Tín hiệu phục hồi tích cực của ngành xây dựng sau dịch Covid-19

(ĐTTCO) - Sau hai năm trầm kha bởi đại dịch Covid-19, hiện thị trường ngành xây dựng và vật liệu xây dựng đang có những tín hiệu phục hồi tích cực.
Đó là nhận định trong  Báo cáo Top 10 Công ty uy tín ngành Xây dựng – Vật liệu xây dựng (XD-VLXD) năm 2022 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 5-4.
Theo đó, mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước dịch Covid-19, nhưng thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, được định giá khoảng 60 tỷ USD vào năm 2021 và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022-2027. 
Tín hiệu phục hồi tích cực của ngành xây dựng sau dịch Covid-19 ảnh 1
Báo cáo cho thấy, tín hiệu tích cực đối với thị trường XD-VLXD đến ngay từ những tháng đầu năm nay khi backlog (giá trị hợp đồng chưa thực hiện) của các doanh nghiệp đầu ngành xây dựng dân dụng tiếp tục lập đỉnh. Thêm vào đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam là điểm sáng đối với mảng xây dựng công nghiệp. Cụ thể, tính đến ngày 20-3-2022, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và mua cổ phần đạt gần 9 tỷ USD, tổng vốn giải ngân ước tính đạt 4,42 tỷ USD (đây là mức cao nhất so với quý I của các năm giai đoạn 2018-2022).
Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ được triển khai gần đây đã và đang tạo ra những xung lực mới cho các doanh nghiệp trong ngành phục hồi và tăng tốc. Theo Nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sẽ có tối đa 176.000 tỷ đồng chi cho đầu tư phát triển, đa phần là đầu tư hạ tầng giao thông. 
Cũng trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến được Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn hơn 50.000 tỷ đồng – mức lớn nhất từ trước đến nay. Việc hàng loạt các dự án cao tốc sẽ được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022-2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. Nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng thời gian tới. 
Song song với đó, môi trường pháp lý cũng có một số chuyển biến tích cực. Gần đây Quốc hội đã thông qua dự án “1 luật sửa 8 luật” tháo gỡ khá nhiều nút thắt pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Ngoài ra, Nghị quyết 02/2022 của Chính phủ về thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực đủ lớn để tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý kinh tế, tạo thành trợ lực giúp các doanh nghiệp trong ngành sẵn sàng tăng tốc, chinh phục mốc son mới trong năm 2022 và những năm tiếp theo. 
Từ những bài học rút ra trong 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp XD-VLXD tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định tầm quan trọng của việc xây dựng khả năng phục hồi khi triển khai các dự án và phân bổ nguồn vốn của họ đạt 4,3 điểm trên thang điểm 5 – tức là mức rất quan trọng.
Khảo sát cũng cho thấy, 100% số doanh nghiệp đã và đang cam kết hành động quyết liệt để cải thiện khả năng phục hồi của doanh nghiệp trước các sự kiện gián đoạn trong tương lai, trong đó 33,3% số doanh nghiệp đã hoàn thành với những giải pháp thiết thực; 43,3% số doanh nghiệp đang trong quá trình triển khai và 23,4% số doanh nghiệp đang lập kế hoạch.

Các tin khác