Thu hút kiều hối: Cần chính sách khai thông bền vững

(ĐTTCO) - Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đang phát triển cần rất nhiều vốn như Việt Nam. 
Do đó, sự sụt giảm kiều hối trong năm 2016 đã dẫn đến nhiều lo ngại về khả năng thu hút dòng tiền này năm 2017. Dù diễn biến kiều hối 6 tháng đầu năm có dấu hiệu khả quan, nhưng vẫn cần những giải pháp đột phá để thu hút thêm dòng tiền này.
Nguồn vốn bổ sung quan trọng

Từ năm 1993 đến nay, kiều hối được chuyển về Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng. Nếu như năm 1993 kiều hối đạt 140 triệu USD; đến năm 2012 đã đạt 10 tỷ USD; năm 2013 đạt hơn 11 tỷ USD; năm 2014 đạt 12 tỷ USD và năm 2015 đạt 13 tỷ USD. Theo NH Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 3 châu Á và thứ 11 thế giới về thu hút kiều hối, nhưng đến năm 2016 lượng kiều hối chuyển về nước qua các kênh chính thức đã giảm xuống chỉ đạt 9 tỷ USD, thấp hơn dự báo 25%.
Lượng kiều hối chuyển về trong các năm gần đây thấp hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng lại cao hơn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và vốn ODA. Giai đoạn 2002-2015, dòng kiều hối chiếm khoảng 6% GDP, trong khi đó dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3% GDP. 
OCB thành lập công ty chuyển tiền quốc tế không chỉ là hướng mở rộng phương thức kinh doanh nhằm tăng kết quả hoạt động, mang lại nguồn hiệu quả tài chính lâu dài cho chính công ty và NH mẹ, mà còn nhằm mục tiêu gia tăng các tiện ích, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ kiều hối trong nước và quốc tế của khách hàng. 
Ông Trương Đình Long, 
Chủ tịch HĐTV OIMT
Kiều hối đang được coi là điểm sáng của nền kinh tế, vì dòng vốn này về nước vô điều kiện, đồng thời không lo bị rút vốn như các doanh nghiệp FDI. Nguồn vốn này hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế như bổ sung vốn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ cân bằng cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế tổng thể, tăng lượng cung ngoại tệ giúp ổn định thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ. Nếu trước đây, kiều bào gửi tiền về nước chủ yếu để người thân tiêu dùng cá nhân, nay dòng vốn này đã tập trung đầu tư vào sản xuất kinh doanh và bất động sản. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cơ cấu sử dụng kiều hối trong 3 năm gần đây gồm 30% đầu tư sản xuất kinh doanh, 30% gửi tiết kiệm, 20% mua vàng, đầu tư bất động sản 16% và tiêu dùng chiếm 4%. Đáng chú ý, TPHCM là nơi có lượng kiều hối chuyển về cao nhất nước. Những năm trước tỷ lệ này khoảng 45-47%, đến năm 2016 dù kiều hối trên địa bàn TPHCM chỉ đạt 5 tỷ USD, giảm nhẹ so với 5,5 tỷ USD năm 2015, nhưng chiếm đến 57% tổng lượng kiều hối cả nước. Trong đó châu Âu và Hoa Kỳ vẫn là 2 thị trường có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất, chiếm khoảng 82% tổng kiều hối về TPHCM. Tỷ lệ kiều hối được người nhận chuyển đổi ngay từ ngoại tệ qua VNĐ cũng có xu hướng tăng, năm 2015 đạt mức 31,2% và năm 2016 tăng lên mức 33,4%. Tỷ lệ kiều hối chuyển về được bán lại cho NH từ năm 2013 cũng ở mức cao, 20-35%. Về cơ cấu phân bổ, 72% lượng kiều hối phục vụ sản xuất kinh doanh, 21,8% đầu tư bất động sản và 6,2% tiêu dùng. 6 tháng đầu năm 2017, kiều hối chuyển về TPHCM qua các NH trên địa bàn ước đạt 2,1 tỷ USD, cao hơn cùng kỳ năm 2016 khoảng 50 triệu USD. Năm 2016, lượng kiều hối về Việt Nam giảm so với các năm 2012-2015, do ảnh hưởng từ quyết định tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) và kỳ vọng khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2017.  
Cùng với đó, chính sách ủng hộ nâng cao giá trị đồng USD và việc Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã khiến nhà đầu tư và người Việt ở nước ngoài cân nhắc, tính toán hơn trong việc chuyển tiền về Việt Nam để sản xuất kinh doanh đón đầu TPP hoặc gửi tiết kiệm. Bên cạnh tác động của thế giới, có ý kiến cho rằng lãi suất USD bằng 0% áp dụng tại Việt Nam cũng là nguyên nhân dẫn đến lượng kiều hối về nước giảm. Bài toán USD/VNĐ
Một số chuyên gia kinh tế nhận định nguyên nhân chính dẫn đến lượng kiều hối về Việt Nam năm 2016 không như mong đợi chủ yếu do FED tăng lãi suất. Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, việc FED tăng lãi suất với kỳ vọng ở mức 1,5% vào cuối 2017 và 2,25% vào cuối 2018, trong điều kiện lãi suất USD tại Việt Nam bằng 0%, tuy có ảnh hưởng đến nhu cầu cất giữ tiền ở Việt Nam, nhưng nếu gửi bằng USD tại Hoa Kỳ lãi vẫn thấp hơn gửi USD về Việt Nam khi chuyển VNĐ gửi tiết kiệm. 
 Trong bối cảnh vốn FDI đã ổn định và vốn ODA giảm dần ưu đãi Việt Nam buộc phải giảm vay để bảo đảm nợ công, nên một chính sách toàn diện và thông thoáng hơn để thu hút nguồn lực kiều hối và hướng dòng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh là điều rất quan trọng và cần thiết.
GS.TSKH Nguyễn Mại, 
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài
Cùng quan điểm, TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, phân tích: Những ý kiến cho rằng lãi suất USD ở nước ngoài cao hơn Việt Nam, nên những người trước đây chuyển tiền về Việt Nam gửi tiết kiệm sẽ giữ tiền và gửi tiết kiệm tại nước đó để hưởng lãi suất cao hơn, là chưa chính xác. Bởi lãi suất tiền gửi USD bằng 0% nhưng Việt Nam kiểm soát được biến động của tỷ giá, và gửi USD về Việt Nam chuyển sang VNĐ gửi tiết kiệm vẫn có lãi cao.
Thí dụ, biến động tỷ giá ở mức 2%, khi chuyển USD về Việt Nam, bán USD ra VNĐ gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất kỳ hạn 12 tháng 8%/năm. Trừ biến động tỷ giá 2%, người gửi kiều hối về Việt Nam gửi tiết kiệm thông qua chuyển đổi USD thành VNĐ vẫn lãi 6%/năm. Việc FED tăng lãi suất thường ảnh hưởng đến đồng USD lên giá so với các đồng ngoại tệ khác, từ đó ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Nhưng trong năm 2017, FED tăng lãi suất là xu hướng đã được dự báo trước nên không ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối Việt Nam, cũng như lượng kiều hối chuyển từ nước ngoài về. Tuy nhiên, NHNN cũng không chủ quan, đã theo dõi rất sát diễn biến của thị trường và đưa ra 2 thông điệp là các tổ chức tín dụng (TCTD) không được tăng lãi suất VNĐ, cũng như đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế.  Thực tế thời gian qua, thị trường ngoại hối và tỷ giá rất ổn định, đã chứng minh cho việc điều hành tỷ giá của NHNN. Nhìn vào thực tế có thể thấy sức hút của kiều hối vẫn còn rất lớn, khi gần đây BacABank và OCB đã thành lập công ty con sở hữu 100% vốn điều lệ để hoạt động trong lĩnh vực kiều hối. Trong đó, Công ty Chuyển tiền quốc tế OCB (OIMT) có vốn điều lệ 25 tỷ đồng, còn Công ty kiều hối BacABank với vốn điều 77 tỷ đồng, có nhiều kỳ vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Thu hút kiều hối: Cần chính sách khai thông bền vững ảnh 1
Tạo cửa vào, ra
Theo đánh giá của các định chế tài chính nước ngoài và kiều bào, chính sách thu hút kiều hối của Việt Nam hiện nay đã rất thông thoáng. Thứ nhất, khi gửi tiền kiều hối về Việt Nam, người nhận có thể nhận tiền mặt hoặc chuyển khoản, hoặc có thể gửi vào tài khoản tiền gửi thanh toán tại các TCTD.
Thứ hai, người nhận có thể lựa chọn nhận bằng VNĐ hoặc ngoại tệ. Thứ ba, người nhận kiều hối không phải đóng bất kỳ khoản thuế hay phí nào cho các TCTD mà chỉ thu của người gửi. Đồng thời, mức phí thu từ người gửi kiều hối của các NHTM cũng rất cạnh tranh, được tính theo từng châu lục và vùng lãnh thổ.
Với thị trường có lượng kiều hối gửi chiếm đến 60% tổng lượng kiều hối cả nước như Hoa Kỳ, mức phí các NH áp dụng tối thiểu 0,2% và tối đa 2%. Đồng thời, sự cạnh tranh về dịch vụ của các NH cũng là điều kiện tốt để thu hút kiều hối về Việt Nam. BacABank định hướng phát triển công ty kiều hối giao dịch trực tuyến, có sự khác biệt so với mô hình hoạt động truyền thống giao dịch offline của phần lớn công ty kiều hối khác để giảm chi phí dịch vụ cho khách hàng, cạnh tranh với các công ty nước ngoài.

Một điểm thu hút kiều hối chảy về Việt Nam nữa là Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, đã cho phép kiều bào, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Theo một số công ty nghiên cứu về thị trường bất động sản, quy định này đã tạo ra xu hướng mua nhà dựa vào nguồn kiều hối đang ngày một nhiều hơn, trong khi năm 2014 người dân chủ yếu vay tiền NH để mua nhà. Năm 2015, NHNN cho biết đã có 1/5 lượng kiều hối chảy vào bất động sản. 

Song bên cạnh những chính sách đã có, các chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần mở rộng chính sách hỗ trợ chuyển ngoại tệ người dân ra nước ngoài sinh sống và làm việc, đồng thời xây dựng kênh thông tin rộng rãi cho kiều bào về chính sách đầu tư, chính sách tỷ giá và điều hành tiền tệ  tại Việt Nam để họ có thể tiếp cận các cơ hội đầu tư. Đó là cơ sở để Việt kiều yên tâm chuyển tiền về nước, cũng như đưa ra quyết định sử dụng đồng tiền có lợi nhất đối với họ, từ đó giúp Việt Nam thu hút kiều hối tốt hơn.

Các tin khác