Thị trường ô tô: Diễn biến bùng nhùng, bế tắc

(ĐTTCO) - Nghị định 116/2017/NĐ-CP (NĐ 116) của Chính phủ quy định mới về điều kiện kinh doanh, nhập khẩu ô tô có hiệu lực từ 1-1-2018, được cho là nguyên nhân khiến nhiều hãng xe tạm ngừng xuất khẩu ô tô sang Việt Nam.
 Điều này càng khiến giấc mơ mua được ô tô giá rẻ của người tiêu dùng trong nước trở nên xa vời hơn.
Nghị định gây khó
Năm 2017, tác động từ chính sách giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc, cùng với tâm lý chờ đợi của khách hàng, khiến các hãng xe liên tục tung ra những chương trình khuyến mại, giảm giá, xả hàng tồn… góp phần tạo nên đợt biến động giá xe lớn nhất trên thị trường ô tô trong nước từ trước đến nay.
Bước sang năm 2018, người tiêu dùng hy vọng được mua ô tô giá rẻ, khi thuế nhập khẩu ô tô chính thức về 0%. Tuy nhiên, với các quy định mới về kinh doanh nhập khẩu ô tô chưa qua sử dụng tại NĐ 116, các hãng cho biết chưa thể xác định chính xác thời điểm nào có thể hoàn thiện thủ tục để tiếp tục đưa xe về Việt Nam.
Và ngay cả khi có đáp ứng được các điều kiện này, việc thực hiện các thủ tục hải quan và đăng kiểm cũng mất ít nhất 2 tháng trước khi bán xe đến người tiêu dùng, chưa kể việc đặt hàng, sản xuất và vận chuyển từ nước sản xuất cũng cần những khoảng thời gian nhất định (từ ASEAN mất khoảng 2 tuần, từ châu Âu và Hoa Kỳ khoảng 65-70 ngày kể từ khi xuất cảng). Đại diện một hãng xe cho biết, giả sử có giấy Chứng nhận kiểu loại cho xe nhập khẩu cũng mất 70 ngày chờ thử nghiệm trước khi thông quan. Nếu trung bình mỗi hãng nhập 1-2 mẫu xe về cùng trong 1 tháng, thời gian chờ để thử nghiệm mất gần 400 ngày.
Thực tế, điểm mấu chốt để có thể đưa được xe vào thị trường Việt Nam là giấy chứng nhận kiểu loại, đây là loại giấy tờ các hãng khó đáp ứng được. Bởi, các xe sản xuất cho thị trường châu Âu và Nhật Bản đều theo tiêu chuẩn khí thải Euro 6, có thể không tương thích với nhiên liệu đang được cung cấp tại Việt Nam; xe nhập từ khu vực Đông Nam Á (chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia) có tay lái bên phải, nếu sử dụng giấy chứng nhận kiểu loại từ nước sở tại, sẽ không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí tay lái.
 Việc lượng xe nhập khẩu về Việt Nam đã giảm mạnh từ đầu năm 2018 và nhiều hãng ô tô chính thức tạm ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam, đã khiến một số thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) phải quyết định hủy các đơn đặt hàng ô tô nhập khẩu. VAMA đề nghị Chính phủ chấp thuận cho nhà nhập khẩu thêm lựa chọn, làm thủ tục kiểm tra thử nghiệm, đó là thay vì Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu, bằng giấy chứng nhận do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
Ông Phạm Anh Tuấn
Trưởng Tiểu ban Chính sách VAMA
Do chưa đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về nhập khẩu và kiểm định theo NĐ 116, 2 ông lớn sản xuất và kinh doanh ô tô hàng đầu của Nhật Bản là Toyota và Honda vừa công bố ngừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu xe sang Việt Nam. Động thái này được xem là phản ứng của các nhà xuất khẩu ô tô khi Việt Nam áp dụng những nguyên tắc mới, nhằm tăng cường các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt các dòng xe nhập khẩu.
“Chúng tôi đã dự báo sẽ có bước nhảy vọt lớn trong năm 2018, nhưng do những rào cản phi thuế quan nên chúng tôi không thể xuất xe đến thị trường Việt Nam nữa” - Chủ tịch Toyota Motor Thái Lan Michinobu Sugata giải thích. 

Giá xe bị đẩy lên cao
Thông tin không vui trên khiến những người nuôi mộng tậu xe nhập của các hãng xe Nhật Bản lo lắng. Anh Đặng Thanh Hạ (ngụ phường 12, quận Gò Vấp, TPHCM), bày tỏ muốn mua mẫu xe Honda CR-V nhưng khi hỏi nhiều đại lý, họ đều nói hết hàng, phải chờ đến giữa năm mới có, hoặc nếu muốn có ngay phải trả thêm hơn 100 triệu đồng/xe. Có đại lý nói còn hàng nhưng không có mẫu mới nhất, chỉ có mẫu cũ.
“Đọc báo biết thông tin hãng Honda ngừng xuất khẩu sang Việt Nam, mình thấy hết hy vọng. Chắc kiểu này phải quay sang mua mấy mẫu ô tô lắp ráp trong nước hoặc mua ô tô cũ mà xài” - anh Hạ tâm sự.
 Để tạo cạnh tranh tự do, thị trường ô tô cần có cả xe sản xuất lắp ráp và xe nhập khẩu, lựa chọn xe nào là quyết định của người tiêu dùng. Tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề tối quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong dài hạn. Một thị trường có sự cạnh tranh bình đẳng, đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên trên mới có thể phát triển bền vững, lâu dài. 
 PGS.TS Phạm Bích San, 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu tư vấn và phát triển
Hiện tại, các mẫu xe Toyota nhập khẩu về Việt Nam để bán là Hilux, Yaris, Fortuner và các dòng Lexus với tổng số lượng khoảng 1.000 xe mỗi tháng, chiếm 20% doanh số của hãng này (chủ yếu nhập từ Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản). Trong khi đó, Honda Việt Nam cũng gặp khó khăn về nhập khẩu dòng Honda CR-V mới 7 chỗ để cung cấp cho thị trường, dù nhu cầu hiện tại không nhỏ.
Ngoài ra, các hãng khác nhập khẩu xe về để bán ở thị trường trong nước đều gặp khó khăn như Ford, Mitsubishi, Nissan… Theo ghi nhận tại TPHCM, nguồn cung xe nhập khẩu chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, đã khiến các mẫu xe hiện có được đẩy giá lên cao. Cụ thể, Honda CR-V giá cao hơn khoảng 200 triệu đồng, Toyota Fortuner bị các đại lý đặt thêm điều kiện (mua phụ kiện) nếu muốn mua xe…
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam muốn tăng hàm lượng kỹ thuật của xe sản xuất trong nước thì nên ra quy định này, lúc đó nếu các hãng xe không muốn nhập ô tô của họ vào Việt Nam phải đầu tư vào lắp ráp. Thế nhưng, việc đầu tư vào lắp ráp sẽ không có lợi vì các hãng xe đã đầu tư ở nhiều nước trong khu vực.
Như vậy, rào cản về mặt kỹ thuật Việt Nam xây dựng nên bằng NĐ 116, nếu cách hãng xe chấp nhận chi phí do khách hàng trả và đối tượng chịu thiệt là người tiêu dùng. Xe không nhập về khiến nguồn cung khan hiếm, một số mẫu xe ăn khách thiếu hàng, giá tăng mạnh, người tiêu dùng muốn có xe phải chịu mất tiền thêm.
Theo TS. Trần Hữu Nhân, Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật ô tô - Máy động lực, Đại học Bách khoa TPHCM, đây có thể coi là biện pháp nhằm bảo hộ cho ô tô lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, để bảo hộ cho người dân có thể mua được ô tô, nên tạo ra sân chơi bình đẳng, cứ để ô tô nhập khẩu và ô tô lắp ráp trong nước cạnh tranh với nhau. Nếu ô tô trong nước đảm bảo về chất lượng, độ an toàn, người tiêu dùng sẽ mua. Ngược lại, nếu xe trong nước không đảm bảo an toàn, chất lượng, dẫu có đưa ra bao nhiêu rào cản với xe nhập khẩu, người tiêu dùng cũng quay lưng với xe trong nước. 
Tăng trưởng kinh tế và môi trường thương mại tự do hóa, đã khiến Việt Nam trở thành quốc gia có thị trường ô tô tăng trưởng nóng. Việt Nam hiện có nhóm người giàu (thu nhập trên 1.000USD/tháng) tăng 15% mỗi năm, dự kiến sẽ tăng lên 45 triệu người vào 2025. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Solidiance - công ty tư vấn chiến lược hàng đầu tại châu Á - tỷ lệ sở hữu ô tô của người dân Việt Nam còn rất thấp. Đến cuối năm 2017, cứ 1.000 người Việt Nam mới có gần 30 người sở hữu ô tô, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ này tại Malaysia là 341 xe/1.000 dân, Thái Lan 196 xe/1.000 dân, và ngay cả đất nước đông dân như Indonesia cũng 55 xe/1.000 dân.
“Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ sở hữu xe hơi của Việt Nam còn khiêm tốn, trong đó nguyên nhân cơ bản là giá xe vẫn cao. Điều này do một số rào cản khi Việt Nam áp mức thuế và phí cao để bảo vệ ngành ô tô nội địa với 3 loại thuế và 5 loại phí khác nhau. Người tiêu dùng phải chịu nghịch lý khi mua ô tô ở Việt Nam với giá gấp 3 lần so với các nước trong khu vực” - Solidiance phân tích,
Thị trường ô tô: Diễn biến bùng nhùng, bế tắc ảnh 1 Ngay sau khi NĐ116 có hiệu lực, mẫu xe Toyota Fortuner nhập khẩu vừa hút hàng vừa tăng giá lên 200 triệu đồng/xe. Ảnh: P.LONG 
Hạn chế ô tô hay nâng chất cuộc sống?
Theo kết quả nghiên cứu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia mới được công bố, nhu cầu về ô tô tại Việt Nam đang ngày càng tăng, nhất là các thành phố lớn, nơi tỷ lệ tăng trưởng ô tô đã vượt qua xe máy. Tỷ lệ tăng trưởng của xe máy trên cả nước hiện 7,3% và ô tô 6,5%.
Trong khi đó, đối với các đô thị lớn, mức tăng trưởng của xe máy 10%, còn ô tô lên tới 15%. Viễn cảnh ô tô hóa thêm rõ ràng qua lễ khởi công dự án VINFAST trong quý IV-2017. Tại buổi khởi công dự án, Vingroup cam kết hỗ trợ và hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để cùng sản xuất và phát triển các linh kiện, từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hóa 60%.
Tuy vậy, ô tô giá rẻ vẫn là giấc mơ rất khó trở thành hiện thực trong tương lai gần ở Việt Nam, bởi chính sách các ngành xung đột lẫn nhau. Bộ Công Thương muốn phát triển ngành ô tô nhưng bị phản ứng từ Bộ GTVT do hạ tầng còn yếu kém, trong khi Bộ Tài chính muốn đảm bảo nguồn thu. Đặc biệt là Bộ GTVT vẫn đang nan giải việc đầu tư các tuyến đường cao tốc kéo dài từ Bắc vào Nam, để giảm áp lực kẹt xe trên Quốc lộ 1A.
Bài học từ các nước láng giềng đi trước cũng cho thấy hệ quả xấu của việc ô tô hóa. Bangkok (Thái Lan) và Jakarta (Indonesia) đang đứng thứ 2 và 3 trong danh sách những thành phố tắc nghẽn giao thông nhất thế giới năm 2016, theo số liệu khảo sát tại 390 thành phố ở 48 quốc gia.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang rơi vào tình thế bế tắc, tiến thoái đều gặp nhiều lực cản, không có đột phá. Thuế nhập khẩu ô tô giảm dẫn tới giảm nguồn thu, các bộ ngành sẽ tìm cách tăng nguồn thu dựa trên các loại thuế khác. Rõ ràng sở hữu ô tô là chính đáng, nhưng người tiêu dùng không nên ảo tưởng ô tô giá rẻ với tình thế như hiện nay.

Các tin khác