TPHCM kiến nghị tiếp tục được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù

(ĐTTCO) - Ngày 10-5, HĐND TPHCM tổ chức giám sát UBND TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và Nghị quyết 25 của HĐND TPHCM.
 Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM...
Đề xuất nghị quyết thay thế Nghị quyết 54
Báo cáo tóm tắt việc thực hiện Nghị quyết 54, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Trần Phú cho biết, UBND TP đã trình HĐND TP thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích hơn 1.843ha. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án này giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của TP. 
Thực hiện chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm tối đa là 1,2 lần mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ. Việc chi thu nhập tăng thêm đảm bảo công khai, minh bạch, phù hợp với điều kiện đã góp phần cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc. 
TPHCM kiến nghị tiếp tục được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 1 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát 
của HĐND TPHCM đối với UBND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG 
Thành phố cũng quyết liệt đeo bám các bộ ngành Trung ương, kiến nghị, trình các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù. Kết quả, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022; trong đó, tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM là 21% (tăng 3% so với năm 2021). UBND TPHCM cũng ban hành Nghị quyết 17 về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực thành phố có nhu cầu, giai đoạn 2019-2022. 
Đánh giá việc tiếp tục thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đóng vai trò quan trọng, giúp TP phát huy tốt hơn lợi thế tiềm năng, phát triển bền vững, UBND TPHCM kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 để TP được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù. 
Chuẩn bị đầy đủ lộ trình, nguồn lực
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đánh giá, qua hơn 4 năm thực hiện, Nghị quyết 54 đã phát huy được kết quả nhất định trong các lĩnh vực. Trong đó, cơ chế ủy quyền đã giúp các sở - ngành, quận - huyện chủ động thực hiện nhiệm vụ, phát huy vai trò của người đứng đầu và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh đó, việc chi thu nhập tăng thêm đã tạo động lực, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ này.
TPHCM kiến nghị tiếp tục được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng phát biểu tại buổi giám sát.
Ảnh: VIỆT DŨNG
Tuy nhiên, một số nội dung triển khai còn chậm so với kế hoạch dự kiến. Cơ chế, chính sách đặc thù chưa phát huy đầy đủ, kịp thời như mong đợi. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, dù đã rút ngắn được thời gian lập hồ sơ, nhưng các quy trình, thủ tục tiếp theo còn chậm, dẫn đến các dự án đều chưa hoàn thành tiến độ. UBND TPHCM chưa kiên quyết trong việc ra quyết định điều chỉnh, hủy bỏ các dự án không thực hiện ra khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Tất cả 6 dự án nhóm A thực hiện theo cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 cũng đều chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, đến nay TPHCM vẫn chưa thực hiện tăng thuế với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; chưa phát sinh nguồn thu từ khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. Nguồn cải cách tiền lương còn dư chưa được sử dụng để tăng chi đầu tư, hoạt động chuyên môn mà chủ yếu mới thực hiện chi thu nhập tăng thêm. Trong khi thu nhập tăng thêm cũng chưa đạt được mức 1,8 lần lương ngạch bậc, chức vụ. Chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt chưa đạt như kỳ vọng, mới chỉ có một chuyên gia ký hợp đồng làm việc với Khu Công nghệ cao. 
Vì vậy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ kiến nghị UBND TPHCM đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; rà soát lại tình hình thực hiện của từng dự án có thu hồi đất lúa trên 10ha để đẩy nhanh tiến độ hoặc trình HĐND TPHCM hủy bỏ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị UBND TPHCM phân tích nguyên nhân của các hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan để làm cơ sở cho TP kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM. Quá trình nghiên cứu xây dựng nghị quyết mới cần có sự chuẩn bị giải pháp, lộ trình cụ thể và nguồn lực thực hiện, nhằm tránh lặp lại tình trạng khó khăn như khi triển khai Nghị quyết 54, đồng thời phát huy tối đa cơ chế, chính sách mới.
 Một số kiến nghị, đề xuất của UBND TPHCM:
- Đề xuất Quốc hội bổ sung vào nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 một chương về cơ chế đặc thù phát triển TP Thủ Đức, cho phép UBND TP Thủ Đức được thực hiện các chức năng quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của các sở ngành ở một số lĩnh vực. TPHCM được chủ động giao biên chế đối với UBND TP Thủ Đức.
- Đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành nghị định thay thế Nghị định 93/2001 về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM. Trong đó, cho phép TPHCM lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án trọng điểm quy mô lớn không phải thông qua đấu thầu; cho phép thí điểm xã hội hóa đầu tư công viên, trường học, bệnh viện, trung tâm thể dục thể thao trong các khu đô thị mới…
- Cho phép TPHCM thí điểm đổi mới tuyển dụng công chức viên chức, ngoài tiêu chuẩn chung. TPHCM được quy định các điều kiện, tiêu chuẩn riêng với các vị trí việc làm đặc thù. 
- UBND TPHCM được trình HĐND TPHCM quyết định biên chế hành chính, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TPHCM.
- UBND TPHCM có thể căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu thực tiễn và ngân sách để bố trí tăng thêm số lượng cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn đông dân…

Các tin khác