Thu hút FDI tại TPHCM: Đất lành, chim đậu

(ĐTTCO) - Trong chặng đường 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), TPHCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI nhờ sức hút từ những ưu thế về mặt địa lý, kinh tế - xã hội. 
Gần 7.500 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư khoảng 44,5 tỷ USD, là những con số ấn tượng trong thu hút của TP lớn nhất nước này.
Đa dạng hình thức đầu tư
Kể từ ngày 1-1-1988 khi nhà đầu tư nước ngoài được phép tham gia hoạt động tại Việt Nam, dù vài năm thứ hạng có bị thay đổi nhưng chưa bao giờ TPHCM rời xa vị trí top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước. Đến nay với 44,5 tỷ USD chiếm khoảng 13,9% tổng vốn FDI cả nước, TPHCM chính thức giữ "ngôi vương" trong bảng xếp hạng 30 năm thu hút FDI.
Không khó để lý giải TPHCM luôn nằm trong Top cao, đó chính là sự đóng góp của những dự án tỷ đô, những dự án tổ hợp sản xuất quy mô lớn... tạo ra cú hích cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu của TP. Điều đáng nói, so với những địa phương khác TPHCM ra những mô hình mẫu đầu tiên trong thu hút FDI.
Thu hút FDI tại TPHCM: Đất lành, chim đậu ảnh 1 Các DN FDI trao đổi bên lề Hội nghị giữa lãnh đạo TPHCM gặp gỡ các DN FDI 2018. Ảnh: CAO THĂNG 
Sự ra đời của các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) đầu tiên trên cả nước, trong đó phải kể đến KCX Tân Thuận - điểm mốc đánh dấu sự thành công của thu hút FDI tại TPHCM. Ngay từ những ngày đầu mới hình thành vào năm 1991, Tân Thuận đã thu hút trên 100 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đến đầu tư, trở thành KCX kiểu mẫu, giá trị sản xuất và xuất khẩu chiếm tỷ trọng rất cao.
Các KCX-KCN đã biến đổi trên 3.500ha đất nông nghiệp nhiễm phèn, nhiễm mặn, năng suất thấp trở thành vùng đất công nghiệp có đủ điện nước, có đường giao thông thuận lợi, tạo ra công ăn việc làm cho 250.000 người lao động đến từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Từ làn sóng này, TPHCM cũng trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước trong việc đón những ông lớn đến đầu tư như Intel, BP, Samsung, Toshiba, Mercedes, Isuzu, Nidec... và tạo ra bước chuyển mình mạnh mẽ trong sản xuất, phát triển. Dù chặng đường này không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng, nhiều lúc vị trí dẫn đầu của TP trong thu hút FDI đã  bị lung lay bởi những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu, cũng như những khó khăn nội tại của TP.
Tuy vậy, sau nhiều nỗ lực TPHCM vẫn vươn lên trở thành cánh chim đầu đàn trong hút vốn FDI từ bên ngoài.
Hình thức thu hút vốn FDI của TPHCM cũng rất đa dạng. Theo đó, ngoài 3 hình thức thu hút vốn FDI là hợp tác liên doanh, liên doanh và 100%, hiện nay TP đã có thêm hình thức mua vốn, đóng góp cổ phần, đã góp phần đáng kể làm tăng dòng vốn FDI vào TP. Năm 2017, TPHCM ghi nhận thu hút được 6,6 tỷ USD vốn FDI, đứng đầu bảng các địa phương.
Trong số này có 50% giá trị thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần DN trong nước. Xu hướng này tiếp tục bùng nổ trong năm 2018, khi trong quý I tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (cấp mới, tăng vốn) và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, TPHCM thu hút được 1,702 tỷ USD (tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2017) và tiếp tục ở vị thế dẫn đầu cả nước.

Tiếp tục cải tiến, tạo thêm thuận lợi
Điều khiến nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hiện nay là lợi nhuận, địa điểm đầu tư và những địa phương phát triển, có tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2017, tăng trưởng GDP của TPHCM đạt 8,25%. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để TPHCM thu hút FDI.
Bên cạnh đó phải kể đến việc TP linh hoạt đưa ra các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư. Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) cho biết sở dĩ DN này mở rộng đầu tư tại TPHCM do tốc độ tăng trưởng cao của TP, và việc đối xử công bằng giữa DN FDI và DN địa phương, đặc biệt trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính.
Còn theo ông Chang Book Sang, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn CJ Việt Nam: “Với pháp nhân là DN FDI vốn đăng ký sở hữu dưới 51%, từ khi nộp hồ sơ đăng ký cho đến khi nhận quyết định đầu tư được giảm số lượt thủ tục và rút ngắn thời gian rất nhiều”. 
Chia sẻ về những kế hoạch trong thu hút đầu tư của TP, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho biết: “Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục xem xét những giải pháp liên quan tới lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản do nhu cầu thuê nhà vẫn tiếp tục tăng cao và khả năng phát triển dịch vụ kinh doanh bất động sản vẫn thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất. Bên cạnh đó, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của TP ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, du lịch, cải tạo môi trường đầu tư thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng để TPHCM tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đây chính là những động lực giúp các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn TPHCM là điểm đến ưu tiên trong bản đồ đầu tư của mình”.
Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và DN FDI mới đây, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM đã trân trọng ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của các DN FDI vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Bí thư Thành ủy lưu ý “đây là điểm son TPHCM phải giữ”; đồng thời đặt ra yêu cầu cải tiến môi trường đầu tư, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả. Bởi lẽ, là địa phương đi đầu trong cả nước về thu hút FDI, bên cạnh những thành công TPHCM cần rút ra nhiều bài học để dòng vốn FDI mang lại hiệu quả hơn nữa cho quá trình phát triển kinh tế của TPHCM nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ sự rất mong muốn DN nước ngoài hãy chia sẻ cùng tham gia, hỗ trợ TP triển khai thành công các dự án thông qua việc đầu tư về vốn, giải pháp công nghệ đã được áp dụng thành công thời gian qua. 
 Ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Chủ tịch UBND TPHCM

Tạo mọi điều kiện để DN phát triển

TPHCM đang có những chuyển biến cả lượng và chất. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng DN nói chung và DN FDI nói riêng. Chính quyền TPHCM cam kết tạo mọi thuận lợi cho các DN đầu tư phát triển, chung tay xây dựng TPHCM ngày càng to đẹp hơn. 
Tôi rất vui mừng được biết trong dịp Tết Mậu Tuất vừa qua DN FDI có mức thưởng khá cao, bình quân 8,5 triệu đồng, tăng 1,6 triệu đồng so với năm trước và cao hơn 500.000 đồng so với mức bình quân các DN trên địa bàn TP. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tác động lan tỏa từ DN FDI sang DN trong nước chưa được như kỳ vọng; tỷ lệ chuyển giao công nghệ vẫn chưa cao; trong cơ cấu đầu tư DN FDI vẫn ưu tiên lĩnh vực bất động sản, chiếm 43% tổng nguồn vốn đầu tư. 
TPHCM sẽ bảo đảm sự ổn định, nhất quán các cơ chế, chính sách đã đề ra; trong năm 2018 và các năm tiếp theo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Cụ thể, về hải quan giảm 50% thời gian tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa. Về đầu tư tiến hành họp Tổ công tác liên ngành ngay khi có dự án đầu tư vào TP. Đây là Tổ công tác đặc biệt của TP do tôi làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ hỗ trợ, xử lý toàn bộ thủ tục đầu tư cho DN đến khi dự án được cấp phép hoạt động. DN chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Tổ công tác. Tổ công tác đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 50% thời gian xử lý so với quy định. Quan điểm xuyên suốt của TP là dù DN tư nhân hay DN FDI đều bình đẳng trước pháp luật. Tóm lại TP cam kết giải quyết mọi khó khăn của DN và giao Sở Kế hoạch - Đầu tư làm đầu mối triển khai cũng như tiếp thu, nghiên cứu những đề xuất, kiến nghị và phản hồi đến từng DN.
TPHCM trân trọng và chào đón DN nước ngoài khởi nghiệp tại TP, nhưng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính,  không quan tâm đến trách nhiệm môi trường. TP mong muốn DN FDI có sự kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của TP; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, có trách nhiệm với xã hội; chung tay cùng với TP bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của môi trường. Đồng thời, TP cũng mong muốn DN FDI đẩy mạnh đầu tư đối với 7 chương trình đột phá của TP; đầu tư vào các dự án xây dựng TP trở thành đô thị thông minh; các dự án xây dựng khu đô thị sáng tạo và 127 dự án trọng điểm của TP theo danh mục đã được công bố.

Các tin khác