Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn

(ĐTTCO) - Ngày 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022.

Kinh tế phục hồi toàn diện

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, 6 tháng đầu năm, kinh tế có bước phục hồi tích cực. Tăng trưởng GDP vượt kịch bản đề ra, trong đó, GDP quý 2 ước tăng 7,72% so với cùng kỳ - cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch. 

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, Bộ KH-ĐT kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (6-6,5%), tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. 

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn ảnh 1Quang cảnh hội nghị. Ảh: VGP

Bộ KH-ĐT cũng đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý 3 cần đạt mức tăng trưởng là 7,9%, quý 4 tăng 5,5%. Kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%, quý 3 phải đạt mức tăng trưởng là 9% và quý 4 tăng 6,3%.

Thảo luận tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, ngân hàng trung ương nhiều nước đều đánh giá lạm phát vẫn chưa lên tới đỉnh điểm, trong khi kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, đòi hỏi các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm phải rất đồng bộ, xác định mục tiêu ưu tiên rõ ràng. Còn theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, hàng hóa trong nước dồi dào, giá cả tuy có tăng nhưng vẫn thấp hơn khu vực và thế giới. Tuy nhiên, tình hình sắp tới còn rất nhiều thách thức. Đặc biệt, nếu dịch bùng phát trở lại thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm là rất nặng nề. Tinh thần chỉ đạo chung là tuyệt đối không chủ quan, lơ là, luôn giữ vững nguyên tắc cơ bản nhưng chủ động, linh hoạt, sáng tạo, biến nguy thành cơ, tận dụng tốt cơ hội để phát triển bền vững. “Thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các cấp, các ngành, các địa phương trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổng hợp, xây dựng đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động cập nhật các kịch bản tăng trưởng; ưu tiên sử dụng chính sách tài khóa, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả như phí, thuế, lệ phí, tăng đầu tư công…; nghiên cứu, tiến hành thận trọng chính sách hỗ trợ về xăng dầu với một số đối tượng. 

Ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn ảnh 2Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt; quản lý chặt chẽ giá cả, phòng chống đầu cơ, tích trữ găm hàng; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, năng lượng; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, sử dụng tiết kiệm năng lượng, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; bảo đảm an ninh lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cùng với đó, bảo đảm ổn định và phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

Thủ tướng chỉ đạo tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện phương án đối với môn Lịch sử ở cấp THPT; ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các tin khác