TPHCM kiến nghị phân cấp mạnh hơn cho các đơn vị

(ĐTTCO) – UBND TPHCM vừa kiến nghị Chính phủ có quy định “mở” về tổ chức bộ máy của TP. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để TP kiện toàn về tổ chức bộ máy, biên chế, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trên địa bàn cũng như trong công tác chỉ đạo, điều hành. 
TPHCM kiến nghị phân cấp mạnh hơn cho các đơn vị
Cụ thể, UBND TPHCM kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh thí điểm phân cấp mạnh mẽ hơn cho TP một số nhiệm vụ của các Bộ, ngành, những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn quản lý của TP mà pháp luật chưa quy định; nghiên cứu phân cấp một số nội dung về xây dựng chính sách và ban hành văn bản pháp luật, về quản lý tài chính công, về tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc.
Phân cấp về thẩm quyền, biện pháp xử lý vi phạm hành chính, tăng cường thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm hành chính phù hợp với đô thị, trong đó tăng cường thẩm quyền cho Chủ tịch UBND TP (cùng cơ chế ủy quyền) trong việc xử phạt các hành vi vi phạm phát sinh chỉ xảy ra ở TP. 
Thông qua đó, các văn bản của TP ban hành vừa phù hợp với thực tiễn của TP nhưng không gặp “vướng” về mặt pháp lý dẫn đến tình trạng “chưa phù hợp với quy định chung”, giúp TP có hành lang pháp lý thuận lợi, đảm bảo công cụ chỉ đạo, điều hành hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. 
Chính phủ cũng cần sớm xây dựng Luật về văn bản hành chính; ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP để tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả; sớm thông qua Đề án thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận - huyện, Đề án thí điểm tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc UBND quận - huyện thành Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND quận - huyện cũng như phê duyệt Đề án không tổ chức HĐND quận và phường tại TPHCM.
TP cũng đề xuất Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ giao biên chế công chức phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế tại TP; phân bổ tăng thêm số lượng cán bộ, công chức phường - xã phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương; đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền địa phương, đảm bảo chính quyền mỗi cấp tự chủ tự quản trong các lĩnh vực từ tổ chức bộ máy, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường. 
Chính phủ cần sớm ban hành quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hoá thể thao, y tế…; đơn giản hóa thành phần, yêu cầu thực hiện TTHC, để tăng số lượng TTHC đủ điều kiện thực hiện mức độ 3, mức độ 4; xây dựng chính sách về quy hoạch việc phát triển các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công nhằm tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, vừa tốn kém nguồn lực của xã hội đồng thời gây ra tình trạng cung nhiều, cầu ít, dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm hiệu quả của dịch vụ công.
Quản lý chặt chẽ việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 
Ngoài ra, UBND TP cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những vướng mắc cho địa phương trong thực tiễn quản lý; hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật từ Trung ương đến địa phương có tính đến đặc thù của từng đơn vị...

Các tin khác