Tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản

(ĐTTCO) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra, nhiều lô hàng nông sản, trong đó đặc biệt là mặt hàng thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó, tuột giá thê thảm. Các loại trái cây khác như mít, sầu riêng, dưa hấu… đều cùng cảnh ngộ. Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và các địa phương đã liên tục có các cuộc họp bàn, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân. 
Thông quan sang Trung Quốc nhiều xe nông sản ùn ứ 
 Văn phòng Bộ NN-PTNT cho biết, đầu giờ chiều 5-2, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc giải quyết tình trạng nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh. Theo thông tin từ tỉnh Lạng Sơn, từ 14 giờ, số xe nông sản (chủ yếu là thanh long, dưa hấu) bị ùn ứ nhiều ngày qua đã bắt đầu được giải quyết, thông quan. Trước mắt, lực lượng hải quan ưu tiên cho các xe đang bị ùn tắc tại cửa khẩu. UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp ở phía Nam không đưa thêm xe chở dưa hấu, thanh long ra cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Theo thống kê, số lượng xe bị ùn ứ hiện nay là trên 300 xe. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết, trong số xe nông sản ùn tắc có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn. Vừa qua đã xuất được 8.000 xe, nhưng do phía Trung Quốc đóng cửa 9 chợ thương mại biên giới nên trái cây của Việt Nam không thể xuất sang.
Tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản ảnh 1 Người tiêu dùng thủ đô nhiệt tình ủng hộ mua dưa hấu tại siêu thị
Ảnh: Văn Phúc
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, giải pháp khả thi hiện nay là đưa số thanh long, dưa hấu đang thu hoạch vào chế biến và tiêu thụ tại hệ thống siêu thị trong nước. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã trao đổi với lãnh đạo các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bình Thuận... và thông tin, một số doanh nghiệp như Công ty CP LaviFood đã nhận thu mua thanh long với giá 12.000 đồng/kg để cắt nhỏ, đóng gói vận chuyển theo đường biển xuất khẩu.
Cùng ngày, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) thông tin thêm, để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản xuất khẩu bị ùn ứ do việc tạm đóng các cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở, hiện các siêu thị bán lẻ ở nước ta đang làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng bán và mở các đợt bán hàng cao điểm cho các mặt hàng như thanh long, dưa hấu trong hệ thống của mình. Trong đó, hệ thống Big C dự kiến sẽ mở chiến dịch tiêu thụ 1.200 tấn thanh long, 2.000-3.000 tấn dưa hấu trên toàn hệ thống. 
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết, từ ngày 5-2, tại các hệ thống bán lẻ của tập đoàn là Big C và Go! triển khai chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long”, áp dụng bán hàng không lợi nhuận đối với sản phẩm thanh long và dưa hấu.
Cụ thể, tại các siêu thị Big C và Go! miền Bắc, dưa hấu ruột đỏ được Big C bán với giá 6.200 đồng/kg; thanh long ruột đỏ và ruột trắng bán đồng giá 15.500 đồng/kg. Tại các siêu thị Big C và Go! khu vực phía Nam, giá thanh long ruột đỏ miền Tây giá 10.900 đồng/kg; dưa hấu ruột đỏ 4.900 đồng/kg. Big C dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu trong khuôn khổ chương trình này.
TPHCM khuyến khích các nhà phân phối tiêu thụ thanh long
Trước tình hình tiêu thụ thanh long đang bị ách tắc, không xuất khẩu được sang Trung Quốc, ngày 5-2, Sở Công thương TPHCM đã làm việc tại tỉnh Long An để bàn giải pháp giải cứu mặt hàng này. Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Huỳnh Trang đã đưa ra giải pháp, trước mắt, TPHCM sẽ khuyến khích các hệ thống phân phối lớn như Co.opmart, Big C và MM Mega Market tăng cường thu mua thanh long tươi để bán tại các siêu thị trong hệ thống đặt tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc; các hệ thống phân phối cũng tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp có năng lực của tỉnh Long An trong việc hỗ trợ thu mua các sản phẩm thanh long đã qua chế biến, được đóng gói theo quy trình để đưa lên quầy kệ các siêu thị.
TPHCM cũng đề nghị tỉnh Long An giới thiệu cho các doanh nghiệp của thành phố lựa chọn các nhà vườn, nông trại sản xuất và cung ứng để tiến hành quy hoạch lại vùng sản xuất để xuất khẩu. Về lâu dài, tỉnh Long An cần cơ cấu lại các nhóm cây trồng cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tăng cường tìm thêm các thị trường tiêu thụ mới, tránh tình trạng hàng nông sản xuất khẩu đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Cũng theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, ngay sau buổi làm việc, các hệ thống phân phối của TPHCM đi đến các vùng nguyên liệu để khảo sát, đàm phán và thu mua thanh long nhằm giảm thiệt hại ở mức thấp cho các hộ sản xuất.
Báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ nay đến hết rằm tháng Giêng, tại tỉnh Long An sẽ thu hoạch khoảng 21.000 tấn thanh long. Đợt tiếp theo, từ ngày 8 đến 28-2 sẽ thu hoạch thêm 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn… 
Ngày 5-2, nhiều người dân TPHCM đã “giải cứu” dưa hấu, thanh long tồn đọng do thị trường Trung Quốc không nhập hàng vì dịch nCoV. Sáng 5-2, xe tải hơn 1 tấn chở hàng trăm trái dưa hấu từ Bình Định, Gia Lai đậu bán tại địa chỉ 22 Nguyễn Thái Học (phường Hiệp Phú, quận 9), với giá bán sỉ 3.000 đồng/kg, giá bán lẻ là 5.000 đồng/kg. Rất nhiều người dân đã đến mua ủng hộ hoặc đặt hàng qua mạng. Sau 2 tiếng, xe tải chở dưa hấu đã bán gần hết.
Để thu hút người mua, trước khi chở dưa hấu đến TPHCM, nhiều bạn trẻ tại địa phương trồng dưa hấu đã đăng thông tin địa điểm bán lên mạng xã hội, như: dưa hấu sẽ bán tại chung cư Hoàng Anh Gia Lai 3 (huyện Nhà Bè), số 2 Nguyễn Xí (phường 26, quận Bình Thạnh), 108B Cách Mạng Tháng Tám (phường Bình Nhâm, Thuận An, Bình Dương)… 
Dù còn hơn 1 tuần nữa mới đến ngày thu hoạch, nhiều trang mạng xã hội cũng đã chia sẻ thông tin, dự kiến có 20 tấn thanh long cần “giải cứu” của nông dân phía Nam, sẽ có mặt tại TPHCM vào ngày 12-2 với giá 15.000 đồng/kg. Thanh long sẽ được bán tại Shophouse 10 tòa T5A chung cư Masteri Thảo Điền, Shophouse 18 chung cư Masteri An Phú, nhà hàng hải sản Gành Hào, 416 đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2).
Song song đó, một số nhóm từ thiện tại TPHCM cũng ủng hộ bằng cách tìm mặt bằng để xe tải có thể đậu bán, thậm chí nhận bán hàng online trên trang cá nhân của mình. Ngoài ra, các trang mạng cũng kêu gọi tình nguyện viên giao hàng, phụ bán; các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm mặt bằng miễn phí.
  Đề xuất giảm thuế, phí cho nông sản bị ùn ứ
Ngày 5-2, Bộ Công thương cho biết đã đề nghị Bộ NN-PTNT tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là với trái cây vốn có thời gian bảo quản rất ngắn. Bộ Công thương cũng đề nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính cùng vào cuộc, rà soát các loại thuế, phí, nhất là phí vận chuyển đường bộ, thuế với nhiên liệu bay… để xem xét giảm thuế, phí cho hàng hóa lưu thông trong giai đoạn hiện nay.
Theo Bộ Công thương, ngay khi xuất hiện dịch nCoV, bộ đã có văn bản cập nhật tình hình và đưa ra cảnh báo gửi Bộ NN-PTNT, các tỉnh và các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản, yêu cầu toàn bộ hệ thống thương vụ tại nước ngoài tổ chức ngay các hoạt động tìm kiếm, kết nối khách hàng mới để chuyển hướng tiêu thụ nông - thủy sản, nhất là trái cây; đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp đỡ bảo quản nông - thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu. Bộ cũng đã vận động một số chủ hàng chuyển từ hình thức trao đổi cư dân sang hình thức trao đổi chính ngạch để giúp đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ; khuyến nghị nông dân điều chỉnh ngay tiến độ sản xuất bởi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, tăng cường tiêu thụ nội địa cho các vựa trái cây lớn...
 Xoài Cam Lâm ế ẩm
* Phạt người bịa tin “4 người dân tự tử vì dưa hấu” 12,5 triệu đồng
Tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), nơi được xem là thủ phủ của nhiều loại xoài, đặc biệt là hàng trăm hécta xoài Australia đang khốn đốn do không có thị trường tiêu thụ. Ông Diệp Thế Thanh, Chủ tịch Hội Người trồng xoài Cam Lâm, cho biết, toàn huyện hiện có 3.900ha xoài Australia, sản lượng ước khoảng 500-700 tấn. Xoài Cam Lâm chủ yếu xuất đi Trung Quốc, nhưng nay cửa khẩu đóng nên chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ thị trường nội địa.
Ngày 5-2, Công an huyện Krông Pa cho biết, đơn vị đã lập hồ sơ xử lý hành chính Phan Hồng Dung (36 tuổi, trú tại huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) với số tiền là 12,5 triệu đồng vì hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật lên mạng xã hội.
Trước đó, Dung đã đăng tải thông tin trên mạng xã hội Facebook với nội dung có đoạn: “Đêm qua tại Đất Bằng - Phú Túc (tức xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) đã có 4 người dân uống thuốc sâu vì dưa hấu. May là đưa đi cấp cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Xót xa quá!”. Tại cơ quan công an, Dung thừa nhận là người tung tin thất thiệt trên lên tài khoản cá nhân, Dung đã gỡ bỏ bài viết, xin lỗi và đính chính lại thông tin sai sự thật, cam kết không tái phạm.

Các tin khác