TPHCM cơ bản kiểm soát dịch, phải tính toán có lộ trình để phục hồi kinh tế

(ĐTTCO) - TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch. Trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TP vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phải tính toán có lộ trình để phục hồi kinh tế - xã hội. Hai việc này tiến hành song song.

Tính toán có lộ trình để phục hồi kinh tế - xã hội

Ngày 16-10, UBND TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025”.               

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận định TPHCM chưa bao giờ gặp khó khăn, chịu sự tác động nặng nề về kinh tế - xã hội như đại dịch Covid-19. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được cải thiện, TPHCM cơ bản kiểm soát được dịch.

Tuy nhiên, dịch vẫn còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đòi hỏi TP cần nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát được hoàn toàn. Trong bối cảnh hiện nay, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TP vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phải tính toán có lộ trình để phục hồi kinh tế - xã hội. Hai việc này tiến hành song song.

Nguy cơ phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế tại TPHCM là nhỏ ảnh 1Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi: TP vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phải tính toán có lộ trình để phục hồi kinh tế - xã hội. Ảnh: Việt Dũng

Chủ tịch UBND TPHCM mong muốn nhận được sự góp ý, đánh giá của các chuyên gia nhận diện về xu hướng diễn biến dịch, tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đối với kinh tế thế giới, với Việt Nam và TPHCM. Đồng thời, góp ý, gợi mở giải pháp giúp TPHCM củng cố và giữ vững vai trò đầu tàu với kinh tế của cả nước, giữ vị trí trong mối tương quan với khu vực và thế giới.

TPHCM cũng tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới cần phát huy, các giải pháp đột phá giúp kinh tế TPHCM phục hồi, tạo đà phát triển bền vững trong bối cảnh hiện nay.

Xây dựng lại thương hiệu thành phố

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho biết hội thảo đã nhận được 14 bài tham luận có chất lượng từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo trường đại học đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến các lĩnh vực kinh tế thành phố.

Các tham luận nhìn nhận quy mô nền kinh tế chưa vận hành đến 50% trong tháng 9-2021, mặc dù đã có những tín hiệu tích cực xuất hiện, khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành so với tháng 8.

Nguy cơ phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế tại TPHCM là nhỏ ảnh 2Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thăm hỏi đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Việt Dũng 

Các tham luận cũng nhận định, những tổn thất doanh nghiệp đang gặp phải làm rơi vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản; nền kinh tế đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng...

Nhận diện rõ những khó khăn hiện hữu nêu ra, các chuyên gia đã tập trung vào 2 mục tiêu chính, gồm: Phục hồi sản xuất kinh doanh; đổ gãy chuỗi sản xuất cung ứng giúp doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tái gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, thúc đẩy quá trình tăng trưởng gắn với chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.

“Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, danh tiếng và thương hiệu TPHCM cũng đã bị tổn hại. Do vậy, một trong những giải pháp phải đề cập đến là xây dựng thương hiệu thành phố, trên cơ sở kết hợp các khía cạnh độc đáo của văn hóa và năng lực đổi mới, sáng tạo, văn minh, hiện đại, nghĩa tình để thu hút nhân tài và các nguồn lực đầu tư, tạo ra giá trị phù hợp với công chúng”, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân nêu vấn đề.

Chấp nhận số F0 gia tăng, miễn là dịch bệnh trong tầm kiểm soát

Tại hội thảo, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trường Đại học Y dược TPHCM, nêu câu hỏi về phương diện y tế, là làm sao có thể sống chung an toàn và bền vững với Covid-19.

Nguy cơ phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế tại TPHCM là nhỏ ảnh 3PGS.TS. Trần Hoàng Ngân: Sau đại dịch, cần xây dựng thương hiệu thành phố, để thu hút nhân tài và các nguồn lực đầu tư, tạo ra giá trị phù hợp với công chúng. Ảnh: Việt Dũng.

Theo chuyên gia, muốn sống chung an toàn và bền vững với Covid-19 - an toàn có nghĩa là không bị tăng nguy cơ tử vong. Bền vững là các bước phục hồi kinh tế phải liên tục, không gián đoạn – thì phải có được miễn dịch cộng đồng, và muốn duy trì miễn dịch cộng đồng thì phải sống chung với Covid-19.

“TPHCM chưa đạt miễn dịch cộng đồng hoàn toàn, vậy nếu số ca mắc Covid-19 gia tăng thì có nguy cơ phải phong tỏa TPHCM thêm một lần nữa hay không?”, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng hỏi.

Ông nêu kinh nghiệm từ Singapore ở thời điểm hiện tại, là một cảnh báo cho TP về khả năng tăng số ca nhiễm, và phải dừng lại việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội. Song ông cũng cho rằng, hoàn cảnh của Singapore khác với TPHCM.

TPHCM đã từng bị dịch bệnh hoành hành nên có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng tốt hơn. Và như vậy, có lẽ khi nới lỏng giãn cách để phục hồi kinh tế, số ca mắc sẽ tăng nhưng không tăng nhanh như Singapore.

Theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, với cố gắng đạt 2 mũi tiêm vaccine cho trên 90% người trên 65 tuổi và trên 80% cho người trên 50 tuổi, TP có thể bảo vệ được người cao tuổi, không làm tăng số ca tử vong và không làm quá tải hệ thống y tế. Ngoài ra, số ca mắc ở một số lượng nào đó cũng giúp tạo ra yếu tố kích thích miễn dịch trong cộng đồng. Điều này cho thấy khi chúng ta đã bảo vệ được người cao tuổi thì sự tồn tại của Covid-19 không chỉ có mặt có hại mà còn có mặt có lợi.

“Từ quan điểm này, chúng ta có thể bớt khắt khe hơn trong các biện pháp chống dịch. Các biện pháp chế tài cực đoan có thể không phù hợp, mà thay vào đó sử dụng biện pháp chế tài kinh tế có thể có hiệu quả cao hơn”, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng đánh giá.

Nguy cơ phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế tại TPHCM là nhỏ ảnh 4PGS.TS. Đỗ Văn Dũng: Chúng ta có thể bảo vệ được người cao tuổi, không làm tăng số ca tử vong và không làm quá tải hệ thống y tế. Ảnh: Việt Dũng

Từ đó, chuyên gia đến từ Đại học Y dược TPHCM đề nghị TP tiếp tục thực hiện 5K; cho phép doanh nghiệp tự chủ trong việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch. TP chấp nhận số ca mắc Covid-19 gia tăng, miễn là tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát; không cần thiết cách ly người F1 nếu những người này đã được tiêm vaccine 2 mũi.

“TPHCM cần mạnh dạn xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế nhằm tranh thủ thời cơ”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đề nghị và đánh giá “nguy cơ phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế là nhỏ”.

Đề xuất gói hỗ trợ lên đến 250.000 tỷ đồng (khoảng 4% GDP)

Tại hội thảo, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế-Luật, phân tích GRDP 6 tháng đầu năm của TPHCM đạt hơn 680.300 tỷ đồng theo giá hiện hành, mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Thế nhưng, làn sóng Covid-19 lần 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu.

Tình hình xấu đi rất nhiều trong tháng 8-2021, doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7-2021. Tuy vậy, tín hiệu tích cực đã xuất hiện trong tháng 9-2021, khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành, không có ngành nào giảm sâu dưới 6% so với tháng 8.

Phục hồi xuất hiện rõ nét ở một số lĩnh vực trong tháng 9 như dịch vụ ăn uống tăng gần 14% so với tháng trước, các hoạt động sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu tăng 5%, các dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 26%. Lưu thông hàng hoá thuận tiện hơn đã giúp doanh thu cho ngành vận tải tăng 57% đối với vận tải hàng hóa đường sắt và gần 28% đối với vận tải đường thủy nội địa.

Nguy cơ phải dừng các kế hoạch phát triển kinh tế tại TPHCM là nhỏ ảnh 5PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh: Làn sóng Covid-19 lần 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Ảnh: Việt Dũng.

Gợi ý về các chính sách chủ lực để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế TPHCM, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, với nguyên tắc tuân thủ mục tiêu tối thượng là đảm bảo ổn định giá trị tiền tệ, chính sách tiền tệ được sử dụng hạn chế trong việc thiết kế chính sách phục hồi kinh tế do Covid-19.

Kinh nghiệm cho thấy, chính sách của Ngân hàng Trung ương các nước trong bối cảnh này thường hướng đến mục tiêu quan trọng nhất, là đảm bảo thanh khoản cho thị trường. Giảm lãi suất có tác dụng kích thích tiêu dùng và đầu tư, và được xem là công cụ giúp kích thích toàn diện nền kinh tế trong ngắn hạn.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng dư địa để giảm lãi suất huy động không còn nhiều. Ngân hàng Nhà nước có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, song song với điều chỉnh thích hợp trần tăng trưởng tín dụng, và chỉnh sửa một số vấn đề kỹ thuật trong quy định điều chỉnh kỳ hạn trả nợ của Thông tư 14, để tạo thuận lợi hơn trong việc giảm lãi suất cho vay và tái cấu trúc nợ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ Covid-19”, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh phân tích.

Đối với chính sách tài khoá, nhóm nghiên cứu kiến tạo động lực phục hồi kinh tế TPHCM giai đoạn Covid-19 lần 4 đã chỉ ra rằng, ngay cả khi Việt Nam hoàn tất giải ngân trọn vẹn các gói hỗ trợ năm 2020, thì quy mô cũng chỉ ở mức 1,9% GDP, rất nhỏ để kỳ vọng các hỗ trợ này đủ mạnh để đạt hiệu quả tốt cho phục hồi trọn vẹn.

“Do đó, chúng tôi đề xuất gói hỗ trợ 2021 của Chính phủ có thể lên đến 250.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4% GDP. Đây là con số khả thi với quy mô và nội lực của kinh tế Việt Nam.
Đối với TPHCM, chúng tôi khuyến nghị sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói hỗ trợ tức thời, và các gói kích thích đầu tư mang tính trung hạn từ các nguồn tái phân bổ chi ngân sách, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM…”, PGS.TS. Hoàng Công Gia Khánh đề nghị.

Các tin khác