Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Việt Nam không ngừng mơ ước và sẽ nỗ lực hành động vì ước mơ"

(ĐTTCO) - Phát biểu tại diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VDRF 2019), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Việt Nam không ngừng mơ ước, dù vẫn còn nhiều ước mơ đang dang dở và vẫn còn những day dứt, song Việt Nam sẽ nỗ lực hành động vì ước mơ, biến ước mơ thành hiện thực để trở thành quốc gia hùng cường, hiện thực hóa khát vọng trở thành nước công nghiệp hiện đại".

Phiên toàn thể của diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VDRF 2019) chiều nay (19-9) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione.

Cùng tham dự diễn đàn còn có ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông; ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'Việt Nam không ngừng mơ ước và sẽ nỗ lực hành động vì ước mơ' ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn VDRF 2019

Phát biểu tại diễn đàn sau khi lắng nghe các diễn giả, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi hoan nghênh và trân trọng các ý kiến của các vị đại biểu. Tôi hiểu rằng các vị là các chuyên gia, các bậc thầy về kinh tế”.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia hàng đầu quốc tế và trong nước. Từ đó, tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào 2045.

Trước đó, các diễn giả đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý với Việt Nam. Nói về hành trình thoát bẫy thu nhập trung bình của Malaysia. Ông K. Yogeesvaran, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp trồng trọt và hàng hóa Malaysia cho biết, Malaysia mất 27 năm để từ thu nhập thấp trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Quốc gia này dự kiến trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2024. Dự kiến năm 2020, khoảng cách thu nhập của quốc gia này so với ngưỡng thu nhập tối thiểu của quốc gia thu nhập cao theo phân loại của WB là 8%.

Trong quá trình vươn lên thu nhập cao hơn, Malaysia đã gặp phải 6 thách thức: Tăng trưởng không đồng đều giữa các vùng miền (nên dù tăng trưởng cao nhưng không mấy ý nghĩa); Đầu tư vào công nghệ ngày càng suy giảm, đầu tư tập trung vào công trình vật chất thay vì đầu  tư vào máy móc thiết bị; Việc làm kỹ năng thấp và bất cân đối trên thị trường lao động; Chi phí sinh hoạt tăng lên nên phát triển giảm ý nghĩa với người dân; Dư địa tài khóa hạn hẹp nên tài chính công cho phát triển không được đảm bảo cũng là những thách thức không nhỏ khác. Bên cạnh đó, tuy vẫn đang được hưởng lợi ròng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, nhưng xung đột này kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến triển vọng thương mại và kinh tế toàn cầu nên triển vọng với Malaysia cũng không mấy tốt đẹp.

Để thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành quốc gia thu nhập cao, Malaysia đã sử dụng 7 đòn bẩy chính sách: Tăng cường vốn con người – giáo dục nghề nghiệp; Chuyển đổi sang các ngành phức hợp và giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ cho chế tạo và chế biến; Giải quyết chênh lệch thu nhập và bất cân đối vùng miền để phát triển bao trùm; Tăng cường bền vững môi trường qua tăng trưởng xanh; Cải cách thể chế và quản trị nhà nước; Nâng cao năng suất; Đổi mới sáng tạo hướng tới thịnh vượng.

Đặt vấn đề “Làm gì để định hình vận mệnh của mình?”, bà Pinelopi Koụianou Goldberg - Chuyên gia kinh tế trưởng Nhóm Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh, Việt Nam nên tiếp tục đầu tư mạnh hơn vào nguồn nhân lực và tham gia sâu hơn, ở phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC); Tham gia vào GVC các doanh nghiệp có năng suất cao hơn, việc làm tốt hơn và giảm tỷ lệ đói nghèo. Từ 1995 đến nay, tốc độ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam tăng rất nhanh, nhưng vẫn chưa “chạm” đến chuỗi có giá trị gia tăng cao…

Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam không ngừng mơ ước, dù vẫn còn nhiều ước mơ đang dang dở và vẫn còn những day dứt, song Việt Nam sẽ nỗ lực hành động vì ước mơ, biến ước mơ thành hiện thực để trở thành quốc gia hùng cường, hiện thực hóa khát vọng trở thành nước công nghiệp hiện đại".

Các tin khác