TPHCM nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế

(ĐTTCO) - Ngày 7-7, Hội nghị lần thứ 42 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X mở rộng đã khai mạc. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị. 
Đóng góp cho cả nước ngày một tăng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: Hội nghị Thành ủy lần này sẽ thảo luận về 7 nội dung, tập trung vào các vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ vai trò đầu tàu kinh tế của TPHCM đối với cả nước, tìm giải pháp phát triển để giữ vững vị trí này và có đóng góp lớn hơn cho cả nước.
Trước tiên, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, vị trí đầu tàu thể hiện ở tỷ trọng đóng góp kinh tế TPHCM với cả nước trong 25 năm qua không ngừng tăng lên. Cụ thể, giai đoạn 1996-2000 kinh tế TPHCM chiếm bình quân 17% kinh tế cả nước; giai đoạn 2001-2010 chiếm 20% và giai đoạn 2011-2019 là hơn 22%. Tương tự, giá trị gia tăng tạo ra trên 1km2 của TPHCM so với cả nước cũng ngày một tăng. Nếu giai đoạn 1996-2000 trên 1km2 của TPHCM tạo ra giá trị gia tăng cao gấp 27 lần bình quân cả nước thì giai đoạn 2001-2010 gấp 31 lần và giai đoạn 2011-2019 gấp 35 lần. 
 ... Có một nguyên nhân quan trọng hạn chế sự vượt trội của TPHCM đó là tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM ngày càng giảm trong 20 năm qua. Cụ thể, từ mức được giữ lại 33% (năm 2000) giảm còn 18% (giai đoạn 2017-2020). Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng để lại từ 100% còn 78%...
Bí thư Thành ủy TPHCM
NGUYỄN THIỆN NHÂN
Vị trí đầu tàu kinh tế còn thể hiện ở tỷ trọng đóng góp vào ngân sách cả nước tiếp tục tăng, từ 26,5% trong giai đoạn 2001-2010 tăng lên 27,5% trong giai đoạn 2011-2019. Tương tự, tỷ lệ thu hút vốn đầu tư nước ngoài của TPHCM đối với cả nước cũng không ngừng tăng, từ 13,4% (năm 2015) lên 13,7% (năm 2016), 14,2% (năm 2017) và chiếm 14,7% (trong 2 năm 2018, 2019).
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cơ sở để đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước ngày càng tăng, đó là năng suất lao động. TPHCM luôn duy trì năng suất lao động bình quân cao hơn cả nước khoảng 2,7 lần và năm 2019 là 2,9 lần. Song, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước thời gian qua đến từ sự nỗ lực rất lớn của chính TPHCM.
Đặc biệt, TPHCM có những mô hình đổi mới phát triển mang tính tiên phong cả nước như Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm Quang Trung cùng các chương trình, đề án khởi nghiệp sáng tạo quy mô nhất cả nước. TPHCM cũng là nơi có chương trình liên hết ngân hàng và doanh nghiệp thông qua cầu nối của chính quyền rất tốt.
TPHCM nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Với các mô hình đặc thù đổi mới, TPHCM vẫn giữ được tính đổi mới, tiên phong”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá và chia sẻ, TPHCM tiếp tục triển khai Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông nhằm tạo động lực phát triển lớn hơn cho TPHCM trong giai đoạn mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Dù vậy, Bí thư Thành ủy TPHCM cũng chỉ ra những chỉ tiêu không tăng, thậm chí giảm như tốc độ tăng trưởng so với cả nước. Giai đoạn 2001-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế TPHCM bằng khoảng 1,6 lần cả nước nhưng giai đoạn 2011-2019 chỉ bằng 1,2 lần.
Về nguyên nhân, theo đồng chí có nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng có một nguyên nhân quan trọng hạn chế sự vượt trội của TPHCM đó là tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM ngày càng giảm trong 20 năm qua. Cụ thể, từ mức được giữ lại 33% (năm 2000) giảm còn 18% (giai đoạn 2017-2020). Trong cùng thời gian đó, tỷ lệ ngân sách để lại cho Hà Nội tăng từ 30% lên 35%, Hải Phòng để lại từ 100% còn 78%.
TPHCM nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế ảnh 2 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Song, đồng chí cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan như chưa có đột phá trong liên kết vùng, hạn chế trong hợp tác công - tư. Ngoài ra, bất hợp lý trong cơ cấu đất dành cho công nghiệp, dịch vụ (hiện chỉ chiếm 5% diện tích đất toàn thành phố nhưng đóng góp 99% trong cơ cấu kinh tế) chậm được khắc phục… “Vẫn còn những hạn chế do lỗi của chúng ta”, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ.
Không để doanh nghiệp phải đóng cửa
Một nội dung quan trọng tại hội nghị là đánh giá kết quả thực hiện 7 chương trình đột phá có liên quan đến các dịch vụ thiết yếu phục vụ người dân, từ giao thông, cấp thoát nước, môi trường... Thông qua đó sẽ trả lời câu hỏi, chất lượng cuộc sống người dân đối với các dịch vụ này tăng hay giảm.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, 7 chương trình đột phá đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng không có chương trình nào đạt được 100% chỉ tiêu. Vì vậy, hội nghị cần thảo luận sâu, đánh giá kỹ từng chương trình về kết quả đạt được cũng như thẳng thắn nêu các hạn chế để rút ra bài học, kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục trong giai đoạn 2021-2025.
Đề cập cụ thể một số nội dung, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, nguy cơ ngập nước của TPHCM ngày càng tăng (do biến đổi khí hậu, lún mặt đất, mưa vũ lượng lớn ngày càng nhiều) nhưng tình hình ngập tại các điểm ngập, tuyến đường chính được giải quyết ngày một tốt hơn. Tương tự, trong xử lý rác cũng ngày càng tiến bộ, đồng thời 100% người dân đã được cấp nước sạch, tỷ lệ thất thoát nước giảm và thành phố chưa bao giờ xảy ra thiếu nước sinh hoạt.
Về vấn đề giao thông, đồng chí đề nghị thảo luận để làm rõ, sau 5 năm dân số TPHCM tăng gần 1 triệu người thì tổng thể ùn tắc giao thông tăng hay giảm? Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, số liệu báo cáo cho thấy ùn tắc giao thông giảm nhưng từng đại biểu tập trung thảo luận để thông tin đúng đắn, đầy đủ nhất với người dân về những kết quả đạt được cũng như chỉ rõ các hạn chế. Đồng thời, hội nghị cũng cần đánh giá về các dịch vụ xã hội, các hoạt động văn hóa, y tế; đánh giá về công tác an sinh xã hội, giảm nghèo cũng như việc đảm bảo an ninh - quốc phòng, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, TPHCM chủ động triển khai các giải pháp quan trọng sớm nhất cả nước trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh này, các quận huyện, sở ngành cũng tích cực triển khai đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, như trong 6 tháng đầu năm giảm 71% số vụ xây dựng không phép, sai phép so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 43%, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, đến nay thành phố có 190 phường - xã - thị trấn được công nhận là phường - xã - thị trấn sạch, không xả rác (đạt gần 59%). Cùng với đó giải tỏa được 715/747 điểm đen tồn đọng rác (chiếm gần 96%). TPHCM cũng tập trung triển khai chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” và tổ chức chương trình đối thoại văn hóa đầu tiên.
Đề cập đến khoảng 8.000 doanh nghiệp trên địa bàn tạm ngưng hoạt động do dịch Covid-19, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi về tiến độ chi hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động để doanh nghiệp không bị phá sản. “Khi phá sản rồi trở lại không được nên phải hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động. Chúng ta có trách nhiệm cực kỳ quan trọng là không để họ phải đóng cửa”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
 Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM, cho biết: TPHCM là một trong những địa phương bị tác động mạnh nhất từ dịch Covid-19 nên tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng khoảng 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,86%). Trong 6 tháng cuối năm, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 và tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh cho chuyên gia, doanh nghiệp nước ngoài quay lại TPHCM làm việc. Đồng thời, TPHCM hoàn thành việc hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết của Chính phủ và HĐND TP.
 Tại hội nghị, đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy, thông tin về kết quả thực hiện Quy định 1374-QĐ/TU ngày 1-12-2017 của Thành ủy về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, từ tháng 12-2017 đến tháng 6-2020, tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy và các quận ủy - huyện ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy tiếp nhận trên 3.700 thông tin từ 4 nguồn (thông tin báo chí, ý kiến cử tri, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo). Trong đó, phản ánh về việc thực hiện chức trách, công vụ chiếm đa số. Qua đó, xử lý kỷ luật về mặt Đảng đối với 6 tổ chức và 288 đảng viên (khiển trách 171 đảng viên, cảnh cáo 91, cách chức 17, khai trừ 9) và xử lý kỷ luật về mặt chính quyền 352 trường hợp (khiển trách 150 trường hợp, cảnh cáo 78, cách chức 20, buộc thôi việc, sa thải 25…). Ngoài ra, có 4 trường hợp chuyển cơ quan pháp luật xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các tin khác