TS. BS Trần Tuấn: 'Phải thích ứng Covid-19, gỡ bỏ phong tỏa'

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS.BS TRẦN TUẤN, chuyên gia y tế công cộng, nhận xét đã đến lúc phải thẳng thắn nhận diện những hạn chế trong phương pháp phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua, để từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới lựa chọn các phương án gỡ bỏ phong tỏa và giãn cách xã hội, đưa người dân trở về cuộc sống bình thường mới và phát triển kinh tế.

TPHCM chiều 30-9 đã bắt đầu áp dụng gỡ bỏ phong tỏa các tuyến đường.
TPHCM chiều 30-9 đã bắt đầu áp dụng gỡ bỏ phong tỏa các tuyến đường.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, thời gian qua có ý kiến cho rằng các biện pháp siết chặt kiểm soát (cả về y tế lẫn hành chính) của một số tỉnh phía Nam kéo dài (hơn 100 ngày) đã gây nên những bất cập và hệ lụy cho cả kinh tế lẫn đời sống sinh hoạt của người dân. Đặc biệt một số biện pháp kiểm soát y tế có thể chưa phù hợp với thực tế, cần được điều chỉnh lại. Ý kiến của ông về vấn đề này?
TS.BS TRẦN TUẤN: - Phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua tại một số tỉnh thành phía Nam có nhiều điểm phải rút kinh nghiệm sâu sắc, đặc biệt về chuyên môn phòng chống dịch của ngành y tế và khả năng của hệ thống bảo vệ người nghèo, vùng nghèo chịu hệ lụy của phong tỏa.
Hạn chế thứ nhất, công tác chẩn đoán sự lưu hành của dịch bệnh rất thiếu chuyên môn, dịch tễ học. Đó là khi dịch đã chuyển sang hình thái dịch nội sinh, phát tán rộng trong cộng đồng nhiều ngày ngay từ tháng 4 và 5, nhưng sang tháng 6 và 7 chúng ta vẫn dùng lối mòn chống dịch như hình thái dịch ngoại xâm năm 2020.
Thiếu hoàn toàn vai trò của nghiên cứu khoa học, cả khoa học dịch tễ học và khoa học vận hành hiệu quả hệ thống phòng chống dịch bệnh thời 4.0 để ứng phó với biến chủng Delta có hệ số lây nhiễm R0/Re cao, thời gian gấp đôi số nhiễm chỉ trong vòng vài ngày và phát triển theo cấp số nhân, hàm số mũ.
Điều này khiến công tác phòng chống dịch rơi vào duy ý chí khi ra sức xét nghiệm tìm F0, truy vết, cách ly tập trung, phong tỏa diện rộng, mong ngăn được sự lan truyền của dịch. Trong khi dịch thực chất đã lan truyền rất rộng khắp TP, tạo tảng băng chìm lớn, số F0 tìm thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Hệ quả, khi thực tế dịch bùng phát, số ca bệnh tăng cao nhập viện cấp cứu đã không kịp trở tay, khủng hoảng hệ thống điều trị cả ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu và tuyến bệnh viện hồi sức cấp cứu, gây tăng tỷ lệ tử vong.
Hạn chế thứ 2, dịch diễn ra mấy tháng trời mà không có kế hoạch tổng thể xây dựng đi theo hướng dẫn khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gây lúng túng, bị động. Có những giai đoạn như trong tháng 8 đã lộ rõ khủng hoảng diện rộng cả ở hệ thống y tế, hệ thống an sinh xã hội, đe dọa an ninh trật tự xã hội, khiến người dân hoang mang.
Hạn chế thứ 3, khả năng tổ chức hệ thống phòng chống dịch thời gian đầu không được dẫn đường bởi khoa học dịch tễ học, lầm lẫn giữa các khái niệm cơ bản trong khoa học phòng chống dịch, như khái niệm nhiễm trùng đồng hóa với khái niệm bệnh, cách ly y tế bao trùm cả theo dõi kiểm dịch, giãn cách xã hội lẫn lộn với phong tỏa…, dẫn đến có những quyết sách sai, tạo áp lực không đáng có lên hệ thống y tế.
Thí dụ, việc đưa hết các trường hợp F0, F1, F2 vào bệnh viện, huy động nhân lực y tế lệch hẳn sang tập trung làm test truy vết F0, thực hiện phong tỏa dài ngày cả những bệnh viện lớn không cần thiết khi xuất hiện vài trường hợp F0, thậm chí cả F1…
Hạn chế thứ 4, phong tỏa không có kế hoạch bảo đảm đời sống an sinh thiết yếu, đặc biệt cho nhóm người nghèo, vùng nghèo, khiến tạo ra nhiều chính sách đối phó, gây tăng thêm nguy cơ lan tràn dịch trên diện rộng.
Hạn chế thứ 5, công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy năng lực nghiên cứu định hướng chính sách vận hành hệ thống hiệu quả hoàn toàn thiếu vắng.
Hệ thống y tế cơ sở bị bỏ rơi chức năng dự phòng, hệ thống giám sát dịch bệnh không hoạt động theo đúng nguyên lý y học dự phòng, các viện nghiên cứu mờ nhạt trong vai trò thực hiện nghiên cứu tạo bằng chứng cho phát triển chính sách giải quyết đúng vấn đề thực tế.
Hệ thống bảo trợ xã hội thuộc ngành lao động-thương binh-xã hội rất thụ động, không chia sẻ gánh nặng với ngành y, không có khả năng đáp ứng được yêu cầu thực tế.
- Dư luận cho rằng biện pháp dùng kit test nhanh đại trà để lọc F0 không phù hợp do dân cư nhiều vùng đông đúc, phân bố cư trú khá phức tạp, chi phí tốn kém, cơ sở y tế khó đáp ứng… Quan điểm của ông về vấn đế này?
Cần tiên lượng tình hình dịch sát thực tế, giúp cân nhắc lựa chọn các phương án phù hợp gỡ bỏ phong tỏa và giãn cách xã hội, đưa người dân trở về cuộc sống bình thường mới.
- Từ ngày 17-8 đến 10-9 chúng tôi đã có 3 thư kiến nghị gửi lãnh đạo Nhà nước, Thủ tướng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, chúng tôi kiến nghị nhiều lần chỉ làm xét nghiệm khi có chỉ điểm dịch tễ, tức trên các đối tượng nghi ngờ dấu hiệu lâm sàng của bệnh hay nguy cơ lây nhiễm cao, hoặc xét nghiệm cho mục tiêu nghiên cứu định hướng chính sách.
Không nên xét nghiệm toàn cộng đồng, toàn dân, cho mục tiêu phát hiện và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng như đã làm ở Hà Nội và TPHCM. Bởi không thể lấy chỉ định xét nghiệm trong điều tra ổ dịch phát sinh làm chiến lược chủ đạo chống dịch, việc này vừa tốn kém vừa không khoa học.
Khi dịch đã ở dạng nội sinh tự lan truyền trong cộng đồng, với chủng virus Delta lây rất nhanh và dễ dàng qua hơi thở, sẽ không bao giờ đạt mục tiêu “tìm hết, bóc tách hết F0 trong cộng đồng”. Bởi đây là công việc quá lớn, trong khi khả năng tìm ra kết quả xét nghiệm gặp âm tính giả, dương tính giả rất cao, do giới hạn của test về độ nhạy, độ đặc hiệu.
Người dân phản ánh nguy cơ lây nhiễm khi đi làm xét nghiệm tập trung là chính xác. Liên quan tới chỉ định xét nghiệm rộng rãi kéo dài trong thời gian qua, thực chất là lạm dụng xét nghiệm cho mục tiêu thương mại hơn là giá trị góp phần phòng chống dịch hiệu quả.
- Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng “rezo Covid-19” là bất khả, thay vào đó nên là sống chung và có biện pháp phòng chống phù hợp, thưa ông?
- Đây là thực tế khách quan, không đồng ý cũng không được. Đơn cử như virus sởi, dù cơ thể có miễn dịch tự nhiên rất lâu bền (hàng chục năm, suốt đời), vaccine có hiệu lực bảo vệ rất cao, bao năm nay tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới và ngay cả Việt Nam đạt mức độ bao phủ 80-90% trở lên ngay từ giai đoạn 1.000 ngày đầu đời của trẻ.
Hiện thế giới còn chưa thanh toán hết được, vẫn phải sống chung với virus sởi. Như vậy với virus Sars-Cov-2 với khả năng đột biến rất cao, xuất hiện nhiều biến thể như Delta và có khả năng hơn cả Delta, tất nhiên cũng không ngoại lệ.
Các nghiên cứu khoa học gần đây đã khiến nhóm chuyên gia SAGE tư vấn khoa học độc lập cho Chính phủ Anh đi đến khẳng định, không thể loại trừ được hoàn toàn virus Sars-Cov-2 khỏi đời sống con người, ngay cả khi chúng ta tiêm đủ liều vaccine phủ cả 100% dân số virus vẫn tiếp tục lan truyền giữa người với người, thậm chí còn sinh ra các biến thể mới với những đặc tính mới vượt cả chủng Delta, đến độ vaccine cũng trở nên bị vô hiệu hóa, thuốc chống virus cũng không có tác dụng và tỷ lệ tử vong thậm chí có thể gia tăng lên tới 10% (thay vì 1% hiện nay).
Các nước trên thế giới đang cố gắng đưa tỷ lệ bao phủ vaccine lên cao nhất, rồi tập trung tăng năng lực dự phòng cá nhân và năng lực điều trị của hệ thống y tế từ tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu tới toàn hệ thống điều trị.
Họ chấp nhận tình trạng virus lan tràn. Tức trước sau ai cũng nhiễm virus Sars-Cov-2 chủng Delta. Vấn đề, nếu nhiễm sau khi đã tiêm đủ vaccine, xem như 90% không có biểu hiện gì, chỉ 10% có biểu hiện lâm sàng như tình trạng mắc cúm mùa nhẹ.
Vậy nên sống chung an toàn với virus Sars-Cov-2 là chấp nhận tiêm đủ 2 mũi vaccine càng sớm càng tốt, phổ cập toàn dân, đưa dịch Covid-19 trở thành dịch bệnh cúm mùa thông thường trong thời gian sớm nhất có thể.
- Xin cảm ơn ông.
Khi dịch đã ở dạng nội sinh tự lan truyền trong cộng đồng, với chủng virus Delta lây rất nhanh và dễ dàng qua hơi thở, sẽ không bao giờ đạt mục tiêu “tìm hết, bóc tách hết F0 trong cộng đồng”. Bởi đây là công việc quá lớn, trong khi khả năng tìm ra kết quả xét nghiệm gặp âm tính giả, dương tính giả rất cao, do giới hạn của test về độ nhạy, độ đặc hiệu.

Các tin khác