TPHCM- Hà Nội-miền Trung: Liên kết phục hồi ngành du lịch

(ĐTTCO)-TPHCM vừa đề xuất gắn kết với TP Hà Nội (2 địa phương đầu tàu về kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội - du lịch của phía Bắc và phía Nam) với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhằm nhanh chóng phục hồi ngành du lịch sau đại dịch.

Trải nghiệm xích lô quanh phố cổ Hội An là chương trình cực kỳ hấp dẫn du khách. Ảnh: NGỌC PHÚC
Trải nghiệm xích lô quanh phố cổ Hội An là chương trình cực kỳ hấp dẫn du khách. Ảnh: NGỌC PHÚC
Dòng chảy tinh hoa
Với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa”, do TPHCM và tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức ngày 27 và 28-11 tại Quảng Nam, diễn đàn đã quy tụ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và các doanh nghiệp để cùng bắt tay tạo cú hích mới cho sự phát triển của ngành du lịch hậu Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết việc lấy tên diễn đàn “Dòng chảy tinh hoa” thể hiện sự kết nối về văn hóa, thiên nhiên, con người... giữa các tỉnh, thành, vùng kinh tế, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch, di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống độc đáo của Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, thu hút du lịch đến các địa phương liên kết. Sự liên kết hợp tác này tập trung vào 4 nội dung chính: công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, 4 nội dung chính được ký kết tại diễn đàn sẽ giúp các địa phương trao đổi thông tin nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại mỗi địa phương, giúp khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch đặc trưng của mỗi địa phương, như hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực…
Qua đó, phát huy được lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch, góp phần phục hồi ngành du lịch cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.
Diễn đàn là mảnh ghép nối liền liên kết của các địa phương từ Bắc vào Nam theo chiều dài đất nước. Trong đó, riêng TPHCM đã liên kết với 13 tỉnh ĐBSCL vào tháng 9-2019, liên kết với 5 tỉnh Đông Nam bộ vào tháng 6-2020, liên kết với vùng Tây Bắc mở rộng vào ngày 14-11-2020, liên kết với vùng Đông Bắc vào ngày 20-11-2020. 
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết: “Lâu nay việc liên kết chỉ phát triển nội vùng, chưa có liên kết điểm mới, thị trường mới. Đặc biệt, sự liên kết vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của Hà Nội, TPHCM.
Chính vì lẽ đó, ngành du lịch đang tập trung thực hiện kích cầu nội địa với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, chương trình “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” nhằm khôi phục và phát triển hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới”.
TPHCM- Hà Nội-miền Trung: Liên kết phục hồi ngành du lịch ảnh 1 Du khách tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: NGỌC PHÚC
Kế hoạch quảng bá chung
Giai đoạn 2020-2025, nhằm gia tăng lượng khách du lịch nội địa, giúp doanh nghiệp du lịch tại các địa phương khôi phục và ổn định hoạt động, TPHCM đề xuất các địa phương phấn đấu tăng tỷ lệ khách du lịch từ 2 đầu đất nước đến vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và ngược lại.
Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng chuỗi du lịch thân thiện, an toàn với sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương.  Ngoài ra, trong phát triển sản phẩm du lịch gắn với “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với định hướng khai thác sản phẩm đặc trưng như du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với di sản, du lịch sinh thái, tìm hiểu di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển kết nối với loại hình du lịch đô thị, du lịch MICE của Hà Nội và TPHCM, tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách. 
Do vậy, cần có kế hoạch và phối hợp quảng bá chung để du khách biết đến nhiều hơn, sâu hơn về TPHCM, Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cũng như các sản phẩm liên vùng. Các tỉnh, thành trong liên kết cần chú trọng nội dung quảng bá sản phẩm liên vùng trong quá trình quảng bá xúc tiến du lịch địa phương.
Bên cạnh đó, đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của kinh tế và ổn định xã hội của vùng.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về vị trí chiến lược, tài nguyên, sản phẩm, dịch vụ du lịch thông qua việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành và các vùng du lịch để thu hút khách, UBND tỉnh Quảng Nam với vai trò Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2019-2020, xem đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, toàn diện trong quan hệ, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố, các hiệp hội và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy liên kết phát triển du lịch liên vùng Bắc - Trung - Nam.
Qua đó, phục hồi và phát triển du lịch các tỉnh, thành trong liên kết, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững sau đại dịch Covid-19.    
Trong điều kiện dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, chưa mở cửa đối với khách du lịch quốc tế, thị trường du lịch nội địa sẽ được xác định là điểm khởi đầu cần thiết và quan trọng để phục hồi, phát triển du lịch.

Các tin khác