Trần nợ công tối đa 60% GDP 5 năm tới

(ĐTTCO)-5 năm tới, ngân sách Nhà nước dự kiến trần nợ công và nợ Chính phủ lần lượt không quá 60% và 50% GDP, nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45%.
Trần nợ công tối đa 60% GDP 5 năm tới

Tại phiên họp ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm tới. Theo đó, mức thu trong 5 năm tới sẽ gấp 1,2 lần 5 năm qua, ở mức 8,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 16%, trong đó từ thuế phí khoảng 13,4%.

Mức chi ngân sách 5 năm tới là 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 2,87 triệu tỷ đồng (28%), chi thường xuyên khoảng 6,4 triệu tỷ đồng (60%). Bội chi bình quân 5 năm là 3,7% GDP.

Trần nợ công không quá 60% GDP, thấp hơn so với giai đoạn 2016 - 2020 (65% GDP). Nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45%. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách bình quân không quá 25%.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn, dự kiến vốn cho cả giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong số này, ngân sách dự chi 100.000 tỷ đồng cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn mới và giảm nghèo, an sinh xã hội.

Chính phủ cũng dự kiến dành 183.253 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho các dự án quan trọng quốc gia. Dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 1 và dự án hồ chứa nước Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) được ngân sách bố trí gần 65.800 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam sẽ được "rót" 38.000 tỷ đồng. Gần 78.800 tỷ đồng còn lại dành đầu tư các dự án cao tốc đường bộ khác.

Danh sách dự án để chi tiền đã có, song theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, báo cáo của Chính phủ bỏ sót một nội dung quan trọng là công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai Luật Đầu tư công.

Ông nói, việc chuẩn bị cho đầu tư các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia đang rất chậm. Nhiều dự án tới giờ chưa rõ hình dáng khi chưa có danh mục dự án. "Xoay đi, xoay lại là gần hết năm thứ nhất của kế hoạch 5 năm rồi. Sau này chậm là do chúng ta", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Từ đó, ông đề nghị công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia phải đẩy mạnh hơn nữa. "Không chuẩn bị tốt, không có danh mục thì có tiền cũng không giao vốn được", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói thêm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đánh giá lại việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tránh tình trạng chỉ đề nghị chính sách chi mà không chú ý tới chính sách thu, trong khi thu mới tạo nguồn lực phát triển.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần khắc phục cả 2 khuynh hướng. Một là, bảo thủ, sai không sửa. Hai là, đổ thừa cho cơ chế. "Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Vướng chỗ nào phải chỉ ra, xác định rõ sửa cái gì, sửa như thế nào... không phải chỉ nêu ra rồi đổ thừa cho thể chế", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

    Các tin khác