TPHCM sáng tạo bứt tốc phát triển-Tăng tốc số hóa dữ liệu phục vụ người dân

(ĐTTCO) - TPHCM đang tích cực xây dựng đô thị thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Để đạt mục tiêu này, yếu tố đầu tiên cần có chính là cơ sở dữ liệu được số hóa đầy đủ, đồng bộ và thống nhất. 
Giải quyết thủ tục hành chính tại BHXH TPHCM đã bớt nhiều giấy tờ nhờ số hóa dữ liệu Ảnh: Mạnh Hòa
Giải quyết thủ tục hành chính tại BHXH TPHCM đã bớt nhiều giấy tờ nhờ số hóa dữ liệu Ảnh: Mạnh Hòa
Trong dòng chảy chung, các đơn vị, địa phương tại TPHCM đang nỗ lực tăng tốc số hóa dữ liệu, phục vụ công tác quản lý nhà nước và quan trọng hơn là nhằm nâng chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Không cần mang giấy tờ bản giấy
Tại Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM, thời gian qua, cơ quan này đã đồng loạt cập nhật dữ liệu hơn 8,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), hơn 2,4 triệu người tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp… vào cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm. Ngành BHXH thành phố cũng liên thông dữ liệu với các cơ sở khám chữa bệnh và bàn giao toàn bộ CSDL cho ngành y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử.
Đặc biệt, ngành BHXH và ngành công an đã từng bước đồng bộ hóa CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Bằng cách này, người dân trong cả nước nói chung và TPHCM nói riêng có thể khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân có gắn chip thay cho thẻ BHYT.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM, cho biết, nhờ hoàn thiện dữ liệu sớm, ngành BHXH đã triển khai hàng loạt ứng dụng, tiện ích đi vào cuộc sống, phục vụ người dân. Trong đó, ứng dụng VssID (BHXH số) được hàng triệu người cài đặt, đứng thứ 7 trong tốp 10 các ứng dụng miễn phí được yêu thích nhất trên kho ứng dụng. Với ứng dụng này, người lao động có thể sử dụng thẻ BHYT trên điện thoại để khám chữa bệnh mà không cần xài thẻ BHYT giấy.
“Lâu nay, tôi không còn dùng thẻ BHYT giấy mà sử dụng thẻ BHYT số có sẵn trên ứng dụng VssID. Thẻ BHYT số thì ở bất kỳ đâu cũng sử dụng được và không sợ quên, không sợ mất thẻ khi đi khám chữa bệnh, ông Nguyễn Phương Nam (ngụ quận Gò Vấp) nhận xét. 
Tại quận Bình Thạnh, bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận, thông tin, quận đã cập nhật dữ liệu dân cư trên 450.000 nhân khẩu với 120.000 hộ dân. Đây là dữ liệu từ công an quận, được lấy làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quản lý nhân hộ khẩu, cập nhật danh sách F0, danh sách người có nguy cơ cao với dịch Covid-19, chi trả hỗ trợ người dân trong thời điểm phòng chống dịch…
Tại quận 1, công tác số hóa dữ liệu hộ tịch đã hoàn thành từ tháng 6-2021. Ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận 1, cho biết, quận đang chuẩn bị chỉnh lý và số hóa hồ sơ nhà đất. Trong đó, số hóa CSDL nhà đất là một bước tiến quan trọng để việc giải quyết hồ sơ nhà đất của người dân được nhanh chóng, thuận tiện hơn. Trong khi đó, huyện Bình Chánh cũng đang tích cực xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh để kịp khánh thành dịp 30-4 năm nay. CSDL được số hóa hoàn chỉnh chính là “trái tim” để trung tâm hoạt động hiệu quả. 
Tương tự, tại TP Thủ Đức, để Trung tâm điều hành đô thị thông minh hoạt động hiệu quả, địa phương đang tích cực hoàn thiện những công đoạn sau cùng tập hợp dữ liệu. Từ hệ thống dữ liệu được số hóa, hoàn thiện, thống nhất, có thể giúp lãnh đạo TP Thủ Đức phân tích tình hình liên lĩnh vực và ra các quyết định phù hợp. Tại quận 5, việc số hóa dữ liệu nhà ở giai đoạn 3 đã tiến hành đạt khoảng 90%. Quận cũng đang số hóa dữ liệu lưu trữ của UBND quận, và thời gian tới sẽ tập trung số hóa ở những lĩnh vực người dân có nhu cầu lớn như đất đai, xây dựng.
Người dân, doanh nghiệp cùng khai thác dữ liệu
Tính đến cuối năm 2021, TPHCM có số lượng bản ghi đưa vào CSDL hộ tịch là gần 13,6 triệu bản. TPHCM cũng đã hoàn tất việc số hóa Sổ hộ tịch, chuyển dữ liệu về Bộ Tư pháp. Đồng thời, Sở TT-TT TPHCM và Sở Tư pháp TPHCM đang phối hợp xây dựng phương án khai thác CSDL hộ tịch để giúp người dân không cần cung cấp cho cơ quan nhà nước các bản sao giấy tờ liên quan đến hộ tịch khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Kho dữ liệu dùng chung là một tài nguyên quý giá. Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết, sở đã triển khai thử nghiệm Cổng dữ liệu của thành phố tại địa chỉ https://data.hochiminhcity.gov.vn.
Cổng này thực hiện chia sẻ dữ liệu cho các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức cùng khai thác, sử dụng.  Đặc biệt, một phần kho dữ liệu dùng chung đang được chia sẻ qua Cổng dữ liệu mở của thành phố để người dân, tổ chức, doanh nghiệp khai thác sử dụng nhằm tạo giá trị gia tăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 
Đến nay, kho dữ liệu dùng chung và nền tảng liên thông tích hợp (HCM LGSP) đã kết nối 41 đơn vị, có 138 dịch vụ chia sẻ, 222 dịch vụ dùng chung, 84 dịch vụ tích hợp, trao đổi gần 1 triệu hồ sơ và xử lý gần 1 triệu yêu cầu/ngày. Theo bà Võ Thị Trung Trinh, năm 2022, TPHCM tiếp tục hình thành Kho dữ liệu về phòng chống dịch, bao gồm dữ liệu người dân, khai báo y tế, tiêm vaccine, xét nghiệm, quản lý F0, tình hình điều trị, an sinh xã hội…
Cùng với đó, TPHCM tiếp tục khai thác dữ liệu phòng chống dịch và khôi phục kinh tế. Cụ thể là phân tích, giám sát, theo dõi F0 điều trị tại nhà, điều trị tại cơ sở y tế, năng lực y tế; ứng dụng mô phỏng, dự báo các kịch bản đóng/mở các lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh theo diễn tiến dịch… TPHCM cũng tiếp tục hình thành và khai thác CSDL người dân từ các nguồn dữ liệu hiện hữu, CSDL doanh nghiệp, CSDL bản đồ số…

Các tin khác