Ưu tiên nguồn lực phát triển xe buýt

(ĐTTCO) - Ngày 15-11, Thường trực HĐND TPHCM tổ chức phiên giải trình về tình hình vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn TPHCM. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM chủ trì phiên giải trình. 
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và đại diện các sở, ban, ngành.
Còn nhiều bất cập
Báo cáo tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Giao thông và Vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết: Tính đến tháng 8-2019, TP có 137 tuyến xe buýt, trong đó có 99 tuyến xe buýt có trợ giá và 38 tuyến xe buýt không trợ giá.
Với thực trạng xe buýt ngày càng giảm khách, ông Lâm cho rằng, nhiều năm qua, TP đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động xe buýt còn chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, kinh phí bố trí hàng năm cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhất là công tác duy tu, vị trí bố trí nhà chờ không phù hợp và thuận tiện cho tổ chức các tuyến xe buýt kết nối và trung chuyển.
Ưu tiên nguồn lực phát triển xe buýt ảnh 1 Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi làm việc. 
Bên cạnh đó, một số quận, huyện chưa thực hiện rà soát, bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch trong quá trình lập mới, điều chỉnh bổ sung của các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; tổ chức làn dành riêng, ưu tiên cho xe buýt hoạt động khó triển khai và không tạo được đồng thuận của người dân; chậm triển khai các dự án cầu vượt bộ hành đặc biệt là các tuyến trục quốc lộ và xa lộ Hà Nội, vỉa hè bị lấn chiếm hoặc không có vỉa hè nên điều kiện cho người dân tiếp cận sử dụng xe buýt còn hạn chế.
Tại phiên giải trình, Giám đốc Sở GTVT TP Trần Quang Lâm kiến nghị UBND TPHCM tiếp tục chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận, huyện lưu ý khi lập quy hoạch các khu đô thị mới cần phải thiết kế theo quan điểm ưu tiên bố trí hạ tầng cho giao thông công cộng, hạn chế giao thông cá nhân đối với các dự án; ưu tiên phát triển hệ thống giao thông công cộng tại các khu dân cư mới, khu đô thị, trung tâm thương mại, khu du lịch, các khu chế xuất, khu công nghiệp và trường học. Bên cạnh, từng bước hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông cá nhân với các giải pháp trực tiếp và gián tiếp theo Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM”.
Thành phố chỉ đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án các tuyến metro số 1, 2, 5, tuyến BRT số 1; đồng thời, chỉ đạo UBND các quận, huyện đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đối với các công trình xây dựng bến xe buýt, công trình xây dựng điểm đầu mối điểm trung chuyển hành khách xe buýt đã xác lập vị trí và phê duyệt dự án theo quy định.
Ưu tiên nguồn lực phát triển xe buýt ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan 
phát biểu tại phiên giải trình.
Tại phiên giải trình, đa số các đại biểu cho rằng, cần quy hoạch mạng lưới tuyến, bến bãi, trạm dừng đồng bộ và phủ kín. Cần có các chính sách, cơ chế liên quan hoạt động xe buýt; chính sách thu hút nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng; cần điều chỉnh phương thức trợ giá phù hợp thực tế để đảm bảo hoạt động xe buýt được hiệu quả; tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. Dành quỹ đất thực hiện các dự án xây dựng bến bãi theo hình thức hợp tác công tư PPP; các khu đô thị mới quy hoạch, thiết kế phải đảm bảo các lối tiếp cận thuận tiện cho người dân sử dụng xe buýt. Tóm lại, xe buýt đảm bảo đầy đủ tiện ích cho người sử dụng mới mong thu hút hành khách. 
Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng, nên nghiên cứu trợ giá đầu ra chứ không phải đầu vào như cách làm lâu nay. Có thể nghiên cứu trợ giá theo quý, căn cứ trên tổng số khách, thị trường, tùy đối tượng hành khách, tuyến đường. Nếu trợ giá như vậy chúng ta tránh lãng phí, tăng cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ. Các đơn vị này sẽ phải nâng cao chất lượng để cạnh tranh.
Khuyến khích người dân sử dụng xe buýt
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “UBND TP sẽ tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt về trợ giá, xã hội hóa để kêu gọi đầu tư, hỗ trợ đổi mới phương tiện thân thiện với môi trường; tập trung rà soát lập, phê duyệt quy hoạch và triển khai sử dụng đất tại các quận, huyện trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; nghiên cứu quy hoạch phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng. 
Bên cạnh đó, sắp xếp mạng lưới, tuyến xe buýt phù hợp nhu cầu đi lại của người dân tại từng khu vực, từng thời điểm; tăng cường tổ chức các xe buýt kết nối các khu dân cư mới, trường học, trung tâm thương mại, khu chế xuất, khu công nghiệp, đặc biệt là các tuyến vòng theo tuyến quốc lộ, vành đai… Đồng thời, thực hiện mô hình quản lý và nâng cao năng lực các phương tiện vận tải để cải thiện cung ứng, tăng nhiều tiện ích cho người dân sử dụng phương tiện xe buýt; xử lý nghiêm tình trạng chiếm dụng nhà chờ đảm bảo an toàn cho người đi xe buýt; kiểm soát hạn chế xe cá nhân lưu thông trên địa bàn TP và nghiên cứu đề xuất chuyển dần và đến chấm dứt tất cả xe tải đều lưu thông vào ban đêm hạn chế tai nạn và ùn tắc giao thông.
Phát biểu kết luận tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh: Thường trực HĐND TP thống nhất đánh giá cao về trách nhiệm Sở GTVT, Trung tâm quản lý vận tải hành khách công cộng và UBND 24 quận, huyện tại phiên giải trình. Tuy nhiên, đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho rằng, tình hình vận tải hành khách bằng xe buýt đang có chiều hướng suy giảm, không đạt được chỉ tiêu theo Quyết định 568 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động số 14 của Thành ủy TPHCM. Đó là chưa phát triển hệ thống xe buýt thành phương tiện vận tải hành khách công cộng chủ lực, chất lượng chưa cao. 
Về công tác quản lý nhà nước chưa phát huy được vai trò kiểm soát vận hành và định hướng phát triển. Các chính sách liên quan đến hoạt động xe buýt còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa được điều chỉnh bổ sung kịp thời như phương thức trợ giá chưa phù hợp, doanh thu khoán còn bất cập tỷ lệ năm sau cao hơn năm trước, trong khi hành khách liên tục giảm. Chưa tạo thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của xe buýt. Do đó cần thay đổi phương thức trợ giá, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, khách quan trong phân bổ chi phí cho các đơn vị vận hành. Về thực hiện quy hoạch mạng lưới tuyến, bến bãi, trạm dừng chỉ đạt 21% so với quy hoạch. Các công trình cho hạ tầng phục vụ xe buýt chưa được đầu tư đúng mức và định hướng lâu dài. 
Để khắc phục hàng loạt vấn đề bất cập trên, Thường trực HĐND TP đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành, quận huyện liên quan chủ động phối hợp thực hiện và tham mưu UBND TP những vấn đề liên quan đến hoạt động xe buýt. Cụ thể, sớm xây dựng chương trình kế hoạch nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả và các giải pháp công nghệ cao trong việc quản lý kiểm soát vận hành hệ thống xe buýt. Tiến tới hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng xe buýt. Các sở ngành liên quan phối hợp quận huyện rà soát đánh giá quỹ đất dành cho xe buýt. Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư hạng mục công trình hạ tầng phục vụ xe buýt. Xây dựng kế hoạch nhằm thu hút đầu tư các hạng mục phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng nguồn xã hội hóa. Nhanh chóng hoàn thiện tổng thể hệ thống xe buýt, tăng cường đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người dân, chấm dứt tình trạng trấn lột trên xe buýt.
 Trưởng ban Đô thị HĐND TPHCM Trương Trung Kiên cho biết, 8 tháng đầu năm 2019, khối lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trợ giá ước đạt hơn 131 triệu lượt, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ mới đạt 51% kế hoạch năm 2019. Sản lượng hành khách giảm có nguyên nhân chi phí thu về không đủ để vận hành nên các đơn vị vận tải có tình trạng bỏ tuyến, giảm chuyến, rút thời gian hoạt động, kéo dài giản cách tuyến, hoạt động cầm chừng. Có tuyến còn có nguy cơ ngưng hoạt động.

Các tin khác