Thu ngân sách tăng từ đất bấp bênh, thiếu bền vững

(ĐTTCO) - Thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 vượt dự toán năm nhưng không đủ xoa dịu sự lo lắng của chính phía cơ quan thuế, khi cơ cấu nguồn thu bấp bênh, thiếu ổn định và về lâu dài số thu NSNN thực tế đang giảm dần.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Thu ngân sách tăng mà… không tăng
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN  lũy kế 11 tháng năm 2021 ước đạt 1.180.000 tỷ đồng, bằng 107,5% so dự toán năm 2020. Trong đó một số khoản thu lớn như doanh nghiệp nhà nước ước thu đạt 101,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 99,5%; thu từ khu vực ngoài quốc doanh ước đạt 107,8%; thuế thu nhập cá nhân ước đạt 107,7%; tiền sử dụng đất ước đạt 121,5%; tiền thuê đất ước đạt 125,9%.
Như vậy, nếu nhìn vào cơ cấu các khoản thu sẽ thấy nguồn thu từ đất đai (thuế đất và bán đất) đang chiếm tỷ trọng lớn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi trả lời trước Quốc hội cũng cho biết, thu NSNN năm 2021 tăng nhờ có những khoản thu đột biến, như truy thu thuế nhà thầu của Formosa xử lý thu chênh lệch giá khí trong bao tiêu sản phẩm; hay như đặc biệt phát sinh khoản thu gần 3.000 tỷ đồng từ tiền thuê đất của Đại sứ quán Mỹ.
Thực ra, các khoản thu đột biến không chỉ diễn ra vào những quý cuối năm 2021, nhìn kỹ vào cơ cấu thu NS năm 2021 có thể thấy sự tăng bất thường nói trên.
Chẳng hạn bên cạnh việc nương theo giá cả hàng hóa tăng (bắt đầu từ đầu quý III), dẫn đến nguồn thu thuế và một số loại phí tăng theo; một số nguồn thu được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ trong năm 2020; và một số ngành tăng trưởng nóng như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô.
Trong đó, đáng kể nhất là tăng trưởng tín dụng và huy động vốn năm 2020, đã góp phần tăng lợi nhuận của các ngân hàng, dẫn đến số thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV-2020 được nộp vào quý I-2021 của các ngân hàng tăng khoảng 4.500 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản được chuyển nhượng vào cuối năm 2020, nhưng thực hiện nghĩa vụ tài chính với NSNN vào đầu năm 2021, đã làm tăng thu đột biến thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản khoảng 6.000 tỷ đồng.
Thêm vào đó, sau những đợt ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 từ năm 2020, thị trường mua bán sáp nhập (M&A) khá sôi động với các hoạt động sáp nhập, hợp nhất, đánh giá lại tài sản khi góp vốn, chuyển nhượng vốn tăng, làm tăng thu đột biến thuế thu nhập doanh nghiệp.
Việc thu NS 11 tháng năm 2021 tăng bất thường còn do khâu lập dự toán thu NS cho năm 2021 về cơ bản chưa phản ánh sát với thực tế.
Cụ thể, việc lập dự toán thu NSNN năm 2021 dựa trên cơ sở số thu 9 tháng năm 2020 và dự báo số thu cả năm 2020. Khi đó, Bộ Tài chính dự báo NSNN năm 2020 bị hụt thu rất lớn (gần 180.000 tỷ đồng) do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ, nên lập dự toán thu năm 2021 rất khiêm tốn.
Do vậy, kết quả thu NS 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ 2020 đã tăng so với dự toán. Ở đây là con số danh nghĩa và về mặt kỹ thuật, còn về thực chất tổng thể, thu NSNN vẫn ở mức khiêm tốn, nếu không muốn nói đang trên đà suy giảm mạnh.

Cần cơ cấu lại nguồn thu thiếu bền vững
Thực tế trong khoảng 5 năm trở lại đây, cơ cấu thu NS đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa. Nếu giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ thu nội địa bình quân 68,7%, đến năm 2020 tỷ trọng thu nội địa đạt 85,4%.
Trong khi đó giảm tỷ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu theo lộ trình cắt giảm thuế quan nhằm mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ. Nhưng có thực trạng đang khiến nhiều người lo ngại từ nhiều năm nay. Đó là cơ cấu nguồn thu NS, thậm chí thu nội địa của Việt Nam hiện nay đang bất hợp lý, do đó bấp bênh và thiếu bền vững. Nếu tình trạng này vẫn kéo dài có thể dẫn đến câu chuyện “bóc ngắn, cắn dài”.
Nghĩa là trong khi nguồn thu không đảm bảo, chi vẫn phải duy trì ở mức cao (trong đó chi thường xuyên vẫn ngôi đầu bảng) và bội chi NS kéo dài triền miên là điều khó tránh khỏi.
Hiện nay, NSNN vẫn đang phụ thuộc vào một số nguồn thu như đất đai, dầu thô, hoạt động xuất nhập khẩu, khai thác tài nguyên - những lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào biến động thị trường quốc tế - không những làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên lẫn tài nguyên sức lao động và nguồn lực tài chính, còn khiến cơ cấu thu NSNN chưa thật sự bền vững. Đã đến lúc cần hướng đến những nguồn thu khác ổn định và bền vững hơn.
Đơn cử, lĩnh vực thuế hiện vẫn còn dư địa cho cải thiện cơ cấu nguồn thu. Một báo cáo nghiên cứu về cơ cấu thuế do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện, cho thấy tốc độ tăng thu thuế tương đương tốc độ tăng GDP.
Kể từ năm 2011, tỷ lệ thuế trên GDP của Việt Nam ổn định ở mức 18%. Tỷ trọng thuế trực thu đã giảm liên tục và điều này phần nào giảm tính lũy tiến của hệ thống thuế Việt Nam. 
Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp dù hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng đang có xu hướng giảm xuống. Xu hướng giảm nguồn thu từ thuế doanh nghiệp không phải khi dịch Covid-19 bùng phát mới xuất hiện, mà nguyên nhân chính do Chính phủ đang áp dụng ngày càng nhiều các ưu đãi thuế cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Bên cạnh đó, hiện tại tỷ trọng thu thuế thu nhập ở Việt Nam vẫn còn thấp. Đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân đã tăng trưởng mạnh nhưng vẫn đóng góp khiêm tốn trong tổng thu NSNN. 
Theo các chuyên gia, đối với thuế thu nhập cá nhân, cơ quan thuế hoàn toàn có thể nâng thêm bậc thuế và tăng mức thuế suất lũy tiến so với hiện tại, đồng thời tăng cường kiểm soát để tránh thất thoát nguồn thu. 
 Con số thu NSNN năm 2021 tăng so với dự toán chỉ về mặt danh nghĩa và kỹ thuật, còn về thực chất tổng thể thu NSNN vẫn ở mức khiêm tốn, nếu không muốn nói đang trên đà suy giảm mạnh.

Các tin khác