Thị trường thiết lập mặt bằng giá mới: Bộ Công thương vào cuộc “ghìm cương”

(ĐTTCO) - Ghi nhận trong ngày 23-11 tại TPHCM, một số mặt hàng cũng như nhiều dịch vụ… đều thiết lập mặt bằng giá mới. 

Mớ rau, con cá tăng giá

Tại một số chợ ở quận 12, huyện Hóc Môn, giá rau củ quả tươi tăng nhẹ từ 3.000-5.000 đồng/kg. Chẳng hạn, cải dưa Cần Thơ tăng lên 19.000 đồng/kg, cam 40.000 đồng/kg, chuối Đà Lạt 21.000 đồng/kg… Hải sản, thịt heo, gà cũng tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại. Ví dụ, cá diêu hồng hiện tại có giá 60.000-65.000 đồng/kg; gà thả vườn 60.000-70.000 đồng/kg… 

Thị trường thiết lập mặt bằng giá mới: Bộ Công thương vào cuộc 'ghìm cương' ảnh 1Chọn mua rau củ tại một siêu thị ở TPHCM

Bà Nguyễn Thị Nhung, bán tạp hóa tại nhà (ngụ đường Nguyễn Thị Căn, quận 12), cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, phần lớn các mặt hàng đều tăng giá. “Dầu ăn tăng từ 4.000-8.000 đồng/lít, trứng gà tăng từ 3.000-4.000 đồng/chục… Mỗi món nhích không nhiều nhưng khiến người tiêu dùng vất vả để cân đối bài toán chi tiêu mỗi tháng”, bà Nhung nói. Chị Lê Thị Kim Loan, chuyên bán bánh mì chay tại Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), chia sẻ, giá nguyên liệu đầu vào tăng từ 15%-25% nên chị đành phải tăng giá bán thêm 1.000 đồng/ổ bánh mì. 

Thị trường thiết lập mặt bằng giá mới: Bộ Công thương vào cuộc 'ghìm cương' ảnh 2Giá rau củ quả tại nhiều siêu thị ở TPHCM tăng nhiều so với đầu tháng 11-2021

Đại diện một hệ thống siêu thị cho biết, đến nay sức mua vẫn giảm 30% nhưng nhiều mặt hàng thiết yếu tăng khoảng 15%, cá biệt như cà chua tăng hơn 50%, vượt 30.000 đồng/kg; thịt heo vẫn ở mức cao như thịt đùi 139.000 đồng/kg, phi lê 186.000 đồng/kg dù giá heo hơi quanh mức 50.000 đồng/kg. Đặc biệt, hàng nhập khẩu tăng rất cao do vấn đề vận chuyển. Trước tình hình này, đại diện các hệ thống siêu thị cho biết đang rà soát lại hàng hóa, mặt hàng nào tăng giá cao sẽ lựa chọn sản phẩm thay thế nhằm hạn chế phụ thuộc vào một nhà cung cấp. 

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương, sở đã tổ chức chương trình “Khuyến mại tập trung năm 2021” kéo dài từ ngày 15-11 đến 31-12 nhằm hỗ trợ người dân mua sắm hàng hóa với mức giá tốt nhất có thể. Song song đó, Sở Công thương tăng cường hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh thành; phối hợp với các tỉnh thành và sở ngành liên quan tạo điều kiện cho hàng hóa các địa phương vận chuyển, đưa về TPHCM tiêu thụ thuận lợi nhất. Ngoài ra, đơn vị cũng đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động trở lại các chợ truyền thống còn đang tạm ngưng hoạt động, tăng dần hiệu quả hoạt động các chợ đầu mối để bảo đảm cung, cầu hàng hóa cho thị trường. Bởi khi nguồn cung hàng hóa cho thị trường dồi dào, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn thì giá cả hàng hóa sẽ được thị trường điều tiết tốt hơn.

Không để thiếu hàng, sốt giá dịp Tết

 Bộ Công thương vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT (CT 12) về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. 

Theo đó, để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường, Bộ Công thương đề nghị Sở Công thương các tỉnh thành theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Sở Công thương các tỉnh thành chủ động tham mưu các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn; có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường, dự trữ hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Cùng đó phối hợp với các sở ngành liên quan, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho việc lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cho lưu thông thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; tổ chức thực hiện Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp theo hình thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19; tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và đặc biệt là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ, những đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm. 

Cục Quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại…

Các tin khác