Thủ tướng yêu cầu 10 bộ trưởng trực tiếp gỡ khó cho đầu tư, kinh doanh

(ĐTTCO) - Thủ tướng yêu cầu tập trung cao nhất, đẩy nhanh sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn và đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại các lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, thuế, phí, xây dựng... 
Thủ tướng thăm việc sản xuất vaccine tại Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), tháng. Ảnh: VGP
Thủ tướng thăm việc sản xuất vaccine tại Công ty vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), tháng. Ảnh: VGP

Ngày 14-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện gửi 10 Bộ trưởng các Bộ. Bao gồm Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Công điện yêu cầu rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thủ tướng cho biết kết quả rà soát kiến nghị của 63 tỉnh, thành phố, đã nêu cụ thể những vướng mắc, khó khăn do quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế các lĩnh vực quan trọng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Các lãnh đạo tỉnh, thành phố cũng rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Vướng mắc được nêu liên quan đến 79 luật, 3 Nghị quyết của Quốc hội, 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 bộ, cơ quan ngang bộ.

Văn phòng Chính phủ đã tổng hợp, rà soát và nhận thấy một số nội dung cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngay, để tháo gỡ vướng mắc quy định trong 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 10 Bộ trên.

Để tháo gỡ khó khăn, huy động mọi nguồn lực xã hội kịp thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.

Các Bộ trưởng phải tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ nhất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn chồng chéo, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh với lĩnh vực đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách nhà nước, thuế, phí, xây dựng... quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 bộ trên.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 7 luật, Bộ Tài chính có 6 luật, Bộ Công thương có 1 luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường có 2 luật, Bộ Xây dựng có 5 luật, các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ cùng có 2 luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông có 1 luật.

Công điện yêu cầu Bộ trưởng 10 Bộ phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22-8-2021, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30-8-2021, để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10-2021) cho ý kiến về dự án Luật này.

Đối với các kiến nghị của địa phương về việc sửa đổi, bổ sung quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng, thông tư..., Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ để tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền, và hoàn thành trong quý III-2021.

Các bộ, cơ quan ngang bộ gửi báo cáo kết quả thực hiện đến Bộ Tư pháp trước ngày 5-10-2021 (trong đó nêu rõ những nội dung đã đề xuất sửa đổi, bổ sung; đối với những nội dung không sửa đổi, bổ sung phải giải trình rõ lý do không sửa đổi) để Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trước ngày 15-10-2021.

29 luật có vướng mắc của 10 Bộ gồm: 
Bộ Kế hoạch Đầu tư có 7 Luật: Đầu tư, Đầu tư công, Quy hoạch, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, PPP.
Bộ Tài chính có 6 Luật: Ngân sách nhà nước; Phí, lệ phí; Quản lý sử dụng tài sản công; Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Dự trữ quốc gia.
Bộ Công Thương có 1 Luật Điện lực.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có 2 Luật: Khoáng sản, Bảo vệ môi trường.
Bộ Xây dựng có 5 Luật: Xây dựng, Nhà ở, Quy hoạch đô thị, Kinh doanh bất động sản, Kiến trúc.
Bộ Giao thông Vận tải có 2 luật: Đường sắt, Hàng không Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 1 Luật Lâm nghiệp.
Bộ Thông tin và Truyền thông có 1 Luật giao dịch điện tử
Bộ Tư pháp có 2 Luật: Công chứng, Đấu giá tài sản
Bộ Nội vụ có 2 Luật: Tổ chức chính quyền địa phương, Tổ chức Chính phủ.

Các tin khác