TTCK: Minh bạch - Niềm tin và sức mạnh

(ĐTTCO) - Đã có rất nhiều câu chuyện cũng như kinh nghiệm về huy động vốn được chia sẻ tại Hội nghị “Gateway to Vietnam 2017” do SSI tổ chức, nhưng tất cả đều liên quan đến một yếu tố: Minh bạch.
 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng hoa cho ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn SSI, tại Hội nghị Gateway to Vietnam.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng hoa cho ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn SSI, tại Hội nghị Gateway to Vietnam.

Lợi thế cạnh tranh

Trong phiên thảo luận với chủ đề “Thị trường vốn - Góc nhìn từ người trong cuộc” diễn ra vào đầu giờ chiều ngày 25-10, ông Đỗ Trọng Quỳnh, Tổng giám đốc Vinaconex (VCG), đã tự thống kê trong suốt buổi sáng từ “minh bạch” đã được các diễn giả của hội nghị nhắc đi nhắc lại không dưới 10 lần. Minh bạch không phải là điều quá xa lạ và chuyện DN bất kể loại hình nào cũng phải minh bạch là tất nhiên bởi đã được nói đến trong nhiều năm qua. Vậy tại sao tại hội nghị này từ “minh bạch” lại được nhấn mạnh như vậy? 

 Minh bạch được nhắc nhiều ở đây không mang tính chất hoài niệm hay bàn lùi. Đây có thể xem như chu kỳ thành công nhất định của những DN với quyết tâm minh bạch hóa và cũng là kim chỉ nam xuyên suốt trong hoạt động của DN nói chung và hoạt động gọi vốn đầu tư nói riêng.
Ông Nguyễn Duy Hưng
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI
Nói về chặng đường vượt qua khó khăn của VCG, ngoài việc được các cổ đông rót vốn để giúp DN hồi phục, ông Đỗ Trọng Quỳnh còn tự hào về việc tuân thủ, đảm bảo các loại báo cáo, công bố thông tin của VCG luôn kịp thời, tuân thủ các quy định của UBCKNN. Theo vị Tổng GĐ này, minh bạch không thể là câu chuyện của ngày một ngày hai, mà là cả quá trình được tích luỹ, có những lợi ích nhưng cũng có những sự đánh đổi, nhưng là một xu thế bắt buộc không DN nào có thể đứng ngoài cuộc.  
Trong khi đó, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành VietjetAir (VJC), khẳng định minh bạch là một lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh, thay vì chỉ nằm ở mối quan hệ giữa DN với cổ đông hoặc các cơ quan quản lý. Những ngày đầu tiên của VJC, nguồn vốn còn eo hẹp nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn thống nhất phải xây dựng một hệ thống quản trị DN theo hướng hiện đại bậc nhất và chuẩn bị cho dài hạn.
Theo đó, VJC xác định trong dài hạn sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ nước ngoài vốn đã rất minh bạch trong các thông tin về hoạt động, số liệu kinh doanh. Theo đó, ngoài chuyện xây dựng hệ thống ERP để quản trị DN còn có tác dụng để thống kê, truy xuất số liệu để công bố ra bên ngoài.
“Theo thống kê về tỷ lệ chi phí trên mỗi ghế vận chuyển, VJC nằm trong top 3 hãng hàng không sử dụng chi phí hiệu quả nhất. Và những số liệu này VJC có thể cập nhật bất cứ lúc nào, nhờ vậy có thể đưa ra những giải pháp điều hành một cách phù hợp. Minh bạch để DN có thể tự nhìn lại, tự soi mình và hoàn thiện mình. Hơn nữa, khi các đối thủ đều minh bạch, nếu DN không minh bạch được xem như đã tự thua ngay từ đầu trong việc thu hút NĐT” - ông Khánh nhấn mạnh.  
TTCK: Minh bạch - Niềm tin và sức mạnh ảnh 1 Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch CTCK Sài Gòn SSI. 
 Trong vai trò là người điều phối hội nghị, đại diên SSI đã đặt ra một vấn đề khá thú vị, là trong khi một số định chế tài chính phê phán những DN chưa đủ minh bạch, phía DN lại cho rằng đã làm đủ mọi cách để chia sẻ thông tin với NĐT nhưng dường như họ lại rất khó tính. Bằng kinh nghiệm từ DN của mình đã từng huy động vốn từ các tổ chức tài chính hàng đầu, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI, cho rằng DN cần có cách thể hiện cho sự minh bạch của mình. 
Giải tỏa sức ép
Ông Marco Breu, Tổng giám đốc McKinsey Vietnam, cho rằng DN cần chứng minh được quyết tâm của mình, thể hiện để NĐT thấy được quyết tâm minh bạch, còn chuyện minh bạch như thế nào sẽ có nhiều cách để giải quyết. Đó là việc tìm các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, DN sẽ ngồi lại với NĐT để bàn thảo những giải pháp.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex (PLX), cũng chỉ ra rằng để tránh bị khớp trong minh bạch hóa thông tin, nhất là sau khi cổ phần hóa hoặc lên sàn, DN cần có sự chuẩn bị trước từ nhiều năm. PLX đã đầu tư rất nhiều vào hệ thống ERP trong nhiều năm trước khi lên sàn, thậm chí trước khi cổ phần hóa DN này đã xem việc minh bạch là điều bắt buộc để có thể phát triển.
“PLX hoạt động trong ngành nghề có nhiều tác động đến đời sống xã hội và ngược lại chúng tôi cũng sẽ chịu nhiều áp lực từ thị trường, người tiêu dùng. Những sức ép chỉ được hóa giải khi đôi bên có thể hiểu nhau, mà muốn hiểu nhanh phải minh bạch” - ông Bùi Ngọc Bảo nhấn mạnh. 
TTCK: Minh bạch - Niềm tin và sức mạnh ảnh 2 Hội nghị Gateway to Vietnam thu hút 25 doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam cùng gần 200 quỹ đầu tư trong và ngoài nước tham dự. 
Xung quanh vấn đề minh bạch thông tin, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rủi ro tiềm ẩn, đó là việc kém minh bạch nếu tích tụ trong nhiều năm có thể gây ra những hệ lụy lớn hơn dự tính. Vấn đề ở đây không chỉ nằm ở những thiệt hại tính bằng con số, hoặc việc định tính trong trường hợp DN kém minh bạch. Điều nghiêm trọng hơn là nếu chưa ý thức minh bạch, các DN có thể không học được cách đối mặt và xử lý những khó khăn, cũng như các sức ép từ phía cổ đông, công chúng.
Ông Đỗ Trọng Quỳnh cũng chỉ ra một yếu tố then chốt: “NĐT lẫn các DN đều phải có sự tin tưởng lẫn nhau. Nếu DN vẫn cứ tiết lộ bí mật kinh doanh, hoặc NĐT gây khó dễ, thâu tóm, không dễ để có thể hợp tác với nhau. Theo chiều ngược lại, trường hợp NĐT rót vốn nhưng luôn lo ngại thái quá, chẳng hạn như thất thoát, hoặc không tuân thủ các quy định, dẫn đến nghi kỵ nhau, cả đôi bên đều thiệt hại”.
Thực tế, minh bạch không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Nghĩa là về mặt tư duy của lãnh đạo DN có thể quyết tâm minh bạch hóa ngay lập tức, nhưng để thực hiện và cho công chúng thấy được sẽ cần một thời gian dài. Trong khi đó, áp lực từ phía cổ đông, hay công chúng lại muốn thấy rõ chỉ trong thời gian ngắn. Và đến khi chưa được như kỳ vọng  ban đầu, NĐT đôi khi lại phản ứng một cách thái quá, dù trong thực tế các DN đã rất nỗ lực.  

Các tin khác