Thu phí dịch vụ ngày Tết, nên hay không?

(ĐTTCO)-Ngày Tết, ghé hàng quán, ngán nhất chuyện thức ăn, nước uống tăng giá cao ngất. Những tranh cãi về giá cả, đặc biệt là việc phải trả thêm phí dịch vụ ngày Tết vẫn tiếp diễn.
Thu phí dịch vụ ngày Tết, nên hay không?

Với người có thu nhập cao hoặc dễ tính thì câu chuyện này có thể chấp nhận được mức tăng vừa phải. Nhưng tăng cao quá thành tranh cãi, bất hòa. Thu bao nhiêu cho vừa để đôi bên cùng vui vẻ?

Với nhiều người vất vả, dành dụm để dành đi chơi mấy ngày Tết thì câu chuyện bị "phụ thu" quá nhiều phí dịch vụ khiến họ "cạn túi" thật sự bức xúc, thậm chí dẫn đến việc gây tranh cãi, bất hòa giữa đôi bên. Nhà hàng, quán xá cũng tranh thủ dịp này để tăng giá, một mặt để hỗ trợ nhân viên trong dịp Tết, mặt khác lại tranh thủ trục lợi, kiếm thêm tiền từ khách hàng.

Gia đình tôi khi du lịch tại thành phố Đà Lạt cũng gặp phải tình huống như thế, khi phải trả thêm 50% phí dịch vụ khi vào ăn uống tại một quán bún bò Huế gần chợ. Chúng tôi đã phải trả gần 900.000 đồng cho 5 tô bún bò và vài ly trà đá của một bữa sáng tại đây. Để tránh tranh cãi, bất hòa vào những ngày lễ Tết, cá nhân tôi và gia đình vẫn im lặng bỏ qua.

Vào mùng 3 Tết vừa rồi, trên diễn đàn mạng lan truyền bài đăng của một vị khách tỏ ra bức xúc vì hóa đơn thanh toán bị tính thêm 50% phí dịch vụ ngày Tết. Cô cho rằng đây là khoản thu vô lý và cô sẽ không bao giờ quay trở lại quán cà phê này thêm lần nào nữa!

Thực tế thì vào những dịp lễ Tết, nhiều hàng quán đã quyết định bán xuyên Tết để phục vụ khách hàng. Thông thường, các hàng quán sẽ phụ thu thêm 10 - 20% phí dịch vụ. Tuy nhiên, tăng thêm 50% hoặc nhiều hơn nữa là nguồn cơn của những bất bình. Đi chơi Tết thành mất vui. 

Cũng từ câu chuyện "không của riêng ai" này, vấn đề về các khoản phụ thu dịch vụ của quán xá ngày Tết thật sự khiến chúng ta phải lưu tâm nhiều hơn.

"Chúng tôi đã phải trả đến gần 500.000 đồng cho 4 ly nước, trong đó hơn 162.000 đồng là phí dịch vụ tại một quán cà phê ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Đó là chưa kể đến cung cách phục vụ rất tệ của nhân viên trong quán. Tôi đồng tình việc phải trả thêm một khoản phí để hỗ trợ các bạn nhân viên phục vụ trong ngày Tết. Tuy nhiên, khoản phí này chỉ nên dao động ở một mức giá phù hợp, chứ không thể tăng cao đến 50%" - một người bạn tôi (26 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) bày tỏ.

Không ít những người bán hàng nhỏ lẻ và theo thời vụ luôn cho rằng một năm chỉ trông chờ vào mấy ngày Tết. Do đó, họ "tận thu" và cũng chẳng quan tâm đến thái độ của khách hàng.

Việc thu phí dịch vụ, "chặt chém" người đi du xuân vốn chẳng phải là câu chuyện xa lạ. Từ tiền giữ xe đến chai nước bán mang đi đều tăng giá. Mỗi dịp Tết đến xuân về, lại tái diễn khiến bất kỳ ai cũng phải ngán ngẩm, coi chừng bị "chém". Thu thêm bao nhiêu để khách vui vẻ góp tay chia sẻ với những người phục vụ mình là chuyện không có gì phải giấu, khách cần được biết khi mua.

Xét về mặt pháp lý, đây là hành vi vi phạm quy định về giá được Chính phủ quy định tại nghị định 177/2013/NĐ-CP, trong đó nêu rõ: "Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng". 

Vấn đề niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định là điều tất yếu. Tuy nhiên, trên thực tế, còn rất nhiều trường hợp vẫn vi phạm nhưng chưa thể xử phạt hoặc chế tài đúng quy định.

Nên chăng, cần có cơ chế quản lý vấn đề thu phí dịch vụ tại các quán ăn, cà phê, nhà hàng vào dịp lễ Tết, nhằm hạn chế tình trạng "chặt chém", tăng giá quá mức. Tốt nhất, hàng quán nên niêm yết giá tăng thêm khi phục vụ ngày Tết để khách hàng biết trước, không choáng váng khi trả tiền và ấm ức khi ra về. Cũng là cách tránh những đôi co, cự cãi, chặt mặt ngầu với nhau ngày xuân.

Các tin khác