TPHCM thúc đẩy các dự án trọng điểm

(ĐTTCO)-Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, năm 2020 là năm Đảng bộ TP tập trung thúc đẩy các dự án trọng điểm khi trong năm dự kiến hoàn thành, khởi công 71 dự án với tổng mức đầu tư trên 62.000 tỷ đồng. 
TPHCM thúc đẩy các dự án trọng điểm

Chiều 12-3, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì buổi giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND TP với thường trực các quận huyện ủy.

Cùng tham dự có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy.

Hội nghị trực tuyến được tổ chức tại 26 điểm cầu, trong đó có 2 điểm cầu tại TP và 24 quận huyện.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, từ đầu năm 2020 đến nay, TPHCM thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, nhất là dồn sức lo chăm lo Tết Nguyên đán và phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy vậy, các đơn vị đã có sự tập trung triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả như chuyển hóa thêm nhiều điểm đen về rác thải. Đến nay, toàn TPHCM có 715/761 điểm đen ô nhiễm (gần 94%) về rác đã được chuyển hóa thành công viên, khu vui chơi cho người dân. Do đó, các địa phương phải tiếp tục xử lý những điểm đen còn lại và phải giữ được các điểm đã chuyển hóa, không để tái ô nhiễm. Đánh giá cao kết quả thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU trong thời gian qua khi số vụ vi phạm xây dựng giảm gần 60% so với trước khi chỉ thị được ban hành, đồng chí cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung để trước khi tổ chức đại hội đảng bộ các quận huyện thì số vụ xây dựng trái phép trên địa bàn cơ bản phải được khắc phục.

TPHCM thúc đẩy các dự án trọng điểm ảnh 1Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, năm 2020 là năm Đảng bộ TP tập trung thúc đẩy các dự án trọng điểm khi trong năm dự kiến hoàn thành, khởi công 71 dự án với tổng mức đầu tư trên 62.000 tỷ đồng. Cùng với đó là việc chuẩn bị 65 dự án với tổng mức đầu tư hơn 254.000 tỷ đồng. “Chúng ta đang chuẩn bị nhịp thúc đẩy đầu tư cho 3 năm liền tính từ năm 2020”, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh. Do đó, với việc Chính phủ cho phép TPHCM thực hiện quy trình rút gọn trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư thì TPCHM sẽ có điều kiện thực hiện các dự án nhanh hơn trong thời gian sắp tới.

Liên quan việc tổ chức đại hội Đảng các cấp, đồng chí lưu ý một số trường hợp liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước như lĩnh vực đất đai, xây dựng đang xác định trách nhiệm của một số lãnh đạo quận - huyện. Do đó, ngành kiểm tra Đảng của TP phải thực hiện khẩn trương và có kết luận trước khi tổ chức đại hội. Cùng với đó, qua việc tổ chức đại hội thí điểm cho thấy, quá trình tổ chức đại hội Đảng cần tổ chức lấy ý kiến người dân về mong muốn, gửi gắm đến đại hội. Có như thế, đại hội Đảng mới là “đại hội của nhân dân”, từ đó mới có các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đáp ứng lòng dân. “Chuẩn bị đại hội Đảng cũng phải gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội của năm, đặc biệt là tập trung đợt thi đua 200 ngày thực hiện 10 đầu việc trọng tâm”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Liên quan đến việc phòng chống dịch Covid-19, đồng chí Bí thư Nguyễn Thiện Nhân lý giải về sự tập trung cao độ mà TPHCM đang thực hiện, trong đó có biện pháp các đại biểu dự họp phải đeo khẩu trang, dù tình hình “có vẻ vẫn bình yên”. Cụ thể, đồng chí dẫn chứng các số liệu thống kê ở các nước có dịch, chỉ chưa đầy một tuần số ca nhiễm tăng từ 100 lên 1.000 và khoảng 10-15 ngày sau đó đã tăng thành 10.000 ca. Với tốc độ tăng như vậy thì phải tìm cách ngăn chặn và giữ để tình hình không vượt quá khả năng phòng chống dịch của ngành y tế.

Hiện TPHCM đã có kịch bản tương đối an toàn, có độ dự trữ, khi từ tháng 5-2020, TP sẽ có khoảng 24.000 chỗ phục vụ cách ly. Tuy nhiên, toàn bộ các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm của TP (gần 350 người) làm việc 3 ca cũng chỉ có thể chữa trị cho 600 bệnh nhân. Do đó, ngành y tế tổ chức tập huấn các bác sĩ nội khoa để giảm tải cho các bác sĩ chuyên khoa nhiễm; đồng thời chuẩn bị thêm giường ở các khoa lây nhiễm. Song, dù tăng gấp đôi số bác sĩ và số giường bệnh thì ngưỡng kiểm soát tốt của TP chỉ dừng ở việc điều trị cùng lúc 1.000 ca bệnh. “Muốn TP “êm” đừng để số người nhiễm vượt con số 1.000”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phân tích và mong muốn, bên cạnh việc mỗi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch thì những người làm trong bộ máy Đảng, Nhà nước tự bảo vệ mình, không để bị lây nhiễm.

TPHCM thúc đẩy các dự án trọng điểm ảnh 2Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tại hội nghị, đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, khẳng định, trong thời gian qua, TP đã triển khai quyết liệt, đồng bộ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đến nay, TPHCM có 4 ca dương tính (3 ca đã chữa trị thành công), đều do xâm nhập từ bên ngoài. Theo đồng chí, thời gian qua TPHCM có sự tập trung, quyết liệt từ TP đến cơ sở; đồng thời thực hiện các hoạt động giám sát cộng đồng, giám sát cách ly kịp thời. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 ở nước ta đang bước vào giai đoạn mới khó lường, với nguy cơ cao lây lan trong cộng đồng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp. Đáng chú ý là việc tuyệt đối không để lây nhiễm cho nhân viên y tế trong quá trình chống dịch cũng như người nhà của nhân viên y tế.

Tại hội nghị, các địa phương cũng chia sẻ thêm về một số giải pháp phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt Bí thư Quận ủy Thủ Đức Nguyễn Mạnh Cường thông tin về kế hoạch quận đang thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội nhằm chia sẻ khó khăn với công nhân, người lao động trên địa bàn trong đợt phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi đó, đồng chí Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy quận 1, đề xuất tạm ngưng hoạt động các quán bar, vũ trường và chỉ cho hoạt động trở lại sau khi tình hình dịch Covid-19 khả quan hơn. Đồng chí Trần Văn Thuận, Bí thư Quận ủy quận 2 cho biết quận đang cách ly 82 trường hợp, trong đó có 41 trường hợp là người nước ngoài. Những trường hợp không hợp tác, quận rất kiên quyết, có thể cưỡng chế cách ly sau khi vận động thuyết phục không được.

Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh đến yêu cầu thực hiện cách ly nghiêm ngặt, tránh gây lo lắng cho người dân cũng như nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Cùng với đó, Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế, kể cả các phòng khám tư nhân phải chủ động trong việc khám, điều trị để sớm phát hiện các trường hợp nhiễm Covid-19. Việc này nhằm ngăn chặn người nhiễm Covid-19 “đi lòng vòng” như ca nhiễm 17 ở Hà Nội hoặc người nước ngoài ở Đà Nẵng…

Thông tin thêm về kết quả thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định, sau 6 tháng triển khai thực hiện, bình quân còn 3,5 vụ vi phạm trật tự xây dựng/ngày, còn trước khi có Chỉ thị là 8,6 vụ/ngày. Như vậy, đã giảm 5,1 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 59,46%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ như việc phối hợp ngăn chặn công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa được thống nhất. Việc chấp hành và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chưa cao, phần lớn các đơn vị không muốn thực hiện việc cưỡng chế… Một trong những nhiệm vụ sắp tới là sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy thanh tra xây dựng và đội quản lý trật tự đô thị; quy trình phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng; cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng có tính chất, quy mô vi phạm lớn, nghiêm trọng.

Về việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, đồng chí Võ Văn Hoan cũng chỉ rõ hành vi xả rác ra nơi công cộng vẫn còn, rác thải vẫn tồn đọng tại nơi công cộng. Đồng thời, công tác quản lý nhà nước chưa đi vào chiều sâu, thiếu tính kiên trì, chưa có giải pháp xử lý căn cơ, trong khi công tác xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường chưa đủ sức răn đe.

Đồng chí Võ Văn Hoan cũng thông tin tóm tắt tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương); tiến độ thực hiện 4 đoạn của dự án đường vành đai 2. Trong đó, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đã được khởi công tháng 12-2017 nhưng hiện chỉ bồi thường đạt 64% và xây lắp được 42%. “Tiến độ thực hiện chậm so với kế hoạch, do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm”, đồng chí Võ Văn Hoan nhận xét và cho biết, trường hợp bàn giao mặt bằng thi công trong quý II-2020 thì công trình sẽ hoàn thành trong quý II-2021.

Theo đồng chí Võ Văn Hoan, trong năm 2020, TP sẽ khởi công 34 dự án quy mô lớn với tổng mức đầu tư là 22.770 tỷ đồng. Trong đó, có 16 dự án dự kiến sẽ khởi công trước Đại hội Đảng bộ TP (trước tháng 10-2020) với tổng mức đầu tư là 10.904 tỷ đồng; dự kiến 18 dự án khởi công sau Đại hội Đảng bộ TP với tổng mức đầu tư gần 11.900 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến 37 dự án quy mô lớn (tổng mức đầu tư trên 39.380 tỷ đồng) sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, Chỉ thị 23-CT/TU có hiệu quả hơn và quyết tâm thực hiện thắng lợi các nội dung thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận, huyện và Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, Sở Tài nguyên - Môi trường phải tiếp tục triển khai, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện đánh giá các tiêu chí, công nhận “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, “phường - xã - thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch” và “công trình, giải pháp, sáng kiến xanh” của các quận - huyện nhằm hưởng ứng đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận - huyện và Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Liên quan đến dịch bệnh Covid-19, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe và tính mạng nhân dân cần phải được ưu tiên hàng đầu. “Trong giai đoạn mới của dịch bệnh Covid-19, mọi vấn đề diễn biến ngày càng phức tạp hơn, khó khăn hơn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan trong cộng đồng”, người đứng đầu UBND TP bày tỏ và đề nghị bí thư các quận - huyện ủy tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc chung tay phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng chính phủ phát động. Trong đó, phải kịp thời phát hiện và thông báo cho các cơ quan chuyên môn đối với những trường hợp có biểu hiện trốn cách ly, nghi ngờ nhiễm bệnh. Công tác chống dịch phải đảm bảo tinh thần khẩn trương, kịp thời, phối hợp đồng bộ, hiệu quả nhưng phải hết sức bình tĩnh và tự tin trong xử lý các tình huống.

Đồng chí cũng yêu cầu Sở Y tế cam kết không để đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang làm công tác phòng chống dịch, nhất là ở các khu cách ly tập trung, bị lây nhiễm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế, số lượng giường bệnh đáp ứng nếu có bùng phát dịch diện rộng. Ngoài ra, Sở Công thương đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa trên địa bàn trong các tình huống, không để xảy ra tình trạng thu gom, tích trữ, đẩy giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Các tin khác