TPHCM hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số

(ĐTTCO) - Ngày 30-9, UBND TPHCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB), Văn phòng Chính phủ và quốc gia thông minh Singapore (SSDGO), Cơ quan Phát triển truyền thông Singapore (IMDA) tổ chức Hội thảo nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số cho TPHCM. 
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến, kết nối 80 điểm cầu ở TPHCM, các tỉnh thành của Việt Nam và Singapore. 
Phát biểu mở đầu hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, các quốc gia trên thế giới tiến hành xây dựng đô thị thông minh, thúc đẩy chuyển đổi số; Việt Nam nói chung và TPHCM - là thành phố lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước - cũng sẽ không thể nằm ngoài xu hướng này. TPHCM xác định Chương trình Chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong chiến lược phát triển TPHCM từ nay đến năm 2030. Việc chuyển đổi số tốt sẽ góp phần thúc đẩy cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế và xã  hội, góp phần xây dựng đô thị thông minh và thịnh vượng. Một trong các yêu cầu quan trọng cần phải đáp ứng khi triển khai chuyển đổi số là đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức. TPHCM phải đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém về phát triển trong kỷ nguyên số để thay đổi tư duy, thực hiện chuyển đổi tổng thể và toàn diện nhằm tiến tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số ở thành phố. 
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, hội thảo là hành động cụ thể để nâng cao năng lực của các tỉnh thành tại Việt Nam trong chuyển đổi số, đặc biệt là TPHCM. Bà Carolyn Turk nhấn mạnh đến 3 vấn đề mấu chốt trong chuyển đổi số: Phát triển năng lực của chính phủ, người dân, xã hội được thể hiện qua ứng dụng số trong các dịch vụ công; đầu tư vào dữ liệu, là nguồn nguyên liệu mới, là “vàng mới” để phát triển xã hội; thực thi các sáng kiến chuyển đổi số trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, việc này đòi hỏi cả một quy trình từ đầu tư cơ sở hạ tầng, con người, kỹ năng… “WB tại Việt Nam kỳ vọng Chương trình Chuyển đổi số của TPHCM sẽ thực hiện thành công, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và chúng tôi đồng hành cùng chương trình này”, bà Carolyn Turk nói.
Các diễn giả đến từ các cơ quan, tổ chức của Singapore như Văn phòng Chính phủ số và quốc gia thông minh Singapore, Cơ quan Công nghệ Chính phủ Singapore, Cơ quan Trí tuệ nhân tạo Singapore, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu cá nhân Singapore… đã trình bày nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những chiến lược, định hướng, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số. Đại diện các tỉnh, thành phố cũng được cung cấp kiến thức phục vụ chương trình chuyển đổi số đạt hiệu quả. Riêng TPHCM sẽ học tập những mô hình học tập suốt đời theo tinh thần chọn lọc, phù hợp với đặc thù của TPHCM.
 Ngày 30-9, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và một số đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Ngành Logistics trước bước ngoặt chuyển đổi số: Quản trị rủi ro nhằm chuyển đổi đúng cách và hiệu quả”. 
Thống kê sơ bộ từ VLA, tỷ lệ chi phí logistics so với GDP quốc gia của Việt Nam khoảng 18% GDP, trong khi con số này ở các nước phát triển chỉ 9%-14%. Trong tổng chi phí logistics chi phí vận tải chiếm 60%, chi phí xếp dỡ chiếm 21%, chi phí kho bãi chiếm 12%… Đánh giá chung từ VLA, chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn khá cao so với các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản và khối Liên minh châu Âu. Nguyên nhân được các chuyên gia phân tích do hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với dịch vụ sau cảng, công tác quy hoạch hạ tầng (cảng biển, cảng cạn, trung tâm logistics, depot, bãi đậu xe container…) logistics chưa hiệu quả. Các đại biểu cho rằng, việc áp dụng chuyển đổi số là điều cần thiết để tối ưu hóa chi phí.

Các tin khác