Thị trường thời trang: Cuộc đấu đến hồi gây cấn

(ĐTTCO) - Sau cuộc đổ bộ và giành thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam, thị trường thời trang cũng bắt đầu khi Zara, H&M đã chính thức có mặt, tạo ra cơn sốt cho những tín đồ yêu thích những thương hiệu thời trang bình dân hàng đầu thế giới. 
Cũng từ đây, sức ép lên các thương hiệu thời trang “made in Vietnam” lại càng lớn hơn bao giờ hết.
Ồ ạt đổ bộ, chinh phục người tiêu dùng
Hơn nửa tháng sau ngày khai trương, gian hàng của thương hiệu thời trang H&M trong trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Đồng Khởi, TPHCM, lúc nào cũng rất đông khách. Ngày khai trương 9-9, thương hiệu thời trang đến từ Thụy Điển này đã thu hút lượng khách cực "khủng", tạo nên cảnh tượng chưa từng thấy trong lịch sử khai trương các thương hiệu tại Việt Nam. Sở dĩ H&M hấp dẫn “tín đồ” thời trang Việt vì thương hiệu này thuộc dòng bình dân, đáp ứng nhu cầu cho mọi đối tượng nam, nữ, trẻ em, đặc biệt là các loại phụ kiện. Mức giá vì thế cũng bình dân, dao động từ vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm.
Chị Nguyễn Khánh Ngọc cho biết đã đến đây từ hôm khai trương nhưng do đông quá chưa xem được kỹ, nay quay lại và mua được khá nhiều sản phẩm. Những mặt hàng của H&M tại Việt Nam rất phong phú và giá bán so với các nước châu Á rẻ hơn. 
 Cơn sốt thương hiệu thời trang nước ngoài của người tiêu dùng nội địa chỉ là làn sóng ban đầu. Họ mua sắm các thương hiệu nước ngoài để thỏa mãn cơn tò mò và mong muốn trải nghiệm sự khác lạ. Nhưng doanh nghiệp Việt Nam có những lợi thế riêng như hiểu rõ về văn hóa của Việt Nam để thiết kế sản phẩm phù hợp nhất với thị hiếu của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Tiệp
Giám đốc truyền thông Tập đoàn Thời trang NEM
Nhận định về chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam, ông Fredrik Famm, Giám đốc Điều hành H&M Khu vực Đông Nam Á, cho biết: "Đây là thời điểm chín muồi để H&M vào thị trường Việt Nam, vì người tiêu dùng đang dành sự quan tâm lớn cho thương hiệu này. Chúng tôi có thương hiệu và giá cả lại tốt nhất, điều đó đã hấp dẫn với người tiêu dùng.
Mặc dù không phải là người tiên phong vào Việt Nam, nhưng đổi lại chúng tôi có những lợi thế sau một thời gian chuẩn bị kỹ càng". Hiện đại diện của H&M cũng tiết lộ đang tìm kiếm địa điểm để mở thêm cửa hàng vào những năm tới vì đánh giá cao sức mua ở thị trường Việt Nam. 
Trước H&M, Zara (thương hiệu thời trang bình dân thế giới đến từ Tây Ban Nha) cũng đã từng gây sốt ở thị trường Việt Nam trong ngày khai trương, khi ghi nhận doanh thu ngày đầu tiên 5,5 tỷ đồng (Zara đã phá kỷ lục về doanh thu ngày đầu tại hơn 2.000 cửa hàng ở 88 quốc gia). Thời điểm này sức nóng của Zara dù giảm khá nhiều, nhưng vẫn là điểm đến của nhiều tín đồ yêu thích những sản phẩm thời trang Zara.
Đến Vincom Đồng Khởi những ngày này, cảm giác thật thú vị khi H&M và Zara tạo ra thế đối trọng cân bằng khi Zara chiếm góc mặt tiền Lê Thánh Tôn và Đồng Khởi, còn H&M chiếm góc Lý Tự Trọng và Đồng Khởi. Đến nay Zara đã có thêm 1 cửa hàng nữa ở Hà Nội và chiến lược mở rộng vẫn đang tiếp tục, bởi Zara Việt Nam có doanh thu thuộc top 5 cửa hàng toàn cầu của hãng. So với H&M Việt Nam, Zara Việt Nam có giá cao hơn nhưng hàng hóa có vẻ “chất” hơn. 
Sau Zara và H&M, người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang tiếp tục chờ đón những thương hiệu bình dân khác đổ bộ. Theo một số nguồn tin, Uniqlo, thương hiệu thời trang nổi tiếng Nhật Bản, với hơn 2.000 cửa hàng trên thế giới, cũng đưa ra thông báo chuẩn bị tuyển dụng nhân viên cho các cửa hàng sắp mở tại 2 thành phố lớn ở Việt Nam.Forever 21 cũng có nhiều động thái cho thấy sẽ có mặt tại Việt Nam vào năm sau. Việc có mặt của các thương hiệu bình dân quốc tế đang khiến làng thời trang Việt sôi động hơn bao giờ hết. Miếng bánh thị trường màu mỡ sắp được phân chia lại và dự báo phần nhiều sẽ về tay những ông lớn ngoại. 
Hấp lực thị trường Việt Nam
 Độ phủ của 2 thương hiệu Zara và H&M không còn xa lạ với những tín đồ thời trang trong nước, chưa kể đến việc Uniqlo lừng danh Nhật Bản cũng đã có kế hoạch thâm nhập thị trường trong thời gian tới. Cơ hội xuất hiện liên tiếp của các thương hiệu thời trang nhanh có mặt tại Việt Nam do giá cả hợp lý, phù hợp túi tiền, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Ông Phạm Thái Bình
Trưởng bộ phận bán lẻ của Savills Việt Nam tại TPHCM
Thực ra không chỉ người tiêu dùng Việt Nam đảo điên với những thương hiệu quốc tế bình dân như Zara, H&M hay Uniqlo, mà tại nhiều quốc gia khác những cái tên này cũng thu hút rất đông người tiêu dùng.
Những cái tên này đã tạo ra sự thay đổi trong ngành công nghiệp thời trang, đưa thời trang nhanh (fast fashion: mẫu mã thay đổi liên tục theo tuần, theo tháng với giá thành khá bình dân) lên ngôi. Những khách hàng lần đầu tiên đến gian hàng của Zara hay H&M dễ bị choáng ngợp bởi hàng hóa đa dạng mẫu mã, nhưng mỗi mẫu lại không có quá nhiều sản phẩm. Giới phân tích đánh giá đây là chiêu của các thương hiệu thời trang hàng hiệu bình dân, nhằm hạn chế tồn kho và gây cho người mua cảm giác "không đụng hàng" khi sử dụng sản phẩm. 
Có khá nhiều lý do để các hãng vào thị trường Việt Nam. Một nghiên cứu gần đây đã  đưa ra những điểm hấp dẫn: tỷ lệ dân số trong độ tuổi 20-30 của Việt Nam khá cao, chiếm khoảng 25% - con số mơ ước của các hãng thời trang nhanh; người Việt Nam vẫn có tâm lý sính ngoại; theo tính toán của các hãng thời trang nhanh, tốc độ tăng trưởng của ngành này tại Việt Nam luôn ở mức cao khoảng 20%.
Bên cạnh đó, ngành may mặc nội địa đang áp mức thuế nhập khẩu 20% nhưng sẽ dần xuống 0% vào năm 2018, khi ấy cơ hội đầu tư tại Việt Nam lại càng thuận lợi hơn. 
Anh Rendy, quản lý thương hiệu của Zara Việt Nam, cho biết rất ngỡ ngàng trước sức mua của người Việt đối với sản phẩm của Zara trong những ngày đầu khai trương tại TPHCM. Trả lời câu hỏi vì sao Zara lại chọn thị trường Việt Nam, vị này cho biết đây là thị trường rất tiềm năng, bởi GDP bình quân đầu người đang dần tăng. Tầng lớp trung lưu họ sẵn sàng chi tiền cho thời trang. Bên cạnh đó, Việt Nam đang có những chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
"Chúng tôi nhận thấy rất nhiều người Việt Nam đón nhận Zara tới Việt Nam. Nhiều người ra nước ngoài cũng tìm đến Zara. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu thời trang rất cao ở đất nước các bạn" - Rendy chia sẻ thêm.
Nói về tâm lý sính ngoại và thích hàng hiệu, một nghiên cứu khác của Nielsen chỉ ra rằng: Người Việt Nam thích hàng hiệu chỉ sau người Trung Quốc và Ấn Độ. 56% người Việt được khảo sát trả lời họ sẵn sàng chi nhiều, thậm chí rất nhiều tiền cho những sản phẩm từ các thương hiệu nổi tiếng, hơn là những sản phẩm từ những thương hiệu ít nổi tiếng dù chúng có cùng chức năng.
Và khi có cơ hội sở hữu những thương hiệu quốc tế nhưng giá bình dân, không lý gì người tiêu dùng Việt lại không chi mạnh tay hơn. Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận sự có mặt của khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại, chiếm 60% thị trường từ cao cấp đến tầm trung và gần đây nhất là thương hiệu quốc tế bình dân. 
Thị trường thời trang: Cuộc đấu đến hồi gây cấn ảnh 1 Những tín đồ của thời trang hàng hiệu bình dân chấp nhận xếp hàng rồng rắn chờ mua nhân dịp H&M khai trương tại TPHCM. 
Thích nghi và khẳng định
Đến nay Việt Nam đã có khá nhiều thương hiệu thời trang như An Phước, Việt Tiến, Nhà Bè, May 10... Thời trang công sở nữ cũng có những cái tên trong phân khúc trung bình cao như Seven AM, NEM… Hay thời trang dành cho đối tượng nam phải kể tới là Belluni của Tổng công ty 28, dành cho giới nữ và trẻ em là Canifa. Phân khúc bình dân cũng có những thương hiệu quen thuộc như Ninomax, Blue Exchange…
Hiển nhiên một số thương hiệu đang không ngừng gia tăng số lượng cửa hàng để chinh phục người tiêu dùng nội địa. Đó là chưa kể đến các thương hiệu riêng của rất nhiều nhà thiết kế Việt Nam. Thế nhưng, khi các thương hiệu như Zara, H&M vào thị trường, nhiều người vẫn cảm thấy lo lắng trong cuộc chiến này các thương hiệu nội sẽ đi về đâu. Song điều an ủi cho đến thời điểm này vẫn chưa có ghi nhận cụ thể nào về việc sụt giảm doanh thu của các thương hiệu nội khi “cơn lũ” thương hiệu thời trang ngoại tràn vào, nhưng vẫn không thể không tính câu chuyện đường dài. 
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới, nhưng nội địa lại không được chú ý nhiều. Những thương hiệu trụ vững đến ngày hôm nay hẳn cũng từng đi qua những khó khăn như sức ép cạnh tranh của hàng nhái, hàng giả và hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.
Ngoài ra còn là do năng lực của không ít doanh nghiệp khá yếu kém trong khâu phân phối, thiết kế mẫu mã, xây dựng thương hiệu. Đó là lý do nhiều thương hiệu thời trang Việt muốn chinh phục người tiêu dùng phải gắn tên mình với những thương hiệu lớn của nước ngoài, mà câu chuyện của An Phước - Pierre Cardin vẫn thường được nhắc đến như một điển hình. 
Người tiêu dùng Việt Nam đang bắt đầu bị cuốn theo xu hướng thời trang nhanh các thương hiệu lớn tạo ra. Trước thực tế này, các thương hiệu nội cũng nên cân nhắc để có sự chuyển hướng thích hợp nhằm giữ chân người tiêu dùng. Vì khi có thêm vài cái tên như Uniqlo hay F21 vào thị trường, lúc đó mọi sự sẽ còn căng thẳng hơn rất nhiều.
Thị trường Việt Nam cũng rất cần có những mũi nhọn nội trong ngành thời trang để không chỉ chinh phục người tiêu dùng trong nước mà xa hơn còn đi ra các nước trong khu vực và thế giới. Và người tiêu dùng cũng vẫn chờ đợi một sự hình thành và lớn mạnh của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đúng nghĩa. 

Các tin khác