TPHCM: Chọn lọc ngành, đưa AI vào ứng dụng

(ĐTTCO) - Lâu nay, TPHCM sử dụng nhiều phương cách thủ công trong công tác quản lý đô thị, điều hành giao thông, các thủ tục hành chính công, và trong cả sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Vì thế, năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm chưa cao, hiệu quả làm việc thấp. 

Chính vì vậy cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI), là tiêu điểm giúp TP đi nhanh hơn. Nhưng phát triển AI cần phải tiên liệu sức đầu tư, vào ngành nào chứ không theo phong trào.

Sự cần thiết phải ứng dụng AI
TPHCM với diện tích hơn 2.100km2, luôn chứa thường trực hơn 13 triệu người cùng hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực đa dạng và phức tạp. Do vậy, TP không thể không tiếp nhận và ứng dụng AI vào trong đời sống xã hội. Một thí dụ điển hình để thấy sự cần thiết phải ứng dụng AI, là mấy ngày liên tiếp vừa qua TP bị che phủ một lớp sương mù nhưng bộ phận chức năng không trả lời được ngay lý do tại sao, đơn giản vì cách thức đo lường ô nhiễm của các trạm quan trắc vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công.
 TPHCM cần hệ thống lại kế hoạch và chiến lược quốc gia về AI của khoảng 10 nước, để từ đó so sánh lại các mục tiêu, giải pháp tìm sự thống nhất của các nước cũng như các ưu tiên riêng để từ đó có mục tiêu cụ thể, giải pháp thực hiện. Từ nay đến cuối năm phải xây dựng được chương trình ứng dụng, nghiên cứu và phát triển AI TPHCM 2020-2030.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM
Thực tế, những năm gần đây TPHCM nhận thức rõ CMCN 4.0 là cơ hội vàng để TP nhảy vọt tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Do đó, từ năm 2017 TP đã tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng TP trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng là hạt nhân để thực hiện CMCN 4.0 và làm nền tảng để TP triển khai thành công đề án đô thị thông minh. 
Bước đầu thực hiện ứng dụng AI, BS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết các bệnh viện của TPHCM đã bắt đầu tiếp cận các ứng dụng AI để tăng chất lượng điều trị.
Điển hình như Bệnh viện Bình Dân đã trang bị robot ngoại tổng quát Da Vinci điều trị từ năm 2016. Đến nay, robot này đã phẫu thuật 687 ca bệnh với nhiều bệnh lý phức tạp. Bệnh viện Nhân dân 115 cũng triển khai phẫu thuật robot thần kinh Modus V Synaptive (thế hệ thứ 2) từ tháng 2-2019, đã phẫu thuật 7 bệnh nhân với nhiều bệnh lý não phức tạp. Bệnh viện này còn ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ.
TPHCM: Chọn lọc ngành, đưa AI vào ứng dụng ảnh 1 Lãnh đạo TPHCM và lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Hội thảo khoa học "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng AI". Ảnh: V.DŨNG
Bệnh viện Nhân dân 115 cùng Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp triển khai toàn bộ phần mềm RAPID trong chẩn đoán và đưa ra cửa sổ điều trị mới đối với đột quỵ não cấp, lên đến 24 giờ. "Việc ứng dụng AI chuyên biệt trong xử trí đột quỵ chắc chắn sẽ mở ra cơ hội cứu sống và giảm nguy cơ bị tàn phế cho bệnh nhân" - BS. Tăng Chí Thượng đánh giá.
Trong khi đó, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông-  Vận tải (GTVT), cho biết việc ứng dụng công nghệ AI đang giúp các nhà quản lý quan sát và xử lý tình hình giao thông nhanh hơn. Cụ thể, trung tâm này đã lắp đặt, kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của 775 camera giám sát giao thông. Từ hệ thống màn hình, nhân viên vận hành ghi nhận tình hình giao thông tại các nút giao có camera kết nối, từ đó chia sẻ với các đơn vị liên quan chủ động xử lý kịp thời. Ngoài mạng lưới camera nêu trên, hệ thống đo đếm lưu lượng cũng được lắp đặt tại 118 vị trí, có thể tính toán tốc độ lưu thông trung bình, mật độ phương tiện và tự động đưa ra những cảnh báo đối với các nhà quản lý để có giải pháp xử lý điểm nghẽn giao thông. 
Mới đây, Sở GTVT đã có động thái nữa để đẩy mạnh ứng dụng AI trong giao thông khi kiến nghị UBND TP cho thí điểm các giải pháp ứng dụng AI quản lý giao thông thông minh tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, hệ thống camera giám sát sẽ được lắp đặt tại các điểm ra, vào khu vực sân bay và những tuyến đường xung quanh như Trường Sơn, Bạch Đằng, Hồng Hà... Hệ thống này tự động nhận diện biển số xe, phân loại từng phương tiện, xác định thời gian ra vào khu vực sân bay, đồng thời kiểm soát việc lưu thông trên các làn xe khác nhau, phát hiện tự động các trường hợp vi phạm trong quá trình di chuyển. Mức độ chính xác nhận diện phương tiện được đánh giá tối thiểu đạt 90%.
TPHCM: Chọn lọc ngành, đưa AI vào ứng dụng ảnh 2 Ứng dụng AI trong điều hành giao thông tại TPHCM.
Về mô hình ứng dụng AI, PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, đề xuất nên phân thời gian 10 năm tới ra thành 3 giai đoạn phát triển. Cụ thể, từ năm 2020-2025, TP làm chủ công nghệ, trong đó tập trung vào big data (dữ liệu lớn), các hệ thống thông minh, lý thuyết máy học nền tảng. Từ năm 2025-2030, phát triển AI theo hướng ứng dụng, áp dụng cho các lĩnh vực cụ thể như y tế, giao thông, an ninh. Sau cùng, từ năm 2030 trở đi, TP sẽ có đầy đủ nhân lực, công nghệ, nền tảng AI để tự do sáng tạo theo hướng phát triển của đất nước. 
“Việc xây dựng giải pháp cho TP có kiến trúc và quy mô rất lớn, do đó cần phân tách nhỏ thành phần các bài toàn nhằm đảm bảo phù hợp năng lực của 1 đơn vị, 1 nhóm triển khai (thí dụ về lĩnh vực thiết bị phần cứng, hệ thống và xử lý dữ liệu, thuật toán thông minh, phân tích phản hồi từ xã hội…). Không nên đưa ra yêu cầu liên quan đến quá nhiều lĩnh vực và nhóm năng lực chuyên môn khác nhau sẽ khó thực hiện” - ông Quân nói.

Nhưng phải đặt đúng chỗ, nhìn “hầu bao”
Việc đưa AI vào đời sống là hết sức cấp thiết và cần thiết. Tuy nhiên, ứng dụng AI là “cuộc chơi” không chỉ tốn kém mà có cả những tiêu cực phát sinh nếu không nhận diện được nó. Trước hết cần phải bình tâm hiểu đúng bản chất của nó ở tất cả các chiều kích khác nhau, sau khi hiểu chắc rồi sẽ chọn những lĩnh vực có thể đưa AI vào để đảm bảo thành công. Chẳng hạn như quản lý và điều tiết giao thông vận tải, quy hoạch và quản lý quy hoạch đất đai, quản lý hành chính - dân số, chẩn đoán và chữa trị các loại bệnh hiểm nghèo.
TPHCM: Chọn lọc ngành, đưa AI vào ứng dụng ảnh 3 Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế tại một bệnh viện ở TPHCM.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói: “AI có thể là giải pháp cho một số thách thức nếu có môi trường thuận lợi và phù hợp. Các doanh nghiệp và TP thông minh sẽ có cơ hội thành công nếu biết cách nắm bắt AI. AI cần phải là công cụ để phục vụ con người”. 
Ông Ousmane Dione nhấn mạnh 3 yếu tố chính đảm bảo thành công của AI cho TPHCM: Thứ nhất, cần đặt kỳ vọng rõ ràng và thực tế về các lĩnh vực (ở đâu) và cách thức áp dụng AI (như thế nào) cho TP. Thứ hai, đảm bảo môi trường thuận lợi cho AI thành công trên thực tế, đặc biệt liên quan đến vấn đề truy cập và tích hợp dữ liệu cần thiết để giải quyết các thách thức của TP. Cuối cùng, cần đảm bảo rằng chúng ta hiểu và quản lý mọi rủi ro chính liên quan đến AI.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), cho rằng cơ hội tham gia hệ sinh thái AI và IoT (kết nối vạn vật không dây) của thế giới yêu cầu sự tập trung cao độ vào một số phân khúc thị trường phù hợp, đặc biệt trong hoàn cảnh thiếu thốn tài nguyên và con người như Việt Nam. Vì thế, mỗi lĩnh vực cần tính toán được quy mô ảnh hưởng và tầm mức đầu tư của nó. Bởi các công nghệ, kỹ thuật, máy móc, công cụ, thiết bị phục vụ AI, công nghệ thông tin lạc hậu rất nhanh, nếu không tính toán sẽ trở thành con nợ của các tập đoàn viễn thông quốc tế. 
Còn theo TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu AI của Vingroup (VinAI Research), hiện công tác nghiên cứu AI chưa được coi trọng đúng mức. Điều này dẫn đến việc hầu như không thể thu hút các nhân tài AI về làm việc tại Việt Nam, là rào cản rất lớn cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam về AI trên tầm quốc tế.

Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp
Với AI, hiện nay nước nào cũng nhìn thấy cơ hội. Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước châu Âu đang đi trước, nhưng vẫn có thể tụt hậu nếu họ không có chiến lược và đầu tư hợp lý. Với Việt Nam, đây là “cuộc chơi” hoàn toàn mới mẻ, thách thức lớn nên doanh nghiệp phải đóng vai trò quyết định, và Nhà nước cần có vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc đua mới này. Theo PGS.TS Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật điện toán Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM, để có cơ hội trong cuộc chơi này cần có cơ sở dữ liệu (data), làm chủ công nghệ AI; có hạ tầng máy tính mạnh và nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp không thể đợi nguồn nhân lực mới trong 5-10 năm tới. Do vậy, cái bắt tay giữa Nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp rất quan trọng. TP cũng cần ưu tiên số 1 cho việc đưa AI vào ứng dụng, làm sao để những người làm kỹ thuật ở các ngành khác tiếp cận, hiểu được AI và đưa vào từng sản phẩm của công nghiệp. TP cũng phải có cơ chế để thu thập và chia sẻ dữ liệu cho doanh nghiệp.
TS. Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ CTCP FPT, cho biết các doanh nghiệp hiện tại phải tự gom góp dữ liệu cho AI. Nếu có nguồn liên thông dữ liệu từ Chính phủ, các doanh nghiệp có thể tận dụng dữ liệu đó phát triển AI tốt hơn. “Chúng tôi cũng mong muốn có chính sách khuyến khích cơ sở đào tạo cung cấp nhân lực nghiên cứu AI mức độ chuyên sâu.Theo đó, TP cần tiên phong cho lĩnh vực ứng dụng, tạo ra thị trường lớn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư theo mô hình PPP. Nhà nước phải làm sao tạo ra chính sách khuyến khích ứng dụng và có chính sách để doanh nghiệp đầu tư theo hướng cho thuê. Đây là những điều cấp thiết với doanh nghiệp” - ông Việt chia sẻ.
Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM), khẳng định không có dữ liệu chẳng làm được gì. Vì thế, điều cần nhất để hiện thực hóa cơ hội này là cơ chế (như tài chính, sử dụng con người, triển khai dự án...), nhưng đây lại đang là rào cản lớn. Nếu không tháo gỡ được mọi chuyện sẽ tiến triển rất chậm và tụt mất cơ hội. 
Trong chương trình phát triển đô thị thông minh của TPHCM có 4 trụ cột, trong đó trụ cột đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở. Trong năm 2019, 80% công việc tập trung vào việc này. Để làm được việc này phải có sự đồng lòng của tất cả sở ban ngành, quận huyện và doanh nghiệp.  
 5 vấn đề khi nghiên cứu, ứng dụng AI
Với vai trò là một đô thị đặc biệt, trung tâm nhiều mặt của cả nước, cửa ngõ hội nhập, từ năm 2016 TPHCM đã đưa ra các dự án ứng dụng AI vào chương trình kích cầu với mức hỗ trợ lãi suất  mỗi dự án lên đến 100 tỷ đồng. Từ năm 2017, TP đã tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.
Mặc dù TP đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung việc ứng dụng AI vào sản xuất và đời sống còn chậm, thậm chí còn kém so với nhiều đô thị trên thế giới. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn lực chưa sẵn sàng để đón nhận CMCN 4.0, là một trong những nguyên nhân kìm hãm việc nghiên cứu lĩnh vực này trên địa bàn TP. 
Để định hình hướng đi phù hợp nhất đối với TP trong thời gian tới, một số vấn đề cần phải trao đổi thấu đáo. Thứ nhất, mô hình và mức độ ứng dụng AI tại TP. Đây là điều kiện tiên quyết, quyết định sự thành công của TP vì liên quan đến cơ chế chính sách và hạ tầng hiện hữu cũng như tính đặc thù của TP so với các địa phương trên thế giới. 
Thứ hai, sự liên kết các tứ giác của CMCN 4.0: nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà đầu tư tài chính. Thành công của việc nghiên cứu, ứng dụng AI phụ thuộc vào khá nhiều vào yếu tố này, đặc biệt trong bối cảnh TP có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. 
Thứ ba, hệ sinh thái ứng dụng AI, nghiên cứu ứng dụng AI phải gắn liền với 3 mũi nhọn là công tác nghiên cứu và đào tạo; nắm bắt công nghệ; đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra đội ngũ giỏi có thể khởi nghiệp về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. 
Thứ tư, sự hấp dẫn các doanh nghiệp tổ chức tài chính việc nghiên cứu ứng dụng AI phải thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp, tổ chức tài chính tham gia. 
Thứ năm, sự sẵn sàng của TP, bởi thiếu cơ chế, chính sách, tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao, sẽ là trở ngại khi nghiên cứu ứng dụng trí tuệ tại TP. 
Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM

Các tin khác