Thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 8,5 tỷ USD

(ĐTTCO)-Trong sáu tháng đầu năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 4 tỷ USD, tăng 13,6% cùng kỳ và đạt 47,1% kế hoạch.
Chế biến tôm xuất khẩu tôm của Công ty TNHH Thông Thuận-Chi nhánh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Chế biến tôm xuất khẩu tôm của Công ty TNHH Thông Thuận-Chi nhánh Ninh Thuận. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Tại hội nghị Sơ kết công tác sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 6/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh thủy sản là một lĩnh vực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Thủy sản phải giữ vững sự phát triển trên cả ba trụ cột là khai thác, bảo tồn và nuôi trồng.

Về khai thác thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng ngành đã có một thời gian dài sản xuất theo phong trào. Việc tái cơ cấu đội tàu, giảm đội tàu khai thác, nhất là tàu gần bờ đã có những kết quả ban đầu nhưng việc giảm sản lượng khai thác cần có kế hoạch cụ thể. Để giảm việc này cần tăng cường bảo tồn. Việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cần tập trung vào nâng cao chất lượng. Tổng cục tập trung vào các điểm làm tốt để tổng kết, nhân rộng.

“Khai thác là một trong những trụ cột quan trọng nên cần kiểm soát chặt chẽ để hướng đến nghề cá có trách nhiệm. Đơn vị phải kiểm soát được sản lượng khai thác gắn với sự truy xuất nguồn gốc," Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ.

Về nuôi trồng, với hai đối tượng chủ lực là tôm và cá tra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cá tra đã có sự kiểm soát, cấp mã số vùng trồng tốt nhưng ngành vẫn phải kết nối các hệ thống nuôi xuyên suốt thành chuỗi ngành hàng hoàn chỉnh để nâng cao sự cạnh tranh của sản phẩm. Với tôm, dư địa để tăng diện tích không còn, chỉ còn tăng năng suất. Tuy nhiên, khâu kiểm soát giống còn nhiều bất cập cần có sự kiểm soát, thanh kiểm tra chặt chẽ. Bởi, chất lượng con giống đặt biệt quan trọng về chất lượng, năng suất và phòng bệnh.

Với việc cấp mã số vùng nuôi tôm, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn bởi Luật Đất đai. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ kiến nghị Chính phủ thời gian tới cho phép sửa đổi luật này đồng thời sẽ chủ động cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn, để sản phẩm sớm có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu cho xuất khẩu.

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản sáu tháng đầu năm 2021 đạt 4,1 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó sản lượng khai thác đạt gần 2 triệu tấn, tăng 1%; sản lượng nuôi trồng đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4%. So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2021, tổng sản lượng thủy sản đạt 47,6%.

Về sản lượng khai thác tăng, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, cho biết sản lượng khai thác tăng không phải là tốt, điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành. Thực hiện việc xác định hạn ngạch khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng theo quy định của Điều 49 Luật Thủy sản năm 2017, đến nay đã có 25/28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện xong việc xác định hạn ngạch với tổng số hạn ngạch đã xác định và công bố là 84.463 giấy phép.

''Thuy san phai giu vung su phat trien tren ca ba tru cot'' hinh anh 2
Dây chuyền chế biến cá tra phi lê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đa quốc gia. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

"Bên cạnh đó, nghề lưới kéo đã giảm nhiều nhưng tổng sản lượng khai thác của nghề này vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản lượng khai thác. Với việc tiếp tục giảm nghề này thì thời gian tới, sản lượng khai thác sẽ giảm. Thời gian tới cần tiếp tục tái cơ cấu trong ngành nghề khai thác, cùng với việc chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân ở các địa phương ven biển," ông Phạm Ngọc Tuấn cho hay.

Trong sáu tháng đầu năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 4 tỷ USD, tăng 13,6% cùng kỳ và đạt 47,1% kế hoạch.

Với kết quả này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đánh giá, mặc dù dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu nhưng kết quả xuất khẩu thời gian qua rất tích cực. Một số mặt hàng chủ lực, điển hình như tôm Việt Nam đang đứng đầu thị phần ở nhiều thị trường. Thị trường Nga có sự tăng trưởng mạnh nhất với 61% và hầu hết các mặt hàng tăng trưởng khá.

Thời gian qua, so với đầu tư chung trong ngành nông nghiệp thì đầu tư cho thủy sản còn nhiều hạn chế. Hiện ngành đã có chủ trương đầu tư hơn và cần tiếp tục ưu tiên trong thời gian tới để đưa nghề cá phát triển bền vững và trách nhiệm. Bên cạnh đó, ngành cần làm tốt hơn vai trò "nhạc trưởng" trong việc cấp mã số vùng nuôi tôm, bởi hiện nay tỷ lệ được cấp còn rất thấp. Trong khi đây là yêu cầu bắt buộc để xuất khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam chỉ ra.

Với kết quả sáu tháng đầu năm, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 8,6 triệu tấn, bao gồm khai thác 3,85 triệu tấn, nuôi trồng 4,75 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD.

Các tin khác