TPHCM: Tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Ngày 10-6, UBND TPHCM tổ chức “Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp (DN) để nghe kiến nghị của các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và bàn giải pháp hỗ trợ DN”. 
Chế biến chuối sấy lạnh xuất khẩu tại Công ty Thuận Phong Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chế biến chuối sấy lạnh xuất khẩu tại Công ty Thuận Phong Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tại hội nghị, hầu hết ý kiến các hiệp hội DN đại diện cho hơn 300.000 DN đang hoạt động trên địa bàn TP đã đề xuất giảm thuế, lãi suất vay vốn và tăng khả năng tiếp cận nguồn vaccine cho công nhân. 
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM. 
“Đuối” vì dịch Covid-19 kéo dài
Đánh giá về hoạt động kinh tế trên địa bàn TP, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận định, 5 tháng đầu năm, kinh tế TP ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Hoạt động thương mại, kim ngạch xuất khẩu, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều có mức tăng trưởng dương. 
Ở chiều ngược lại, TP cũng ghi nhận còn nhiều DN gặp khó khăn, phải ngưng hoạt động sản xuất. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cho biết, từ đầu năm đến nay, có 11.582 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 18,99% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có 1.800 DN rời thị thường. Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên số lượng DN rời thị trường cao kỷ lục so với số mới tham gia.  
Tại hội nghị, có 17 ý kiến của các hiệp hội ngành nghề đại diện cho hơn 300.000 DN gửi đến lãnh đạo TP, đề xuất giải pháp cấp thiết nhằm tiếp sức DN. Phần lớn ý kiến các DN cho rằng, dù một số DN ngành công nghiệp trọng yếu đã kết nối lại được nguồn nguyên liệu và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với điều kiện hiện tại, nhưng phần lớn DN đang đối mặt với áp lực lớn là thiếu vốn, giá nguyên liệu tăng chưa biết điểm dừng. Nhiều DN muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh mua bán online… nhưng thiếu vốn.
Các gói hỗ trợ DN, người lao động lần thứ nhất vẫn chưa có tác động rõ nét đến DN. Một số chính sách giãn thuế, bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất… đã giúp DN bớt khó khăn nhưng thời gian áp dụng ngắn, số lượng không lớn nên chưa thể giúp DN vượt qua khó khăn. Các khoản nợ của DN dù được ngân hàng xem xét cơ cấu lại, cho gia hạn nhưng nhiều ngân hàng chưa xem xét giảm lãi vay cho khoản nợ cũ. 
Ông Chu Tiến Dũng, cho biết thêm khảo sát nhanh của Hiệp hội DN TPHCM trên 100 DN bằng hình thức online cho thấy, hơn 84% DN nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong đó, DN thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.
Đẩy nhanh cơ hội tiếp cận vaccine cho DN
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Xuất khẩu Nam Thái Sơn cho rằng, tiêm vaccine Covid-19 là giải pháp căn cơ để DN duy trì ổn định sản xuất, tháo gỡ khó khăn hiện nay. Để tăng nhanh khả năng tiếp cận nguồn vaccine cho công nhân các DN, TP cần làm việc với các bộ ngành liên quan, sớm tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho nhập khẩu vaccine. Đây là cơ sở để DN chủ động đàm phán, nhập khẩu nguồn vaccine để tiêm cho công nhân của mình. Các DN chịu trách nhiệm việc nhập khẩu và sử dụng nguồn vaccine. Đây cũng là giải pháp hiệu quả mà DN có thể tham gia và chia sẻ khó khăn cùng với TP. Đồng quan điểm, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM khẩn thiết kiến nghị TP xem xét hỗ trợ tiêm phòng cho công nhân, tránh nguy cơ DN “chết đột ngột” do bị phong tỏa, cách ly vì có công nhân bị rơi vào trường hợp F0, F1.  
Ở góc độ khác, bà Đặng Minh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Phương logistics cho rằng, hầu hết DN, đặc biệt là DN sản xuất lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đang gồng để không tăng giá bán, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân. Rất mong TP xem xét tạm dừng tăng phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu, cảng biển, nhất là tại các cảng biển trên địa bàn TPHCM và kéo dài thời gian bắt đầu thu phí tăng sang năm 2022. Ngoài ra, đề xuất TP cần làm việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, thậm chí lãi suất 0% để trả lương cho công nhân, các chi phí bảo hiểm y tế, xã hội, thất nghiệp…
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong:
Không để DN gặp khó vì sự chậm trễ của cơ quan chức năng TP

Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Phong ghi nhận sự đóng góp tâm huyết của các DN. Đồng chí giao Sở KH-ĐT chủ trì, làm việc với DN từng ngành nghề, sở ban ngành chuyên môn để nhanh chóng tham mưu cho TP những chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng DN. Vấn đề nào trong phạm vi của TP giải quyết, TP sẽ có biện pháp tháo gỡ ngay. Trường hợp vượt thẩm quyền, TP sẽ kiến nghị Chính phủ tháo gỡ. Kiên quyết không để DN nào vấp phải khó khăn vì sự chậm trễ từ các cơ quan chức năng của TP. 
Riêng về nguồn vaccine Covid-19, TP xác định tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài và chiến lược để duy trì ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Do đó, TP sẽ nỗ lực hết mình cùng với DN đẩy nhanh quá trình tiếp cận vaccine cho người dân. Cố gắng thực hiện tiêm cho 2/3 người dân TP trong năm 2021. Qua đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng cảm ơn sự đồng lòng của người dân TP. Đồng thời kêu gọi sự chia sẻ của người dân và cộng đồng DN bởi trong bối cảnh hiện tại, TP đang phải chấp nhận hy sinh một phần phát triển kinh tế để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng người dân trên toàn TP. 

Các tin khác