TP HCM cho kinh doanh từ ngày 23/4

(ĐTTCO)-Đã kiểm soát tốt Covid-19, TP HCM đề xuất dừng cách ly xã hội từ 0h ngày 23/4 nhưng Thủ tướng cho rằng chỉ nên nới lỏng, cho phép mở cửa kinh doanh một số lĩnh vực.
Người dân TP HCM trong những ngày cách ly xã hội. Ảnh: Quỳnh Trần.
Người dân TP HCM trong những ngày cách ly xã hội. Ảnh: Quỳnh Trần.

Họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của TP HCM chiều 22/4, Phó chủ tịch thường trực Lê Thanh Liêm cho biết, Thủ tướng cho phép thành phố và một số địa phương thực hiện các nội dung như Chỉ thị 15. TP HCM được quyết định mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, kinh doanh đường phố, dịch vụ không thiết yếu... nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch. "Còn việc nới lỏng cách ly xã hội như thế nào, thành phố sẽ có hướng dẫn trong thời gian sớm nhất, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân", ông Liêm nói.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch. 

Trước đó, họp trực tuyến với 63 tỉnh thành về công tác phòng chống Covid-19, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong 22 ngày cách ly, thành phố có 19 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới, hiện chỉ còn 2 ca nhiễm nCoV... là tiền đề quan trọng để công bố hết dịch. Theo đó, TP HCM đề xuất Thủ tướng cho dừng cách ly xã hội từ 0h ngày mai.    

Theo ông Phong, dù đạt được kết quả tốt trong công tác phòng chống dịch, song thành phố cũng đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng về phát triển kinh tế. Chỉ số tăng trưởng trong quý một năm nay chưa phản ánh hết khó khăn về bức tranh kinh tế của thành phố. Tác động mạnh nhất của dịch bệnh đối với kinh tế thành phố sẽ bắt đầu từ quý hai. Bởi từ tháng 4, các đơn hàng xuất khẩu bị trì hoãn, tức là nhu cầu của các thị trường lớn đã giảm dần.

Đánh giá các cơ chế chính sách chậm ngày nào, người dân và doanh nghiệp sẽ khó khăn thêm ngày ấy, ông Phong nói TP HCM đang ở tinh thần "khẩn cấp như thời chiến", kiến nghị Thủ tướng cho thực hiện Chỉ thị 15 từ 0h ngày 23/4 - tức ngừng cách ly xã hội. Quá trình thực hiện, tuỳ diễn biến dịch bệnh, thành phố sẽ điều chỉnh phù hợp; sớm tổ chức hội nghị chính phủ với doanh nghiệp để tháo dỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Người đứng đầu chính quyền TP HCM cho biết, để đảm bảo kinh tế phát triển ổn định và "không bị đỗ gãy" trong điều kiện mới, thành phố đã xây dựng các cơ chế, chính sách vực dậy nền kinh tế khi tình hình kiểm soát dịch bệnh có dấu hiệu tốt hơn, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội với tinh thần thận trọng, không chủ quan, coi thường dịch bệnh.

Nhằm giảm tác động của dịch bệnh, ngoài bộ chỉ số đánh giá rủi ro lây lan tại doanh nghiệp đã triển khai từ ngày 6/4, thành phố tiếp tục triển khai 7 bộ chỉ số để kiểm soát dịch bệnh, gắn với phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. Cụ thể là: bộ chỉ số an toàn trong trường học, ngành văn hoá – thể thao, giao thông vận tải, công thương, du lịch, an toàn thực phẩm và bộ chỉ số an toàn trong lĩnh vực công cộng. Các bộ chỉ số này sẽ được ban hành trước ngày 30/4, trong đó quy định trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và chủ doanh nghiệp.

"Thành phố sẽ thận trọng, tham vấn nhiều chiều, nới lỏng từng bước, đặc biệt sẽ thí điểm sau đó mới nhân rộng nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển nhưng cũng bảo đảm mục tiêu phòng chống dịch", ông Phong nói.

Ngoài chính sách chung của chính phủ, thành phố đang xây dựng một số cơ chế đặc thù để tiếp thêm động lực cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn như: gói hỗ trợ người dân cùng chung tay chống dịch; hỗ trợ người lao động mất việc ở các cơ sở sản xuất; gói đảm bảo an sinh xã hội đảm bảo các dịch vụ, hàng hoá thiết yếu; gói kinh tế giảm khó khăn tăng cường sức chịu đựng cho doanh nghiệp, chuẩn bị điều kiện phục hồi nhanh sau dịch bệnh; gói thúc đẩy ngành kinh tế số trong điều kiện dịch bệnh.

Về phòng chống dịch bệnh, ông Phong cho biết, thành phố sẽ tiếp tục giám sát các điểm có nguy cơ cao; nhất là các khu lưu trú công nhân, nhà trọ, nhóm người nước ngoài đang lưu trú tại thành phố; các cơ sở chăm sóc, bảo trợ xã hội; kiểm soát, phân luồng tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện các ca bệnh mới; khoanh vùng truy vết các ca nhiễm mới; sắp xếp lại các khu cách ly tập trung để chuẩn bị cho giai đoạn mới.

Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường đầu tư cho ngành y tế, nhất là ngành y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh từ nhân sự đến trang thiết bị chuyên môn và chế độ chính sách.

"Đây là mặt trận quan trọng đối với an ninh y tế của người dân thành phố, có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế hiện nay", ông Phong nói.

Kết luận buổi họp, Thủ tướng đánh giá cao việc phòng chống Covid-19 trong 3 tháng qua, có "kết quả quan trọng và đáng mừng". Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh, cách ly xã hội đúng đắn, kịp thời, nên trong 6 ngày qua không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm, riêng TP HCM 19 ngày không có người nhiễm. Đây là thuận lợi để chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơi song song việc phát triển kinh tế xã hội.  

Theo Thủ tướng, hiện nhiều nơi trên thế giới có dịch bệnh nên Việt Nam không thoát ra khỏi nguy cơ, thời gian tới sẽ chấp nhận "sống trong trạng thái có dịch bệnh", tức là thích nghi và kiểm soát tốt Covid-19. "Các cấp, ngành tiếp tục ngăn chặn quyết liệt, không để dịch xâm nhập trở lại, không để đại dịch tàn phá đất nước", ông Nguyễn Xuân Phúc nói. 

Các tin khác