Thuế nhập khẩu ô tô về 0%: Lại xin ưu đãi, ưu đãi đến bao giờ?

(ĐTTCO) - Có thể nói chưa bao giờ thị trường ô tô tại Việt Nam lại chứng kiến nhiều sóng gió như năm nay. Thị trường xe lắp ráp sản xuất trong nước bị co hẹp.
Thị phần các nước Việt Nam nhập ô tô có sự xáo trộn lớn với sự lên ngôi mạnh mẽ sản phẩm nhập từ các nước ASEAN. Nguyên nhân do từ ngày 1-1-2017, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế nhập khẩu ô tô con từ các quốc gia trong khu vực và Việt Nam giảm còn 30%,và từ 1-1-2018 sẽ giảm về 0%. Trước tình hình này đòi hỏi ngành công nghiệp ô tô phải gấp rút có giải pháp ứng phó.
Nhập khẩu ô tô tăng mạnh
Từ năm 2018, ô tô nguyên chiếc từ ASEAN nhập khẩu về Việt Nam có giá rất cạnh tranh. Trong bối cảnh này, nếu không có giải pháp ứng phó hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ ô tô. Vấn đề là phải phát triển sản xuất trong nước hiệu quả, giá cả hợp lý mới giảm áp lực nhập siêu của nền kinh tế sẽ ngày càng gia tăng.
Ông Trương Thanh Hoài, 
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương)
Cách đây 5 năm, câu chuyện về sức ép của ô tô nhập khẩu, nhất là xe có xuất xứ ASEAN đã bắt đầu trở nên nóng bỏng, nhưng nay đã không còn là mối nguy tiềm ẩn bởi nó đã hiện hữu ngay trước mắt, khi lộ trình giảm thuế xuất nhập khẩu ô tô theo cam kết của khu vực đã thực hiện.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5-2017 nhập khẩu ô tô con về Việt Nam bất ngờ tăng mạnh 42,7% so với tháng trước và trị giá cũng tăng trên 27%, đạt hơn 9.930 chiếc, trị giá trên 215,8 triệu USD; tổng lượng ô tô nhập khẩu trong cả 5 tháng đầu năm 2017 tăng gần 5% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân khiến nhập khẩu ô tô tăng mạnh trong tháng 5 do thị trường hàng đầu Thái Lan tăng đột biến, tới 98% về số lượng và 84% về trị giá so với tháng 4. Bên cạnh đó, ô tô nhập khẩu từ Indonesia cũng tăng rất mạnh, tới 72% về lượng và 89% về trị giá so với tháng 4. Xét về mức giá ô tô nhập khẩu trung bình trong tháng 5, Ấn Độ có giá rẻ nhất, hơn 9.200USD/chiếc, Thái Lan 17.400USD/chiếc, Indonesia 17.800USD/chiếc.
Tính chung cả 5 tháng đầu năm, lượng ô tô con nhập khẩu từ thị trường Indonesia tăng mạnh nhất 613%, tiếp theo là Hoa Kỳ tăng 58% và Thái Lan tăng 27%. Những con số cho thấy dù chưa gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan, song lượng ô tô nhập khẩu từ các quốc gia thuộc khu vực ASEAN đã chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam. Do vậy, sức ép cạnh tranh từ các nước láng giềng như Thái Lan hay Indonesia rất lớn khi chỉ còn 6 tháng nữa ô tô nhập khẩu từ ASEAN sẽ về Việt Nam với thuế 0%.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, những năm gần đây thị trường ô tô Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 40%/năm. Riêng trong năm 2016, tổng số xe mới đưa vào lưu thông đạt 459.634 chiếc, trong đó sản xuất trong nước 341.077 chiếc, nhập khẩu 118.557 chiếc.
Đáng lưu ý, sản xuất trong nước nhưng phần lớn phụ tùng linh kiện đều phải nhập khẩu,  kim ngạch nhập khẩu phụ tùng linh kiện đạt 2,2 tỷ USD năm 2014, 3 tỷ USD năm 2015 và 3,5 tỷ USD năm 2016. Hiện tổng năng lực sản xuất lắp ráp ô tô của Việt Nam đạt khoảng 500.000 xe/năm với 12 hãng xe nước ngoài có hoạt động sản xuất, lắp ráp, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước. 

Công nghiệp ô tô Việt Nam đến nay đánh dấu hơn 20 năm phát triển, nhưng những kỳ vọng của Chính phủ về ngành này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng ngành công nghiệp ô tô nằm trong nôi 20 năm ưu đãi của Nhà nước, nên đến nay tỷ lệ nội địa hóa thấp, không đạt yêu cầu đề ra, giá thành sản xuất hay lắp ráp ô tô còn cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực.
Trong cả thời gian dài ngành này đã nhận được đủ các ưu đãi để tạo lợi thế giữa lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Do đó, trong thời gian tới khi thuế nhập khẩu về 0% sẽ không còn yếu tố bảo hộ cho ngành sản xuất ô tô trong nước ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt.Ưu đãi cứ hưởng, nội địa hóa không làm
 Đề xuất miễn thuế TTĐB cho phần giá trị trong nước cho thấy quyết tâm tạo dựng một ngành công nghiệp ô tô trong bối cảnh cạnh tranh mới. Đây được xem là ưu đãi lớn chưa từng có cho các liên doanh, hoặc doanh nghiệp làm phụ trợ ô tô nếu được thông qua. Vấn đề đặt ra là ngành công nghiệp ô tô  Việt Nam có thực sự chuyển mình mạnh mẽ và phát triển trên chính đôi chân của mình. 
TS. Nguyễn Đức Thành, 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách
Đến nay tỷ lệ nội địa hóa bình quân của các doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam chỉ đạt 2-12%, kém xa những cam kết và kỳ vọng đạt 30-40%. Chính những chính sách ưu đãi thuế quan đã phản ánh những hạn chế về năng lực của doanh nghiệp ô tô nội địa, kéo theo giá xe sản xuất trong nước lên cao gấp 2-3 lần so với các nước trong khu vực do được bảo hộ quá mức, từ đó tạo sức ì cho doanh nghiệp ô tô.
Đến nay ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa chú trọng đến công tác phát triển, nghiên cứu. Vì vậy, để ngành ô tô nội địa phát triển dài hạn và bền vững, vẫn là bài toán chưa có lời giải, nếu có thể nói là đang bế tắc.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đã đến lúc ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phải nhanh chóng bắt kịp xu thế người tiêu dùng, tranh thủ thị phần và có những bước tiến dài, nếu không muốn thị trường ô tô của xe ngoại lấn sân. Thực trạng hiện nay là các doanh nghiệp tại Việt Nam mới chỉ dừng ở trình độ lắp ráp đơn giản, do đó khó khăn chắc chắn sẽ chồng chất với các ô tô con nhập từ các nước ASEAN về 0% vào đầu năm tới.
Xét quy mô thị trường lắp ráp và sản xuất ô tô Việt Nam hiện nay, theo các chuyên gia để phát triển công nghiệp ô tô cần đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. Thế nhưng trên thực tế chưa có đến 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với các linh kiện phụ tùng ô tô đơn giản, với lượng công nghệ và giá trị thấp. Theo đó, tỷ lệ nội địa chỉ đạt 15% đối với xe du lịch, 25% đối với xe tải và 40% đối với xe khách. 

Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, nhưng dường như những nỗ lực này vẫn chưa đủ đáp ứng kỳ vọng của thị trường. Do vậy, các chuyên gia cho rằng điều đầu tiên cần chuẩn bị khi thuế xuất nhập khẩu ô tô về 0%, các doanh nghiệp Việt Nam phải tự sản xuất được các thành phần chủ lực, tránh tình trạng nhập khẩu quá nhiều.
Bên cạnh đó, chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực khoảng 20%, nên nhiều nhà sản xuất đã chọn cách sản xuất ô tô tại một số nước ASEAN rồi nhập về Việt Nam. Do đó giải pháp quan trọng nữa là phải giảm chi phí sản xuất. 
Thuế nhập khẩu ô tô về 0%: Lại xin ưu đãi, ưu đãi đến bao giờ? ảnh 1 Năm 2017, Thaco đánh dấu hành trình 20 năm xây dựng và phát triển để sẵn sàng bước vào giai đoạn hội nhập toàn cầu năm 2018, hướng tới vị trí hàng đầu khu vực ASEAN. 
Tiếp tục tiếp máu?
Trước những thách thức đặt ra, Bộ Công Thương vừa đề xuất 3 nhóm giải pháp chính nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Thứ nhất, tạo dựng thị trường đủ lớn cho các nhà sản xuất ô tô trong nước, tức khuyến khích sử dụng xe ôtô sản xuất trong nước.
Theo đó, Chính phủ phải có các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại. Quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.

Thứ hai, hỗ trợ có mục tiêu, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với một số các sản phẩm ô tô chủ lực, có dung lượng thị trường tốt, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm của các nước khác trong khu vực thông qua các biện pháp như điều chỉnh thuế suất nhập khẩu linh kiện và phụ tùng phù hợp theo cam kết đã ký. Đặc biệt không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối phần giá trị tạo ra trong nước.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng được chú trọng ở khía cạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện. Qua đó, góp phần hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nội địa nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn thông qua việc hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện trong và ngoài nước.
Thứ ba, tăng cường vai trò của thu hút đầu tư FDI trong ngành công nghiệp ô tô từ các tập đoàn đa quốc gia với các dự án có quy mô lớn, tập trung vào các tập đoàn và dòng xe chưa có cơ sở sản xuất tại khu vực ASEAN.

Để thực hiện 3 giải pháp trên, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao bộ này phối hợp với Bộ Giao thông-Vận tải trình Chính phủ ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô; xác định tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng sản xuất trong nước đối với ô tô phù hợp với các cam kết quốc tế; áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đối với sản phẩm ô tô.
Vấn đề đặt ra là người tiêu dùng rất choáng với cơ chế liên tục xin ưu đãi để cứu ngành này, trong khi việc phát triển rất ì ạch. Người dân Việt Nam phải chịu mua ô tô giá cao cho đến bao giờ?

Các tin khác