tùng xe máy; thực phẩm công nghiệp được chế biến sẵn (mì tôm, nước tương, nước mắm…).
Ông Vũ Vinh Phú,
nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội
Theo thống kê của Bộ Công Thương, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện chiếm khoảng 17% thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị và 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi. Ngoài ra, khối FDI còn chiếm 15% thị phần của phương thức bán hàng qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần bán lẻ không thông qua cửa hàng (bán hàng trực tuyến qua internet, truyền hình, điện thoại…).
Dạo  một  vòng các siêu thị Lotte, Aeon, Big C và Mega Market (trước đây là  siêu thị Metro) ở TPHCM, hàng ngoại luôn chiếm ưu thế. Hàng hóa trong các siêu thị này phần lớn của DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Malaysia… Điều đáng nói, hàng Việt bị cạnh tranh không chỉ ở những sản phẩm công nghệ cao, mà ngay cả hàng tiêu dùng trong gia đình như lương thực, thực phẩm chế biến đến gia vị, nước chấm, nước rửa chén…

Đơn cử, vào dịp cuối tuần Trung tâm mua sắm Aeon Tân Phú (quận Tân Phú) đông nghẹt khách. Đa phần khách đi theo dạng gia đình, bởi ở đây có thể đáp ứng nhu cầu của mọi thành viên: Khu vui chơi cho trẻ nhỏ, khu mua sắm cho cha mẹ. Tại khu vực siêu thị, ngoài những sản phẩm của Việt Nam và một số quốc gia khác, có rất nhiều sản phẩm đến từ đất nước mặt trời mọc được bày bán, như nước tương, nước sốt, gạo, ruốc cá hồi… Tất cả đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn phụ cho người tiêu dùng nắm thông tin.
Hay tại các chuỗi siêu thị Lotte (Hàn Quốc) cũng thu hút khá đông người tiêu dùng Việt Nam. 10 giờ sáng chủ nhật, tại Lotte Gò Vấp khách đã đông như nêm, nhất là trong khu vực siêu thị. Họ chọn đi Lotte bởi thực phẩm tươi ngon, nhiều chương trình khuyến mại và đặc biệt dễ tìm nhiều loại sản phẩm thực phẩm và tiêu dùng của Hàn Quốc. Tương tự, khi khách đến Big C ngoài những sản phẩm của Việt Nam, cũng dễ dàng mua được nhiều mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan. 

Tại siêu thị Mega Market, quận 2 bày bán đồ nhựa gia dụng chất lượng cao của Duy Tân, Đại Đồng Tiến… nhưng cũng có rất nhiều đồ nhựa của Thái Lan. Đáng nói đồ nhựa của Thái Lan mẫu mã, màu sắc khá bắt mắt và nhiều tiện ích hơn, giá tiền chênh lệch không nhiều với hàng Việt.
Theo nhiều người tiêu dùng, chất lượng hàng Việt nhiều sản phẩm không thua kém hàng các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khâu nghiên cứu đón đầu nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng nhiều khi không bắt kịp xu hướng của thị trường. Trong khi đó, các DN nước ngoài làm khá tốt khâu này, vì vậy sản phẩm của họ được người tiêu dùng ưa chọn. Cuộc đua khốc liệt
Để giúp DN nâng cao sức cạnh tranh, TPHCM sẽ hỗ trợ về vốn, xúc tiến thương mại, cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch lại mạng lưới phát triển các loại hình bán lẻ. Theo đó, Sở Công Thương sẽ làm việc với các DN phân phối chủ lực của TP, đề xuất các giải pháp phát triển hệ thống phân phối nội địa; vận động DN nội liên kết theo mô hình dọc và ngang, nhằm hình thành chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh sòng phẳng với DN nước ngoài.
Ông Nguyễn  Ngọc Hòa, 
Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM
Người tiêu dùng tin tưởng, sức mua lớn là những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài mạnh dạn đưa ra những kế hoạch phủ sóng tại thị trường Việt Nam.
Ngay từ thời điểm mới có mặt ở thị trường Việt Nam Aeon đã đưa ra kế hoạch có 20 trung tâm mua sắm lớn đến năm 2020. Nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó, đầu năm 2015 Aeon đã được quyền nắm giữ cổ phần 2 hệ thống siêu thị, gồm Citimart và Fivimart với tỷ lệ nắm giữ 49% và 30%. Ngoài ra, ông lớn bán lẻ này cũng đang phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi Ministop.
Với mô hình kinh doanh mở cửa 24/7, Aeon hợp tác với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) để phát triển với mục tiêu đạt 800 cửa hàng ở Việt Nam, dự kiến đến cuối năm nay sẽ có 160 cửa hàng. Để thực hiện mục tiêu này, Sojitz và Ministop lên kế hoạch mở rộng nhượng quyền thương hiệu các cửa hàng, cung cấp hỗ trợ kinh doanh cho người lao động.
Bên cạnh đó, từ đầu năm nay, Aeon Việt Nam cũng đã ra mắt trang thương mại điện tử www.AeonEshop.com bán nhiều mặt hàng như thời trang, mỹ phẩm, nội thất, điện máy, đồ gia dụng, xe đạp, văn phòng phẩm, thực phẩm… Gần đây những thông tin về chiến lược mở rộng mảng bán lẻ của Aeon tại thị trường Việt Nam tiếp tục rộ lên.

Cũng đặt kế hoạch đầy tham vọng, chuỗi bán lẻ Lotte của Hàn Quốc đặt mục tiêu có 60 TTTM tại Việt Nam vào thời điểm 2020. Đến nay, chuỗi này đã có 13 TTTM tại những vị trí đắc địa tại nhiều TP lớn và Lotte cũng là một trong những nhà bán lẻ lớn tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây có nhiều thông tin về việc nhà bán lẻ này thua lỗ suốt 10 năm qua với số lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng công ty mẹ vẫn đổ vốn cho việc mở rộng.
Nhiều người đặt câu hỏi liệu kịch bản Lotte xây dựng có giống nhiều DN ngoại trước đây, ban đầu hợp tác với DN nội nhưng thua lỗ triền miên, DN nội không chịu nổi phải bán lại cổ phần. DN ngoại tiếp tục thua lỗ nhưng vẫn không ngừng mở rộng đầu tư. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến tham vọng của nhà đầu tư Thái Lan, tiêu biểu là Tập đoàn Central Group. Chỉ riêng với chuỗi Big C, Central Group cho biết từ nay đến năm 2021 tiếp tục đầu tư thêm các TTTM mới để nâng gấp đôi đại siêu thị Big C, đồng thời nâng cấp các điểm bán Big C hiện hữu trở thành các TTTM bán lẻ cao cấp, hiện đại.

Cuối tháng 2 vừa qua, hệ thống cửa hàng tiện lợi 7-Eleven tại Việt Nam đã tuyển dụng nhiều vị trí làm việc tại TPHCM. Dù chưa chính thức công bố thời điểm gia nhập thị trường nhưng động thái này cho thấy TTBL Việt Nam nhiều khả năng sẽ chào đón thêm một đại gia bán lẻ và cuộc cạnh tranh trên thị trường sẽ càng khốc liệt hơn.

Trong cuộc đua với nhà bán lẻ ngoại, DN nội cũng đang rất nỗ lực. Như Saigon Coop đang ngày càng mở rộng mô hình bán lẻ của mình. Để đi nhanh Saigon Coop đã chọn hình thức nhượng quyền thương hiệu thông qua việc khai trương chuỗi Coop Smile. Coop Smile được hình thành từ việc liên kết, đầu tư, biến cửa hàng tạp hóa thành đại lý bán lẻ hiện đại.
Tiêu chí của hệ thống này là diện tích kinh doanh linh hoạt, từ 20-200m2, đặt trong khu dân cư. Một cái tên khác hay được nhắc đến bằng những bước đi thần tốc trong việc mở chuỗi bán lẻ là Vingroup. Hiện chuỗi cửa hàng Vinmart đã lên đến con số 1.500 trên toàn quốc, gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2015. Ngoài ra còn phải kể đến những cái tên mới như Bách Hóa Xanh với kế hoạch có 350 cửa hàng trong năm 2017…
Thị trường bán lẻ: Cuộc chiến không điểm dừng ảnh 1 Những mặt hàng gia dụng từ bình dân đến trung cấp ngoại nhập được bán dày đặc tại các siêu thị. 
DN nội loay hoay trên sân nhà
Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) hiện nay DN bán lẻ trong nước vẫn gặp khó khăn và hạn chế nhiều mặt. Trong cuộc gặp mới đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiệp hội đã có kiến nghị bổ sung ngành bán lẻ, bao gồm tất cả loại hình bán lẻ vào lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư, với tư cách là ngành nghề độc lập, không phải nằm trong nhóm cơ sở hạ tầng như hiện nay.
Nghị định 118 và Phụ lục 1 của Luật Đầu tư đã cho phép các diện ưu đãi đầu tư là siêu thị và TTTM, ưu đãi đầu tư đặc biệt của chợ và các chợ vùng nông thôn. Tuy nhiên, AVR cho rằng trước mắt có thể bổ sung một số loại hình bán lẻ đang có triển vọng phát triển mạnh mẽ và cần sự hỗ trợ như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tạp hóa... vào danh mục ưu đãi đầu tư trong Luật Đầu tư.

AVR đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ chương trình khuyến thương. Để thực hiện thương mại trong nước, bên cạnh các chương trình khuyến nông và khuyến công, nếu không có các chương trình khuyến thương sẽ không thể mở được đầu ra cho hàng hóa.
Trong thời gian chờ đợi, AVR kiến nghị bổ sung các DN bán lẻ, hộ kinh doanh bán lẻ, tổ chức, hiệp hội ngành nghề liên quan đến bán lẻ vào đối tượng áp dụng của các chương trình khuyến công và khuyến nông nói trên. Đồng thời, tập trung vào các nội dung nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và cạnh tranh của ngành bán lẻ.
Đó là hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề bán lẻ như một ngành dịch vụ quan trọng có giá trị gia tăng. AVR kiến nghị hỗ trợ nghiên cứu phát triển bán lẻ hiện đại, chuyển giao công nghệ kỹ thuật bán lẻ tiên tiến, giúp cộng đồng DN bán lẻ, đặc biệt là DNNVV, siêu nhỏ và hộ gia đình phát triển kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, đa dạng.

Trước đó, hồi đầu năm 2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có chỉ đạo về các giải pháp hỗ trợ các DN bán lẻ trong nước. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ DN phân phối, bán lẻ trong nước phát triển; chấn chỉnh các địa phương tuân thủ quy định liên quan trong cấp phép, quản lý hoạt động phân phối, bán lẻ cho DN FDI; đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.
Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý đề nghị của Bộ Công Thương về việc xây dựng quy định cho phép DN trong nước được giãn tiến độ nộp tiền thuê đất trong trường hợp thuê đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh TTTM, siêu thị. Về phần mình, để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, bản thân DN nội phải liên tục đổi mới, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.

Các tin khác