Từ chất lượng không khí đến đánh giá lại GDP

(ĐTTCO) - Ngày 13-12, tại cuộc họp báo do Tổng cục Thống kê tổ chức để công bố chính thức kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017, ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) cho biết, ông vừa đến Hà Nội vài ngày và có lẽ do chất lượng không khí kém, ông đã bị ho. 
“Những tác động tiêu cực từ chất lượng môi trường như thế tới đây cũng cần được phản ánh vào GDP”, nhà kinh tế này nhấn mạnh. Một ví dụ khác, Jonathan Pincus nói, khi đến hội nghị này, ông đã sử dụng Google Map và nhờ đó mà việc di chuyển hoàn toàn thuận lợi. Đó là một giá trị mà các phương pháp thống kê hiện nay khó lòng lượng hóa được.
Và đó là cách để vị cố vấn của UNDP khẳng định sự cần thiết phải đánh giá lại quy mô GDP cũng như các chỉ số liên quan, không phải để “hồi tố” về mức độ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và 2016-2020, để có được bức tranh tổng thể xác thực hơn, rõ ràng hơn về những gì đang diễn ra trong nền kinh tế; trở thành thông tin đầu vào hữu ích cho Chính phủ xây dựng khung chính sách hiệu quả hơn, nhà đầu tư và người dùng xây dựng các kế hoạch của mình tốt hơn. Bên cạnh đó, việc đánh giá lại quy mô GDP của Việt Nam còn nhằm mục tiêu chuẩn hóa hệ thống thông tin thống kê phù hợp với thông lệ quốc tế (hệ thống SNA 2008).
Từ chất lượng không khí đến đánh giá lại GDP ảnh 1 Mức độ ô nhiễm bụi mịn ở Hà Nội vẫn còn ở mức cao dù có tác động của không khí lạnh.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, sau khi đánh giá lại, quy mô GDP của nước ta tăng bình quân 25,4% trong giai đoạn 2010-2017. Cụ thể, quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%; tương ứng tăng 935.000 tỷ đồng/năm. Trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất (27,3%); năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất (23,8%); và năm 2017, quy mô GDP sau đánh giá lại đạt 6.294.000 tỷ đồng (số đã công bố trước đây là 5.006.000 tỷ đồng).
Quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan cũng thay đổi. Lý giải nguyên nhân dẫn đến thay đổi quy mô GDP, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, kinh tế Việt Nam từ 2010 đến nay có nhiều chuyển biến, cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá nhanh, phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và tốc độ. Thế nhưng, sự phát triển nhanh của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước, lại chưa được phản ánh kịp thời và đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến quy mô GDP chưa được tính toán đầy đủ.
Trong khi hoàn toàn thống nhất về sự cần thiết đánh giá lại quy mô GDP và coi đây là việc làm phù hợp với thông lệ quốc tế, các ý kiến tại cuộc họp báo đều nhấn mạnh, đây mới chỉ là một bước trong tiến trình hội nhập với chuẩn mực thống kê thế giới NSA 2008. Ngành thống kê còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo tính nhất quán của chuỗi thông tin theo chiều dọc (thời gian) và chiều ngang (giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế).
Những số liệu thống kê cũng không ngoại lệ. Quy mô GDP lớn lên không đơn giản là năng lực của nền kinh tế đã mạnh lên mà có thể “kê cao gối ngủ”. Bằng chứng cho thấy: tốc độ tăng GDP hàng năm vẫn không có biến động lớn so với số đã công bố. Giai đoạn 2010-2017 sau khi đánh giá lại mỗi năm chỉ tăng từ 0,13-0,48 điểm phần trăm.
Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cũng không có sự thay đổi lớn: giai đoạn 2011-2017 là 5,98 (giảm 0,27); giai đoạn 2016-2017 là 6,05 (giảm 0,22), cho thấy nền kinh tế vẫn ì ạch như một cỗ máy tiêu tốn khá nhiều nhiên liệu cho một đơn vị sản phẩm. Năng suất nhân tố tổng hợp bình quân giai đoạn 2015-2017 đóng góp 46,4% trong GDP, nghĩa là thậm chí còn giảm 0,13 điểm phần trăm so với con số đã công bố trước đây.

Các tin khác