Thương mại Việt Nam-Mỹ: “Đơm hoa kết trái, trái chín đầu mùa”

(ĐTTCO) - Trải qua gần 3 thập niên bình thường hóa quan hệ, với sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã “đơm hoa kết trái”, mà thương mại là trái chín đầu mùa. Và chuyến công du tại Mỹ mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mở ra cơ hội phát triển mới, trong đó có thương mại. 
XK thủy sản Việt Nam vào Mỹ vẫn tiếp tục đứng đầu cùng với Trung Quốc.
XK thủy sản Việt Nam vào Mỹ vẫn tiếp tục đứng đầu cùng với Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Mỹ vào năm 1995 là 450 triệu USD, năm 2021 lên 111, 6 tỷ USD, gấp 248 lần. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu (XK) sang Mỹ 96,3 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020, chiếm 28,6% tổng kim ngạch XK của nước ta.
Nhờ đó Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 81 tỷ USD - tiếp tục là thị trường xuất siêu số 1 của Việt Nam, tăng 27,9% so với mức 63,4 tỷ USD năm 2020. Kết quả này góp phần làm nên những đỉnh cao mới về XK và nhập khẩu (NK) nước ta, kéo dài mạch xuất siêu 6 năm liền (2016-2021), đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có trao đổi thương mại lớn nhất thế giới. 

Những minh chứng thuyết phục 
Các mặt hàng XK chủ lực sang Mỹ đang trên thế thượng phong. Năm 2021, Việt Nam XK sang Mỹ 28 mặt hàng chủ lực, trong đó 13 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên cũng chính là những anh cả trong nhóm mặt hàng công nghiệp chế tạo.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các mặt hàng này luôn tăng trưởng với mức cao, là động lực khôi phục và phát triển kinh tế. Hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam. Trong tổng số thị phần của điện thoại Samsung tại Mỹ, lượng bán ra của các dòng điện thoại gập đã tăng từ 0,6% trong năm 2020 lên đến 12% trong năm 2021. 
XK gỗ và các sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2022 đạt 5,48 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ 2021. Mỹ nằm trong nhóm 3 thị trường NK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.  Năm 2021, Mỹ là thị trường số 1 XK thủy sản của Việt Nam,  với tỷ trọng 23,1% tổng kim ngạch XK thủy sản. Từ đầu năm đến nay, XK thủy sản chiếm vị trí "á quân" trong XK của ngành nông nghiệp, thị phần XK vào Mỹ vẫn tiếp tục đứng đầu cùng với Trung Quốc. 
Từ khi 2 nước thống nhất được kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững, nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương từng bước đạt kết quả tích cực, đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) 2 nước.
Cơ quan đại diện thương mại của Mỹ (USTR) chính thức kết luận vụ việc điều tra về các hành vi, chính sách và thực tiễn áp dụng của Việt Nam liên quan đến định giá thấp VNĐ và vấn đề sử dụng gỗ, theo hướng tích cực có lợi cho ta. Thuế chống bán phá giá với mật ong của Việt Nam XK vào Mỹ đã giảm mạnh, từ 410,93-413,99% trong kết luận sơ bộ xuống còn 58,74-61,27%.
Ngày càng có nhiều thương nhân hàng đầu của Mỹ để ý tới thị trường Việt Nam. Một trong các điểm nhấn là sự kiện Phòng Nông nghiệp đối ngoại (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, phối hợp Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Đà Nẵng, tổ chức triển lãm thực phẩm và đồ uống.
Triển lãm quy tụ 21 đơn vị tham gia, gồm hiệp hội nông nghiệp, đại điện các bang, nhà phân phối, nhà sản xuất của Mỹ, với nhiều sản phẩm như thịt bò, thịt lợn, thịt gà, hải sản, khoai tây, pho mát, nho khô, đậu, sản phẩm từ đậu nành, táo, việt quất, nhân sâm, bỏng ngô, hồ đào, rượu vang, rượu whisky…
Khai diễn tại  Đà Nẵng - trung tâm kinh tế miền Trung - trong bối cảnh du lịch quốc tế đang dần phục hồi sau dịch Covid-19, các nhà tổ chức triển lãm Mỹ hẳn nhắm tới nhiều đích. Từ đó có băn khoăn rằng nông sản của cường quốc nông nghiệp và chế biến thực phẩm hàng đầu thế giới, sẽ áp chế nông phẩm Việt, khi việc XK những nông phẩm của ta đang chật vật.
Song với tư duy tích cực, chính điều này đã góp phần thức tỉnh, tạo phản lực thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam đổi mới từ sản xuất, chế biến, đến XK. Hành trình đầy nỗ lực đã đưa hoa trái từ miệt vườn tới siêu thị Mỹ. Năm 2021, XK rau quả của Việt Nam nằm trong số 28 mặt hàng chủ lực của Việt Nam XK vào Mỹ tăng 32% so với 2020 là minh chứng thuyết phục. 
Ưu tiên dòng chảy thương mại, đầu tư 
Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Mỹ (USAid), tỷ lệ DN gặp thuận lợi hóa cao nhất khi tuân thủ các thủ tục thuộc lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa, ngày càng khích lệ.
Tuy nhiên, dù là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, nhưng Mỹ chỉ đứng thứ 11 trong số các đối tác đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam, đồng nghĩa với việc ta được thừa hưởng nền công nghệ nguồn, kỹ năng quản lý cao còn có mức độ. Cùng với đó, xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ chủ yếu là của các DN FDI, nên khó chủ động trong việc tận dụng thặng dư để NK thiết bị, nguyên liệu phụ tùng Made in USA. Bên cạnh đó, do logistics yếu, thiếu container, tắc nghẽn vận tải, chi phí vận tải cao, giá cả vật tư, nguyên liệu tăng cao, chỉ cần thị trường “sóng sánh” là có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Đây là những điểm ngẽn, khiến ta chưa tận dụng triệt để, phát huy toàn diện lợi thế trong kết giao với nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Thực tế, trị giá thương mại 2 nước so với Việt Nam là lớn, nhưng chưa thấm gì so với tầm vóc của Mỹ. Nghĩa là, dư địa của hàng Việt vào Mỹ còn lớn, khả năng đáp ứng nhu cầu NK của Việt Nam từ Mỹ càng phong phú. Cơ hội mới cho dòng chảy thương mại, đầu tư càng rõ rệt.
Vì thế, đón cơ hội mới là phải xây dựng nền kinh tế - thương mại có tính độc lập, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng và chống chịu cao trước các tác động lớn, bất thường từ thị trường thế giới, tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu. Từ đó có khối lượng lớn hàng XK, đáp ứng đơn hàng lớn, dài hạn, đạt chuẩn kỹ thuật của Mỹ, đó sẽ là “hộ chiếu miễn dịch“ vào các địa bàn NK khó tính. 
Để tận dụng cơ hội mới này, cần nhạy bén phát hiện, phản ứng tích cực với những rào cản kỹ thuật từ đối tác, chủ động tháo gỡ. Cùng với đó, linh hoạt, tập trung nguồn lực để xúc tiến thương mại là “bà mối mát tay” cho mối giao duyên thương mại Việt Nam - Mỹ đang độ chín.  
 Đón cơ hội mới phải xây dựng nền kinh tế - thương mại độc lập, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thích ứng và chống chịu cao trước các tác động bất thường từ thị trường thế giới, tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu. 

Các tin khác