“Vaccine” cho thương mại quốc tế

(ĐTTCO) - Thương mại quốc tế (TMQT) đang dần phục hồi. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự khác biệt trong trật tự thế giới và đối lập giữa các nước, ít nhất trong ngắn hạn. Vai trò của các đầu tàu trong vòng lưu thông hàng hóa cho thấy vị thế và tính chủ động đối với vấn đề tài trợ vaccine, nhân tố khơi thông dòng chảy thương mại đang tắc nghẽn ở một số mắt xích.

Đối lập về mức độ tiêm chủng vaccine Covid-19 (bình quân đủ hai liều) giữa các nền kinh tế trên thế giới (% dân số), tính đến ngày 6-7-2021. Nguồn: Tô Công Nguyên Bảo, dữ liệu trích xuất từ Airfinity & IMF.
Đối lập về mức độ tiêm chủng vaccine Covid-19 (bình quân đủ hai liều) giữa các nền kinh tế trên thế giới (% dân số), tính đến ngày 6-7-2021. Nguồn: Tô Công Nguyên Bảo, dữ liệu trích xuất từ Airfinity & IMF.
Toàn cảnh TMQT hiện nay
Mặc dù phải đối mặt với sự gián đoạn từ nguồn cung ngắn hạn, nhưng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu vẫn cho thấy những chuyển biến tích cực, được dự báo tăng 9,7% trong năm 2021, đạt mức khoảng 7% trong 2022 (Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF, 2021). Con số này được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra thận trọng hơn, lần lượt ở 8,3% và 6,3%.
Quá trình phục hồi TMQT ban đầu tập trung vào các giao dịch liên quan đến hàng hóa tiêu dùng, thiết bị y tế và tiếp tục đón nhận nhu cầu chi tiêu quay trở lại từ các quốc gia đang triển khai chiến lược sống chung với SARS-CoV-2, đặc biệt tại các nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, hoạt động TMQT vẫn đang bị cản trở bởi chi phí thương mại, đến từ sự tắc nghẽn trong nguồn cung do hoạt động vận chuyển nội địa ngưng trệ bởi các biện pháp giãn cách xã hội, cơn khát container là một thí dụ. Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp, phải chống chịu với làn sóng từ biến thể Delta.
Bên cạnh đó là các thủ tục hải quan rườm rà, trong bối cảnh xuất khẩu thực phẩm, sản phẩm y tế được kiểm soát chặt chẽ (WTO, 2020). Thế giới cũng đang chứng kiến sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ, các biện pháp thuế quan, hạn ngạch tiếp tục được áp dụng.
Đối với khu vực châu Á, phục hồi thương mại đã diễn ra mạnh mẽ trong hơn 1 năm qua, với khối lượng hàng hóa xuất khẩu trong quý đầu tiên năm 2021 tăng 15,4%, cao nhất thế giới. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là nền kinh tế thống trị đà phục hồi so với các nước phương Tây.
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cho thấy, kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 7 tháng năm 2021 tăng 35,1%, một ngoại lệ so với xu hướng của thế giới và vượt trội so với các đầu tàu khác như Mỹ, Đức, Anh, Pháp. 
Còn quá sớm để khẳng định các quốc gia châu Á có thật sự làm thay đổi trật tự thế giới và thương mại toàn cầu. Bởi khi làn sóng dịch bệnh đã và đang lây lan nhanh chóng, đã khiến các nền kinh tế buộc phải co cụm để bảo vệ thành quả và sức khỏe người dân.
Trong đó, một số quốc gia ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam) đang bị tàn phá bởi dịch bệnh, dù đã từng là hình mẫu cho việc kiểm soát đại dịch từ các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội. Hệ lụy này dẫn đến sự đứt gãy, phá vỡ chuỗi cung ứng, đặc biệt đối với lĩnh vực điện tử, thiết bị, hàng hóa tiêu dùng.
Có sự thật phải thừa nhận Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ và có sức ảnh hưởng hơn trong bối cảnh hiện nay. Và nước này đang áp dụng chiến lược “tháo nút” để tránh phụ thuộc vào công xưởng của thế giới đang chững lại.
Vaccine khơi thông các mắt xích
Câu chuyện về sản xuất vaccine đã phần nào cho thấy vai trò của TMQT, vì đây là quy trình sản xuất phức tạp, cần mạng lưới xuyên quốc gia. Điển hình như vaccine Pfizer/BioNTech, các cơ sở sản xuất ở Mỹ và những nước Tây Âu như Ireland, Đức, Bỉ, Pháp, Italia, Thụy Sĩ.
Một thí dụ là quá trình sản xuất các hạt nano lipid để kết hợp với mRNA ở Anh và một số nước châu Âu gần đây, cho thấy sự cần thiết của giao thương quốc tế, dù công nghệ được chuyển giao từ Canada. Điều này cho thấy các quốc gia tận dụng lợi thế tương đối và sự khác biệt của mình, một kiến thức cơ bản trong kinh tế học.
Chuỗi cung ứng vaccine được tạo lập từ các hoạt động TMQT. Các thành phần của vaccine đều được sản xuất ở các nước phát triển ngay từ ban đầu, những nước có tính tương đồng về khoa học, công nghệ, và nguồn lực tài chính. Đây cũng là hàm ý cho mô hình chuyên môn hóa quốc tế, tận dụng lợi thế của từng mắt xích để cứu tính mạng người dân.
Tính đến tháng 7-2021 hơn 40% dân số ở các nền kinh tế phát triển đã được tiêm chủng đầy đủ, một số quốc gia như Mỹ đã tiến đến tiêm mũi thứ 3. Trong khi đó tại các thị trường mới nổi và các nước có thu nhập thấp vẫn chưa bắt kịp (biểu đồ). Đây chính là sự mất cân bằng trong phân bổ nguồn vaccine.
 Chính điều này đã dẫn đến sự phân lập trong phục hồi kinh tế và thương mại, bao gồm nhóm các nước mong chờ mở cửa lại nền kinh tế một cách bình thường vào cuối năm, hầu hết là các nước phát triển; nhóm các nước đang thực hiện giãn cách xã hội, phải đối mặt viễn cảnh số ca nhiễm và tử vong tăng, đang chạy đua với việc tiêm chủng quy mô lớn.
Bên cạnh việc chủ động đặt hàng vaccine, nhóm các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp vẫn mong chờ chương trình COVAX Facility đem lại sự cân bằng trong nguồn cung. Tuy nhiên việc này hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng từ các nguồn sẵn có.
Các nước G7 đã cam kết cung ứng khoảng 500 triệu liều trong năm nay. Nhưng con số này vẫn chưa đủ cho mục tiêu tiêm chủng 30% dân số ở 91 quốc gia có thu nhập thấp và 60% dân số ở các nước đang phát triển trong năm nay.
Đây cũng là vấn đề đặt ra cho TMQT, các mắt xích yếu thế cần vaccine để giúp quay về trạng thái bình thường,  giúp dòng chảy thương mại trở nên trơn tru. Từ câu chuyện sản xuất vaccine cho thấy vai trò của lợi thế tương đối, chuyên môn hóa ở mỗi quốc gia và hoạt động TMQT đang cần điều đó. 
Theo đó, ngay lúc này cần có sự đồng bộ về giai đoạn mở cửa của các nền kinh tế, cũng như hạn chế độ trễ trong quá trình tiêm chủng vaccine. Nhiệm vụ này cần sự chủ động từ các đầu tàu trong chuỗi cung ứng quốc tế.
Đó cũng là lý do mà Hiệp hội May mặc - Giày dép Mỹ (AAFA) và 90 nhà quản lý điều hành các thương hiệu, nhãn hiệu lớn trên thế giới như Adidas, Nike, đã gửi thư đề nghị Tổng thống Joe Biden tài trợ thêm vaccine cho Việt Nam. Điều này khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong quan hệ thương mại song phương, là mắt xích quan trọng đối với hàng hóa may mặc, giày dép tại Mỹ.
 AAFA và 90 nhà quản lý điều hành các thương hiệu, nhãn hiệu lớn trên thế giới như Adidas, Nike, đã gửi thư đề nghị Tổng thống Joe Biden tài trợ thêm vaccine cho Việt Nam. Điều này khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam trong quan hệ thương mại song phương.

Các tin khác