Tiến độ giải ngân phải song hành với hiệu quả

(ĐTTCO) - Hôm nay 29-10, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và địa phương về tháo gỡ khó khăn cho các dự án ODA, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương, tỷ lệ giải ngân ODA so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đã có sự chuyển biến tích cực so với các tháng đầu năm. Một số tỉnh thành đến ngày 31-10 có mức giải ngân khá gồm: Tây Ninh (91,74%), Bình Định (73,26%), Cao Bằng (62,58%), Hà Nam (61,64%)… Với đặc tính của nguồn vốn ODA là giải ngân mạnh vào các tháng cuối năm (do hoàn tất các thủ tục về đấu thầu và trao thầu), tình hình giải ngân các tháng cuối năm dự kiến sẽ khả quan hơn. 
Tuy nhiên, không thể phủ nhận là việc triển khai các dự án ODA vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Về khách quan, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại ở nhiều nước (trong đó có nhiều quốc gia là đối tác tài trợ ODA lớn cho Việt Nam), tiến độ thực hiện nhiều dự án ODA không tránh khỏi bị chậm trễ, cả từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Tiến trình đàm phán, thống nhất với nhà tài trợ nước ngoài đối với từng hoạt động và kế hoạch thực thi dự án, việc tổ chức đấu thầu quốc tế... đã bị ảnh hưởng.
Một lý do chậm trễ cố hữu cũng phải kể đến, đó là khác biệt về quy trình, thủ tục của Việt Nam và nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; hay việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, các chủ trương chính sách mới, buộc các dự án phải có sự điều chỉnh.
Bên cạnh đó, dù nhiều nguyên nhân đã được nhận diện song chậm được khắc phục. Chẳng hạn như công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án không đảm bảo yêu cầu; các bộ, ngành và địa phương chưa ưu tiên bố trí đủ và kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành, địa phương còn lơi lỏng, dẫn đến các khiếm khuyết đã phát hiện không được sửa chữa kịp thời. 
Trong cuộc trao đổi mới đây với bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục ưu tiên huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Để hiện thực hóa chủ trương này, việc giải quyết các vướng mắc về thể chế, chính sách, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan đi đôi với cải cách hành chính. Quan sát các dự án đầu tư công nói chung, có thể thấy, sau khi Thủ tướng rốt ráo đôn đốc và yêu cầu xem xét điều chuyển vốn từ các dự án trì trệ, kém hiệu quả sang dự án khác, tiến độ đã được cải thiện rất đáng kể trong mấy tháng gần đây.
Tuy nhiên, cũng theo tinh thần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiến độ giải ngân sẽ không có ý nghĩa, nếu không song hành với hiệu quả. Thậm chí nếu chạy theo tiến độ đơn thuần thì đó còn là kẽ hở phát sinh tiêu cực, làm bừa, làm ẩu.

Các tin khác