Thời điểm chín muồi để TPHCM thực hiện tổ chức chính quyền đô thị

(ĐTTCO) - Sáng 12-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Đa số đại biểu (ĐB) bày tỏ đồng thuận về sự cần thiết phải có nghị quyết này. 
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu. Ảnh: QUANG PHÚC
Tăng công suất cho “đầu tàu”
Theo ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng), việc không tổ chức HĐND quận, phường sẽ đáp ứng được 2 yêu cầu: đạt hiệu quả tối ưu trong giải quyết nhu cầu của người dân, nhanh hơn mà không cần các cấp trung gian; góp phần tinh gọn bộ máy chính quyền, bảo đảm sự liên thông, điều hành thống nhất, linh hoạt.
“Nghị quyết của Quốc hội đi vào thực tiễn sẽ giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững; phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của TPHCM đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước trong thời gian tới”, ĐB Tô Ái Vang nhấn mạnh.
Các ĐB Huỳnh Thành Chung (Bình Phước), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), Lê Thanh Vân (Cà Mau)… đều đồng tình về sự cần thiết triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM bởi đây là đô thị đặc biệt, là đầu tàu và động lực có sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết phân tích, TPHCM đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận huyện, phường trên diện rộng; là địa phương có số lượng đơn vị hành chính thí điểm nhiều nhất, gồm 24 quận huyện, 259 phường từ năm 2009-2016.
Thời điểm chín muồi để TPHCM thực hiện tổ chức chính quyền đô thị ảnh 1 Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu
Ảnh: VIẾT CHUNG
Khi thực hiện thí điểm, quyền làm chủ của nhân dân được đảm bảo. Trong thời gian thí điểm, mặc dù kinh tế thế giới bị suy giảm nhưng kinh tế TPHCM vẫn tiếp tục phát triển. GRDP tăng bình quân giai đoạn năm 2016-2020 là 7,6%; GRDP bình quân đầu người tăng liên tục qua các năm và năm 2020 đạt 6.600 USD, gấp 1,3 lần năm 2015 và gấp 2,4 lần so với cả nước.
Theo ĐB Phạm Trọng Nhân, câu chuyện thành phố không xin kinh phí mà chỉ xin cơ chế là không mới nhưng rất đáng suy ngẫm. “Vì sao việc xin cơ chế lại đến từ thành phố mà không phải xuất phát từ yêu cầu cải cách? Với trách nhiệm của mình, lẽ ra Quốc hội phải chủ động thực hiện”, ĐB Phạm Trọng Nhân nói và cho rằng, ở góc độ lập pháp, nghị quyết khi triển khai sẽ góp phần “giảm ùn tắc thể chế”, khơi thông nguồn lực, tăng công suất cho đầu tàu kinh tế.
“Thật khó để hình dung, với một siêu đô thị sôi động bậc nhất cả nước nhưng mô hình chính quyền lại được khoác chiếc áo như búp bê Nga đồng hạng, như một chính quyền nông thôn”, ĐB Phạm Trọng Nhân so sánh.
Tăng cường hoạt động giám sát
Chia sẻ kết quả tổng kết quá trình thực hiện thí điểm Nghị quyết 26 của Quốc hội về không tổ chức HĐND quận huyện, phường, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho biết, việc thực hiện Nghị quyết 26 đã phát huy tốt vai trò làm chủ của nhân dân. Có nhiều giải pháp, biện pháp, cách làm mới, sáng tạo để khi không tổ chức HĐND ở quận huyện, phường thì quyền làm chủ của nhân dân vẫn được phát huy, quyền đại diện của nhân dân không bị hạn chế và vai trò của từng đại biểu HĐND được phát huy. 
Về hạn chế, theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, đó là hoạt động giám sát, thực hiện kết luận giám sát chưa được như mong muốn. Do đó, nếu sắp tới tổ chức lại cần phải tăng cường hoạt động giám sát để đảm bảo yêu cầu của người dân. Trong đó, cần phải tăng số ĐB chuyên trách cho HĐND thành phố để ít nhất một đơn vị hành chính ở TPHCM có một ĐB chuyên trách theo dõi. “Thời gian thí điểm là thực tiễn sinh động, qua đó chứng minh đây là thời kỳ “chín muồi” để TPHCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị mà không phải qua thí điểm”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trong dự thảo nghị quyết do Chính phủ trình có nêu 2 phương án: giữ theo như Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tăng ĐB chuyên trách. Qua thảo luận, phần lớn các ĐB đề nghị tăng số lượng chuyên trách và cơ quan trình mong muốn Quốc hội ủng hộ phương án tăng ĐB chuyên trách cho TPHCM.
Về vấn đề thực hiện dân chủ nếu không có HĐND, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, dự thảo nghị quyết đã nêu rõ, dù không có HĐND nhưng trách nhiệm của chính quyền địa phương thuộc thẩm quyền giám sát của HĐND quận và phường đã được chuyển giao cho HĐND thành phố; bên cạnh đó chịu sự giám sát của Quốc hội, đoàn ĐB Quốc hội, ĐB Quốc hội. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM (thành phố trực thuộc thành phố). Do đó, dự thảo nghị quyết đã bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND TP Thủ Đức. Việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố hay tỉnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Các tin khác