USD và vàng tăng nóng, VNĐ có chịu áp lực?

(ĐTTCO) - Đồng USD đang tăng nóng trên thị trường thế giới trước sức nóng của chiến sự Nga-Ukraine, cùng lúc sắp đến thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Diễn biến này có ảnh hưởng thế nào đến VNĐ cũng như giá vàng? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông TRẦN THANH HẢI, Chủ tịch HĐQT CTCP Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, xung quanh câu chuyện này.  

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
PHÓNG VIÊN: -  Thưa ông, chiến sự xảy ra đã làm chỉ số USD Index trong tuần qua vượt mức 97. Ông nhìn nhận thế nào độ nóng của đồng bạc xanh và vàng?
Ông TRẦN THANH HẢI:  - Trong vòng một tuần sau khi Nga tấn công vào Ukraine, tức từ ngày 24-2 đến ngày 3-3, chỉ số USD Index đã tăng từ 92 lên trên 97, tức tăng khoảng 6%. Theo đó, tỷ giá USD/EUR cũng tăng, từ 1 EUR đổi được 1,19 USD đã xuống chỉ còn 1,11 USD. Tương tự đối với đồng Yen Nhật, từ 1 USD đổi 110 JPY đến ngày 3-3  đổi 116 JPY. 
Giới tài chính thế giới đánh giá khả năng kinh tế Nga suy sụp đã rõ. Thị trường chứng khoán Nga bốc hơi mạnh, đồng Rúp cũng mất giá mạnh so với USD. Mỹ dẫn đầu liên minh châu Âu ban hành những chính sách trừng phạt kinh tế chống lại cuộc chiến của Nga tại Ukraine có phần được quốc tế thừa nhận và ủng hộ. Chính vì lẽ đó, vị thế đồng USD được đà tăng mạnh và tăng hơn 6% chỉ trong vòng một tuần kể từ ngày 24-2.
Về nguyên tắc, chỉ số USD Index tăng thì giá vàng giảm, nhưng trong trường hợp này giá vàng lại tăng cùng với giá dầu tăng. Giá dầu tăng vì đứt gãy chuỗi cung ứng là điều đã rõ, nhưng vàng vì sao lại tăng? Nguyên nhân do chỉ số USD Index tăng, đồng USD mạnh lên, nhưng đồng thời rủi ro của chiến sự cũng làm cho nhà đầu tư tìm đến nơi trú ẩn an toàn hơn là vàng.
Và cần phải thấy rằng, khi Mỹ và Liên minh châu Âu loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, khiến đồng Rúp mất giá cũng có nghĩa thị trường của đồng USD cũng bị giảm thị phần. Trong chừng mực nào đó, đồng USD bị thu hẹp ở thị trường của Nga. Như vậy, đồng USD cũng có yếu tố để làm yếu bớt. Điều này gọi là “vũ khí hóa đồng USD”. Đây là lý do đẩy giá vàng tăng lên.
Phân tích ở trên nói đến yếu tố trực tiếp là chiến sự Nga-Ukraine. Còn tại Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định, khả năng trên 90% trong tháng 3 này, Fed sẽ nâng lãi suất và đang đắn đo giữa tăng 0,5% hay 0,75%. Hiện nay có hai thuật ngữ đối chọi nhau là inflation (lạm phát) và invasion (cuộc chiến), tuy nhiên Mỹ phải tăng lãi suất, cũng như châu Âu nói chung và Anh nói riêng phải tăng lãi suất.
Việc tăng lãi suất sẽ làm USD Index tiếp tục tăng, có khả năng tăng hơn mức 97 của hiện tại. Khi giá trị đồng USD tăng như vậy, giá vàng sẽ giảm. Cụ thể vàng sẽ tăng lên đến giai đoạn nào đó rồi cuối cùng sẽ giảm do ảnh hưởng bởi quyết định tăng lãi suất của Fed vào tháng 3 này, hoặc có thể đi ngang.
- Theo ông diễn biến này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tỷ giá VNĐ/USD?
- Về tỷ giá trong nước, có một điểm đặc biệt là trong tuần nói trên, tỷ giá USD/VNĐ dao động không nhiều, thậm chí còn tăng một chút. Ở đây cũng nói thêm, Việt Nam xuất nhập khẩu với Nga trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu không lớn. Do vậy, chiến sự Nga-Ukraine không ảnh hưởng nhiều đến kim ngạch xuất nhập khẩu (về mặt hàng dân sự).
Do đó, Việt Nam không ảnh hưởng nhiều trong việc quan hệ với đồng Rúp. Tuy nhiên, Việt Nam xuất siêu sang thị trường Mỹ trong bối cảnh USD Index tăng làm cho tỷ giá USD/VNĐ, so sánh trên tỷ giá niêm yết của Vietcombank có chiều hướng tăng nhẹ. 
Dẫu sao đó cũng chỉ là diễn biến ngắn hạn, xét dài hạn hơn từ đầu tháng 1 đến ngày 3-3, tỷ giá VNĐ/USD đã tăng từ 22.700 đồng/USD lên 22.800 đồng/USD. Từ khi nổ ra chiến sự Nga-Ukraine, tỷ giá mới dao động quanh mức 22.800 đồng/USD. Nói như vậy để thấy vào đầu năm 2022, khi cuộc chiến chưa nổ ra, đã có hiện tượng VNĐ mất giá nhẹ so với đồng USD, vì dự đoán chỉ số USD Index sẽ tăng do tháng 3 khi Fed nâng lãi suất.
Tuy vậy, năm 2021, Việt Nam đạt được tỷ lệ thặng dư xuất siêu sang Mỹ đã làm cho quỹ dự trữ ngoại hối Việt Nam tăng lên, điều đó làm đà tăng của VNĐ so với USD giảm bớt lực, chỉ tăng khoảng 100 đồng.
- Hiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang rất cao, lên đến 13-14 triệu đồng/lượng, liệu điều này có ảnh hưởng gì đến tỷ giá USD/VNĐ  hiện tai và trong dài hạn thưa ông? 
- Về nguyên tắc sau khi có Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng siết chặt việc sản xuất, kinh doanh, huy động và cho vay vàng miếng SJC, cứ mỗi khi giá vàng thế giới tăng hoặc khi giá trong nước và thế giới chênh lệch cao, sẽ đẩy tỷ giá USD/VNĐ tăng lên, VNĐ mất giá so với USD. Bởi vì lúc đó sẽ xuất hiện hiện tượng gom USD để nhập khẩu vàng.
Tuy nhiên, hiện nay chính sách chống vàng hóa của Chính phủ và NHNN đã khá thành công, cộng với việc siết chặt biên mậu chống Covid vừa chống buôn lậu, nên chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã lên đến 13-14 triệu đồng, tỷ giá vẫn không tăng nhiều. 
Trong cuộc họp cuối năm ngoái, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng dự báo lạm phát năm nay có khả năng tăng vì gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ được bơm ra, đồng thời Fed nâng lãi suất làm tăng giá trị đồng USD.
Với hai yếu tố đó cộng với việc nhập khẩu lạm phát, giá một số mặt hàng nguyên nhiên liệu tăng trên thế giới, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số lạm phát sẽ tăng. Vì nguyên nhân này, chắc chắn tỷ giá VNĐ/USD sẽ tăng lên. 
Tỷ giá tăng lên còn vì yếu tố hạn chế nhập khẩu và khuyến khích xuất khẩu. Đây là yếu tố ít được nhắc đến, thông thường phá giá đồng nội tệ nhằm khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Tôi cho rằng trong 6 tháng đầu năm 2022, ngoài yếu tố chỉ số USD Index tăng, giá nguyên nhiên liệu tăng, việc điều chỉnh tỷ giá tăng lên để hạn chế nhập khẩu, tăng xuất khẩu cũng là cách điều hành hay. Việt Nam không chủ động phá giá đồng nội tệ, song trong bối cảnh thế giới như thế phải “tát nước theo mưa” là chính sách hợp lý.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác