Tinh gọn, tinh thông

(ĐTTCO) - Trong mục này của số báo ra hồi tháng 10 năm ngoái, ĐTTC đã có bài "Khoán 10 tinh giảm bộ máy", cảnh báo "con tàu kinh tế dù khỏe đến mấy cũng oằn lưng nếu phải cõng một bộ máy lực lưỡng vượt xa sức chịu đựng.
Tinh gọn, tinh thông
Theo đó, dù tài nguyên phong phú, thiên nhiên ưu đãi tới mức nào và có giàu đến đâu cũng không gánh nổi bộ máy công chức cồng kềnh và không hiệu quả - tác nhân ngốn hết nguồn lực chi đầu tư, là điểm nghẽn làm suy giảm tăng trưởng kinh tế".
Và tại Hội nghị tổng kết Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm 2017 diễn ra ngày 15-1, nói về công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, KTNN cho biết đã phát hiện thừa 57.175 người trong biên chế. Có nghĩa khoảng gần 60.000 người “sáng vác ô đi tối vác về” được KTNN lượng hóa bằng con số cụ thể. Thừa có nghĩa là không có nhu cầu sử dụng đến nhưng vẫn lãnh lương.
Quỹ lương và các chi phí khác cho 57.175 người thừa trên là bao nhiêu KTNN không công bố, nhưng chắc chắn sẽ rất lớn. Chỉ lấy trung bình, chi trả lương 5 triệu đồng/biên chế, mỗi tháng phải trả cho số người thừa này gần 286 tỷ đồng, tức 1 năm mất hơn 3.430 tỷ đồng. Thế nhưng, đâu chỉ đơn giản là quỹ lương, chừng này người vác ô là kèm theo trụ sở, xe cộ, điện, nước, điện thoại, máy vi tính, công tác phí…
Chưa hết, vừa rồi thông tin 1 vụ của 1 bộ có 2 vụ trưởng và 6 vụ phó, cũng đang khiến dư luận xôn xao. Theo con số thống kê mới nhất, hiện cả nước có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng, chiếm 21,7% tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện, tức cứ 5 công chức có 1 lãnh đạo. Tính trung bình lương, phụ cấp và các chi phí khác cho cán bộ từ phó phòng, phó sở lên tới thứ trưởng 10 triệu đồng/người, mỗi năm ngân sách phải chi khoảng 9.779 tỷ đồng.
Một đất nước hơn 90 triệu dân nhưng phải sử dụng đến 2,5 triệu biên chế, tiền thuế nào chi đủ được. Chi tiêu công không thể giảm khi phải gánh bộ máy hành chính công quá nặng nề. Đặc biệt, trong thời kỳ của cách mạng công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - là một yêu cầu của thực tế khách quan - quốc gia nào không theo kịp vào “chuỗi giá trị toàn cầu” này dứt khoát sẽ bị loại trừ.
Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 là thảo luận việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Những nội dung tinh gọn bộ máy được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra, là hiện nay chưa kể đến tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp nhà nước, cả nước đã có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế; giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Nếu giảm được 1/3 trong 2,5 triệu biên chế này là một thắng lợi lớn.
Hay trong 8 nội dung của Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành ngày 1-1-2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Chính phủ chủ trương tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện cải cách thủ tục hành chính. Tập trung xây dựng, triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp lại bộ máy hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trọng tâm là nhanh chóng kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cải cách tiền lương… Chính phủ đề ra nhiệm vụ phấn đấu cắt giảm khoảng 2,5% đơn vị sự nghiệp công lập trong năm 2018.
Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức cần thiết, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân văn hết sức sâu sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước nhanh và bền vững theo định hướng XHCN, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Bài toán tối ưu là xã hội hóa dịch vụ công nhưng không thương mại hóa. Hành chính công được xã hội hóa dịch vụ sẽ giảm bớt biên chế và các cơ quan trong bộ máy hành chính công nhưng vẫn kiểm soát được hoạt động và bảo đảm thực hiện đúng pháp luật, là việc chúng ta cần hướng tới. Hay việc TPHCM có chương trình hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ việc đối với 1.062 người từ tháng 12-2017 đến năm 2021 hơn 380 tỷ đồng, là giải pháp rất tốt, có thể vận dụng cho nhiều địa phương, bộ ngành. 
Vấn đề cần lưu ý, các biện pháp giảm người thừa sẽ trở nên vô nghĩa nếu các địa phương, bộ ngành, cơ quan vẫn cứ tuyển dụng người theo kiểu hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, đồ đệ. Vì thế, xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, tinh gọn, tinh thông nghiệp vụ, tạo ra sản phẩm hành chính chất lượng cao và hưởng lương cao, là mô hình lý tưởng Chính phủ kiến tạo hướng tới và nỗ lực để xây dựng.

Các tin khác