Tương lai mịt mờ gỗ Việt

(ĐTTCO) - Năm 2019, xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt kỷ lục khi thu về hơn 11 tỷ USD (tăng gần 107% so với kế hoạch và ghi nhận xuất siêu hơn 8 tỷ USD). Năm 2020, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 12,5 tỷ USD. Song những con số ấn tượng này không đủ để xóa đi âu lo về tương lai mịt mờ của ngành gỗ đang ngày càng hiện hữu rõ nét.
Nguy cơ “trạm trung chuyển”
Năm 2019, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU tiếp tục là 5 thị trường quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch từ 5 thị trường này đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả ngành. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất, nhập khẩu 5,1 tỷ USD mặt hàng gỗ từ Việt Nam, tăng 42% so với kim ngạch năm 2018. Hiện kim ngạch từ Mỹ chiếm 50% trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào tất cả thị trường. 3 thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và EU có tốc độ tăng trưởng về kim ngạch khoảng 10-17% so với 2018. Các mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao bao gồm đồ nội thất, dăm gỗ và các loại ván.  
Dẫu vậy, khi nhìn vào cơ cấu DN xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, điều dễ nhận ra là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), hoặc liên quan đến vốn nước ngoài, vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Theo báo cáo “Đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam 2019: Thực trạng và một khía cạnh chính sách” của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) công bố mới đây, cho thấy năm 2019 có 663 DN FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu (tăng 25% so với năm 2018). Cùng năm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm DN FDI đạt 4,95 tỷ USD, tăng 25% so với kim ngạch xuất khẩu của năm 2018, chiếm gần 48% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành năm 2019 (bảng).
Tương lai mịt mờ gỗ Việt ảnh 1
 Đáng lưu ý, cùng với sự tăng trưởng về xuất khẩu, vốn FDI đầu tư vào ngành gỗ và tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ DN FDI cũng tăng trưởng bất thường. Nguồn đầu tư vốn FDI vào ngành gỗ chủ yếu từ châu Á, đặc biệt từ Trung Quốc. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), năm 2019, tổng số vốn đầu tư đăng ký của DN FDI đạt 6,3 tỷ USD, tăng 13,2% so với tổng vốn đăng ký hết năm 2018.
Đài Loan đứng đầu với 220 DN và tổng vốn đăng ký (1,067 tỷ USD, chiếm 17% tổng số vốn đăng ký của cả khối); tiếp theo là Hồng Kông (58 dự án, 15,2% vốn đầu tư). Dù đứng thứ 5 về tổng vốn đăng ký đầu tư, nhưng Trung Quốc đã vươn lên thứ 2 về lượng DN đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam. Năm 2019, có 56 dự án ngành gỗ có vốn nhà đầu tư Trung Quốc (tăng 2,3 lần so với 2018), với vốn đăng ký đạt 203 triệu USD (tăng 3,4 lần so với 2018).
Nhập khẩu nguyên liệu gỗ cũng tăng theo tỷ lệ thuận với vốn đầu tư FDI. Năm 2019, các DN FDI nhập khẩu gần 820 triệu USD nguyên liệu ngành gỗ (chiếm 32% tổng kim ngạch nhập khẩu ngành gỗ). Trung Quốc là thị trường đứng đầu trong danh sách nguồn cung các mặt hàng gỗ cho DN FDI hoạt động tại Việt Nam. Năm 2019, các DN FDI ngành gỗ nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc với giá trị nhập khẩu hơn 316,1 triệu USD (chiếm 39% tổng kim ngạch nhập khẩu).  Đồng thời, các DN Trung Quốc cũng dẫn đầu nhóm DN FDI về kim ngạch nhập khẩu khi nhập khẩu 156 triệu USD (chiếm 19% tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm DN FDI). 
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của khối DN FDI ngành gỗ, cùng với sự bất thường về tỷ trọng xuất - nhập khẩu những năm qua của khối này, cho thấy những lo ngại về việc Việt Nam trở thành “trạm trung chuyển” để các DN FDI “né thuế” khi xuất khẩu và hưởng lợi, là có cơ sở. Con số xuất khẩu đạt 11,2 tỷ USD trong năm 2019 - mức kỷ lục của ngành gỗ từ trước đến nay - phần lớn đến từ sự đóng góp của khối DN FDI, cũng cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng trong cơ cấu ngành gỗ hiện nay.

Rủi ro về thương mại
Trái ngược với sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhóm DN FDI, nhóm DN nội địa ngành gỗ lại khá èo uột. Ngoài hạn chế về vốn và dây chuyền sản xuất, DN gỗ Việt Nam không làm chủ được nguồn nguyên liệu, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ bên ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc). Dù cả nước hiện có 3 triệu ha rừng nhưng DN chế biến, xuất khẩu đồ gỗ trong nước đã phải nhập đến 80% gỗ nguyên liệu.
Điều này không chỉ phản ánh sự không ổn định về nguyên liệu, còn cho thấy giá trị gia tăng của đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam không cao. Ngoài ra, một số thị trường lớn như Mỹ và EU đòi hỏi khắt khe nhà xuất khẩu đồ gỗ phải có chứng nhận FSC (hệ thống các tiêu chuẩn về chứng nhận nguồn gốc gỗ cho các nhà khai thác), là tiêu chuẩn không dễ áp dụng đối với thực trạng rừng trồng ở Việt Nam.
TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends, tác giả của các báo cáo về  thực trạng ngành gỗ Việt Nam, cho rằng những rủi ro thương mại của xuất khẩu gỗ Việt Nam hiện hữu rõ nét hơn, khi xu hướng bảo hộ phi thuế quan tại các thị trường trọng điểm xuất khẩu gỗ ngày càng siết chặt. Những tín hiệu về gian lận thương mại khi một số mặt hàng gỗ của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, sau đó xuất khẩu vào Mỹ với nhãn mác của Việt Nam, có thể là cái cớ để Mỹ và EU thực hiện các chính sách trừng phạt, dẫn đến khó khăn cho xuất khẩu gỗ của DN nội.
Hiệp định “Tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ” (FLEGT) của EU (Việt Nam đã ký kết), sẽ là rào cản cho các DN xuất khẩu gỗ Việt Nam vào thị trường này. Tương tự, tại Mỹ, Đạo luật Lacey cũng thắt chặt hơn việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm gỗ. Cục Tư pháp Mỹ cũng từng khuyến cáo, nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam chủ yếu được nhập từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar… thường không rõ ràng về nguồn cung cấp. Vì vậy, khi xuất khẩu vào Mỹ, nhiều khả năng những nhà sản xuất, xuất khẩu và bán lẻ đồ gỗ có nguồn gốc đáng nghi ngờ từ Việt Nam có thể bị nước này tịch thu, phạt tiền hoặc cấm xuất khẩu.  

Các tin khác