Thị trường tài chính đang “lệch pha”

(ĐTTCO) - Quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế vận hành cho nền kinh tế thị trường Việt Nam qua gần 20 năm, thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam có sự tăng trưởng khá nhanh cả về quy mô lẫn sản phẩm của thị trường, nhưng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề đối với quá trình tái cơ cấu chung của cả nền kinh tế, nhất là sự thiếu đồng bộ và cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Hệ thống NHTM “bị bao sân”
Về lý thuyết cũng như sự vận hành trên thực tiễn, TTTC bao gồm 2 loại có chức năng khác nhau và bổ sung cho nhau: thị trường vốn (cung cấp vốn trung và dài hạn) và thị trường tiền tệ (cung cấp vốn ngắn hạn). Thị trường vốn chủ yếu hoạt động thông qua thị trường chứng khoán (TTCK), nơi tạo vốn trực tiếp cho đầu tư không thông qua tín dụng của các định chế tín dụng trung gian.
Thị trường tiền tệ chủ yếu hoạt động bởi các ngân hàng thương mại (NHTM) và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Hai loại thị trường trên có sự liên thông nhất định nhưng cơ chế vận hành khác nhau nhằm hạn chế rủi ro. Đây được xem là “hai chân” của TTTC.
 Để cởi trói cho thị trường, trước hết cần chuyển dần từ sự can thiệp trực tiếp bằng các công cụ hành chính, sang phương thức can thiệp gián tiếp thông qua các công cụ thị trường. 
TTCK Việt Nam non trẻ ra đời giữa năm 2000, nhưng thực chất bắt đầu khởi sắc từ năm 2006, gần như tồn tại “cầm hơi” trong giai đoạn 2008-2012 và phát triển trở lại trong những năm gần đây. Tuy quy mô vẫn còn nhỏ và thực hiện chức năng tạo vốn trực tiếp cho nền kinh tế còn khiêm tốn, nhưng TTCK Việt Nam vẫn hoạt động liên tục và phát triển tương đối chắc chắn so với một số TTCK của các nước trong khu vực ở giai đoạn đầu mới xây dựng. 
Hệ thống NHTM  và các TCTD khác được phát triển sớm hơn khoảng 10 năm so với TTCK, và đến nay có sự phát triển rất ấn tượng. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh hệ thống NHTM trong nhiều thời điểm đã tạo ra nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là giai đoạn 2011-2013, khi nợ xấu và nguy cơ mất thanh khoản, đổ vỡ của một số NHTM đã trở thành nguyên nhân đe dọa tính ổn định đối với nền kinh tế.
Trong nhiều năm, Chính phủ phải tập trung mọi ưu tiên để xử lý tình hình và cho đến nay vẫn còn phải tiếp tục củng cố. Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp mang tính tình thế như lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), hợp nhất, sáp nhập NH yếu kém… 
Năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD yếu kém với các quy định đặc thù, và nhất là ngành NH đang phải thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống NHTM giai đoạn 2016-2020.
Thị trường tài chính đang “lệch pha” ảnh 1 Cho đến nay hệ thống NHTM gần như "bao sân" vốn cho thị trường tài chính. Ảnh: VIẾT CHUNG 
 Tuy nhiên, nếu nhìn tổng thể chức năng của hệ thống NHTM và TTCK có thể thấy, cho đến nay NHTM vẫn đảm đương chủ yếu cung cấp tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn cho nền kinh tế, thậm chí cho cả trái phiếu của Chính phủ. Hay nói cách khác, hệ thống NHTM “bao sân” cả TTTC trong nhiều năm qua và đây chính là tính khập khiễng về sự phát triển của TTTC Việt Nam. 
Thực trạng đó cũng chính là mục tiêu đang đặt ra để giải quyết trong quá trình tái cơ cấu TTTC, trong đó tập trung vào việc thực hiện Đề án cơ cấu lại TTCK, thị trường bảo hiểm; phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định 1191 của Thủ tướng Chính phủ.

Vẫn có những tín hiệu tốt 
Với một thị trường còn non trẻ, sự phát triển khập khiễng trong giai đoạn đầu xây dựng cũng là điều khó tránh khỏi, và trên thực tế đã xuất hiện những yếu tố tích cực trong xu hướng phát triển. Mặt khác, đặc điểm nền kinh tế Việt Nam trong suốt giai đoạn từ 2001 đến nay, sự tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào yếu tố vốn, trong khi có đến 3 yếu tố là nguyên liệu, lao động và vốn tác động đến tăng trưởng.
Vốn lại phần lớn dựa vào tín dụng (trong cơ cấu vốn đầu tư chủ yếu là đi vay, còn vốn chủ sở hữu rất ít, nên gọi là vốn mỏng), cả đầu tư tư nhân lẫn đầu tư của Nhà nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ. Thí dụ trong 3 tháng đầu năm 2019, Chính phủ huy động gần 75.000 tỷ đồng trái phiếu.
 Cần có cơ chế liên thông và kiểm soát được giữa TTTC và thị trường bất động sản, phát huy vai trò của các quỹ đầu tư tín thác bất động sản.
Hiện nay có 3 xu hướng phát triển tích cực: Thứ nhất, nếu những năm từ 2001-2015 để GDP tăng thêm 1 điểm, tín dụng của NHTM phải tăng bình quân  từ 2,5 đến 3 điểm, thì trong 3 năm 2016-2018 con số trên chỉ còn khoảng 2,2 điểm. Đơn cử năm 2018-2019, GDP dự kiến tăng khoảng 6,9%/năm, dư nợ tín dụng cũng tăng mức 14-15%/năm. 
Thứ hai, huy động vốn trực tiếp qua TTCK tăng dần cả thị trường cổ phiếu (IPO) và thị trường trái phiếu. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, tổng mức vốn huy động trên TTCK đạt gần 80.000 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ năm trước. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tương đương 81,5% GDP. Bên cạnh đó, việc tập trung chính sách khuyến khích phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm dần mức độ phụ thuộc vốn trung-dài hạn vào hệ thống NHTM.
Thứ ba, trái phiếu chính phủ đã được cơ cấu lại kéo dài kỳ hạn và tăng thị phần tham gia của các định chế tài chính phi NH, sẽ giảm gánh nặng đối với NHTM. Áp lực nợ công cũng giảm dần còn ở mức 58,4% GDP và nợ Chính phủ còn 49,9% GDP vào thời điểm cuối năm 2018. 

Khai thông các đạo luật, hoàn thiện khung pháp lý
Hiện chúng ta đang tập trung hoàn thiện khung pháp lý, trong đó sẽ sửa đổi Luật Chứng khoán trong năm 2019, cơ cấu lại TTTC, phát triển các định chế đầu tư, sẽ từng bước tạo sự cân bằng giữa thị trường vốn thông qua TTCK và hoạt động tín dụng của hệ thống NHTM.
Tuy nhiên, việc sửa đổi pháp luật điều chỉnh liên quan đến TTTC cần xây dựng trên quan điểm hệ thống, và không thể tách rời với  quá trình hoàn thiện nền tài chính công và  tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tức  cơ cấu lại nợ công; chính sách thuế; cổ phần hóa doanh nghiệp gắn với IPO, thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối đang niêm yết trên TTCK, tăng thanh khoản giao dịch của các doanh nghiệp này.
Theo đó, nội dung cần hoàn thiện TTTC bao gồm 3 yếu tố cấu thành: các yếu tố tạo nên khối cung, các yếu tố tạo nên khối cầu và những hoạt động trung gian giữa cung - cầu. Hiện nay, chúng ta không thiếu luật điều chỉnh lĩnh vực này, nhưng thiếu tính hệ thống và nhất là tính hành chính trong quản lý thị trường còn khá đậm nét.
Cụ thể là hệ thống các NHTM, công ty tài chính, công ty đầu tư, quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, hợp tác xã tín dụng…  đều được chế định bằng các đạo luật có liên quan.
Do vậy, cần định vị lại như tăng cường tính chất độc lập tương đối của NH Trung ương trong quản lý thị trường tiền tệ; xây dựng định chế giám sát độc lập của Nhà nước đối với toàn bộ thị trường tài chính; phát triển các định chế tài chính-tín dụng phi NH nhằm cung cấp nguồn vốn cho thị trường; bổ sung các biện pháp chế tài đối với các định chế tài chính-tín dụng quản lý tạo rủi ro cho thị trường.
Cần xây dựng bổ sung thêm một đạo luật riêng về các định chế tài chính-tín dụng phi NH nhằm gắn kết hoạt động của 2 loại thị trường chính trong TTTC là thị trường vốn và thị trường tiền tệ. 
Với một thị trường còn non trẻ, có thời điểm tăng trưởng nóng và xuất hiện yếu tố bất ổn, nhưng TTTC Việt Nam cũng đang chuyển dần sang giai đoạn phát triển ổn định và hài hòa hơn. Chính vì vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng TTCK Việt Nam chuyển từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, và sự phát triển của trái phiếu doanh nghiệp sẽ tạo sự hài hòa hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ. 

Các tin khác