TPHCM mong được Hà Nội chia sẻ mô hình để thu hút đầu tư

(ĐTTCO)-Sáng 29-7, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TPHCM dẫn đầu Đoàn đại biểu TPHCM, đã có buổi làm việc với lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP Hà Nội. 
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM và đồng chí Nguyễn Đức Chung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đồng chủ trì buổi làm việc.

Tham dự buổi làm việc còn có các vị giám đốc sở, đại diện các ban, ngành của cả hai địa phương.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ cảm ơn thịnh tình của Hà Nội trong việc cởi mở trao đổi kinh nghiệm về những vấn đề mà TPHCM quan tâm.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, giữa 2 thành phố có nhiều điểm tương đồng, cả những điểm mạnh và điểm yếu.

“Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có vị trí hàng đầu trong đóng góp ngân sách cho đất nước, nhưng cũng có những điểm yếu giống nhau. Một trong số đó là chỉ số cạnh tranh địa phương (chỉ số PCI, do doanh nghiệp  đánh giá - PV) chưa được cao”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhận định.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, TPHCM hết sức quan tâm đến việc tạo môi trường cho người dân sống tốt hơn, doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn.

Thông tin với Hà Nội về việc TPHCM đã làm một số việc và chuẩn bị hoàn thành dự án xây dựng đô thị thông minh; dự kiến trình các cấp có thẩm quyền cho ý kiến vào đầu quý 4 tới đây, Bí thư Thành uỷ TPHCM mong muốn được tìm hiểu về kinh nghiệm xây dựng chính quyền điện tử của Hà Nội.

Bên cạnh đó, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận: “Chúng ta đều biết nhu cầu đầu tư của cả 2 thành phố là rất lớn, trong khi huy động vốn là bài toán khó. Cho nên làm thế nào để một mặt sử dụng ngân sách có hiệu quả, mặt khác, đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài. 20 năm trước tỷ trọng thu hút đầu tư nước ngoài của TPHCM so với cả nước là rất lớn, nhưng hiện đang giảm dần, trong khi các địa phương khác đang đi lên mạnh mẽ”.

Ông cho biết thêm, TPHCM rất muốn cải thiện tình hình thu hút đầu tư và mong được Hà Nội chia sẻ “bằng cách nào, mô hình nào, chính sách nào để khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân bỏ vốn đầu tư phục vụ nhu cầu xã hội”.

Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, trên cơ sở buổi làm việc chung hôm nay, các sở, ngành của hai thành phố sẽ có thêm các buổi trao đổi sâu hơn, cụ thể hơn về các vấn đề cùng quan tâm.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của Hà Nội trong việc xây dựng chính phủ điện tử, thu hút đầu tư và quản lý ngân sách trên địa bàn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, cải cách hành chính (CCHC) được đẩy mạnh quyết liệt; kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực. Sự nỗ lực, cố gắng của TP đã được cộng đồng DN và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao qua các chỉ số như: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay; CCHC (PAR INDEX) xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc); mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp thứ 2 cả nước.

“Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường có liên thông dữ liệu với Bảo hiểm xã hội và Công an Thành phố trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu dân cư”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Trao đổi về kinh nghiệm tiến hành cải cách hành chính ở chính UBND TP, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh yêu cầu tăng cường đối thoại, tạo sự thông suốt về tư tưởng cho cán bộ, nhân viên. Nhờ đó, tại UBND TP Hà Nội đã có thể giảm từ 14 phòng ban xuống còn 9 phòng.

“Cán bộ thuộc diện đầu mối sẽ cắt giảm được giữ nguyên chức vụ và hệ số lương trong 24 tháng, một số trường hợp có năng lực vẫn được đề bạt vị trí phù hợp, nên CBCC đồng thuận. Số Ban quản lý dự án cũng được thu gọn chỉ còn 5 ban, quản lý gần 1.000 dự án đang triển khai”, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết.

Được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM hỏi về kinh nghiệm thu hút, quản lý các dự án BT, Chủ tịch UBND Hà Nội chia sẻ, trung bình thời gian chuẩn bị một dự án BT thường khá dài, từ lúc bắt đầu nộp hồ sơ đến lúc được chấp thuận lên tới 755 ngày.

Hà Nội đã thành lập các tổ công tác đặc biệt, rà soát, tích cực chuẩn bị quỹ đất sạch và xây dựng những hàng rào kỹ thuật phù hợp với pháp luật (trong đó có yêu cầu quan trọng là cam kết thời gian hoàn thành), nhờ đó việc lựa chọn các nhà đầu tư tương đối dễ dàng, tỷ lệ thực hiện thành công dự án khá cao…

Các tin khác