Vẫn cách làm cũ, liệu bao nhiêu gói kích thích kinh tế là đủ?

(ĐTTCO)-Trong cuộc họp mới đây với Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dư địa chính sách tài khoá, tiền tệ vẫn còn khá lớn để kích thích tổng cầu. 

Vẫn cách làm cũ, liệu bao nhiêu gói kích thích kinh tế là đủ?
Nhiều quan điểm cũng cho rằng Việt Nam nên triển khai thêm các gói kích thích kinh tế mới để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo ĐTTC có cuộc trao đổi với GS.TS TRẦN NGỌC THƠ.
PHÓNG VIÊN: - Vậy GS. nhận định gì về các đề xuất triển khai các gói kích thích kinh tế mới?
GS. TRẦN NGỌC THƠ: - Việc triển khai các gói kích thích kinh tế tiếp theo, thậm chí một chuỗi các gói kích thích tài khóa tiền tệ là điều không thể loại trừ trước diễn biến quá phức tạp của Covid-19.
Cách đây vài tháng, nhiều quan điểm khá lạc quan trước kịch bản phục hồi kinh tế hình chữ V ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, châu Âu, Nhật Bản, thậm chí ở Việt Nam. Nhưng nay xem ra không thể nói trước được điều gì khi mà làn sóng đại dịch lần 2 có thể phá hỏng toàn bộ các kịch bản tăng trưởng.
Nếu không triển khai tiếp các chương trình mà ta tạm gọi là kích thích kinh tế, để giúp doanh nghiệp (DN) tồn tại, phục hồi và phát triển sau đại dịch, nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái nặng nề.
- Nhưng thưa GS. nếu tiếp tục tập trung vào các gói tài khóa, tiền tệ mà tiếp tục tư duy và cách làm cũ, e rằng mọi việc vẫn không có gì tiến triển?
- Trước hết, phải thấy rằng trong một chừng mực nào đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính (BTC) đã có những phản ứng chính sách trong phạm vi quyền hạn của mình trong việc triển khai các giải pháp tài khóa tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian qua.
Và cũng đúng như nhà báo đặt câu hỏi, nếu vẫn giữ tư duy và cách làm như cũ, có bao nhiêu gói kích thích tung ra tình hình cũng khó lòng biến chuyển.
Thậm chí các gói kích thích kinh tế càng lớn, tiền bơm ra nhiều lại càng có nguy cơ dẫn đến bất ổn hệ thống tài chính và lạm phát tăng tốc. Cho dù nguy cơ lạm phát hiện vẫn đang ở mức thấp và có thể kiểm soát được.
- GS. nói NHNN và BTC “đã có những phản ứng chính sách trong phạm vi quyền hạn của mình”. Không lẽ chỉ có thế thôi sao? 
- Vâng, chỉ có thế. NHNN và BTC đã thực hiện tròn vai. Nhưng chúng ta sẽ nghĩ sao, khi mà đại dịch Covid-19 tạo ra một cú sốc chưa từng có mà chúng ta chỉ mới thực hiện tròn vai?
Công bằng mà nói, thậm chí ngay cả khi NHNN và BTC có muốn làm nhiều hơn nữa cũng rất khó. Một phần vì tư duy chưa đột phá, nhưng chủ yếu vẫn do thể chế khiến không ai dám chịu trách nhiệm để làm điều chưa có tiền lệ.
Chẳng hạn, việc hạ lãi suất NH vẫn còn chưa theo kịp thực tế cuộc sống, thậm chí ngay cả khi lãi suất giảm gần đây, NHNN vẫn kiên quyết quan điểm không hạ thấp chuẩn tín dụng thì làm sao vốn ra được thị trường.
Thật ra, NHNN cũng khó thể làm khác đi. Vì nếu giảm sâu lãi suất, hạ thấp chuẩn tín dụng, sau này nợ xấu tăng mạnh, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Thế cho nên thanh khoản hệ thống NH dư thừa, lãi suất có xu hướng giảm nhưng các DN vẫn không thể tiếp cận vốn.
Nhiều quan điểm cho rằng, so với nhiều nước, chúng ta có nhiều thuận lợi là vẫn còn dư địa để thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ và tài khóa. Nhưng tôi lại không nghĩ như thế.
Ở nhiều nước, thậm chí khi lãi suất chính sách xuống mức 0 và nợ công cũng vượt trần, NH trung ương và BTC các nước vẫn tạo ra các công cụ chính sách tài khóa tiền tệ mới, tự tạo dư địa cho riêng mình để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường.
Ngược lại, liệu ta có thể nói ở Việt Nam lãi suất vẫn còn cao, trần nợ công có xu hướng giảm nên có thể giảm thêm lãi suất chính sách, tăng nợ công và bội chi ngân sách? Nhưng ai cho phép làm, ai chịu trách nhiệm và nếu làm thì phải làm như thế nào.
Nếu nói rằng dư địa chính sách có còn để nới lỏng hay không thì không nên chỉ nhìn vào chỉ số các điều kiện tài khóa tiền tệ, mà phải nhìn vào bản chất các ràng buộc không được thay đổi kịp thời trong thể chế để thích ứng với các diễn biến mới. 
- Vậy theo GS. chẳng lẽ vấn đề này đang bế tắc?
- Chúng ta vẫn còn nhiều cách thức xoay xở trong phạm vi nguồn lực và thể chế cho phép. Theo tôi, thay vì đặt mục tiêu bao nhiêu tiền được bơm ra, mục tiêu các gói kích thích sắp tới là làm sao tối thiểu hóa các ràng buộc và cung ứng tín dụng ra nền kinh tế càng nhiều càng tốt.
Muốn thế, điểm đột phá và chưa từng có tiền lệ là phải đưa bảng cân đối kế toán của NHNN và BTC về chung một mối.
Trong thời bình, bảng cân đối kế toán của NHNN và BTC được tách riêng ra để mỗi chính sách tài khóa và tiền tệ thực hiện nhiệm vụ riêng của mình. Nhưng giờ là “thời chiến”, chúng phải được gộp chung. Theo đó, NHNN có thể thực hiện thay một vài chính sách của BTC.
Đây là một vấn đề rất lớn, cần phải có nhiều nghiên cứu thấu đáo để dẫn tới sự đồng thuận. Nhưng nếu chỉ có thể tóm gọn vấn đề một cách xúc tích nhất, thì nguồn tài trợ cho các gói kích thích kinh tế sắp đến phải theo cách có sự hợp vốn giữa Nhà nước và hệ thống NH, giữa NHNN và BTC.
Phải làm sao để nguồn tiền bơm ra thị trường phải mang lại lợi ích cho hệ thống NH, DN và đảm bảo thu hồi lại cho ngân sách nhà nước. Phải làm sao để các NH có động lực cho vay nhưng ít e ngại nợ xấu, DN muốn đi vay, còn ngân sách thì được thu hồi sau khi đại dịch qua đi (hoặc mất mát thấp nhất). 
- Thưa GS. hợp vốn giữa NHNN và BTC mà GS. nói có phải là chương trình tài trợ cho DN từ nguồn tài chính của NH trung ương và BTC mà các quốc gia trên thế giới đang triển khai? GS. có thể giải thích rõ hơn về chương trình này?
 Hiện có tình trạng ngân sách có tiền nhưng không tiêu được, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc điều chuyển vốn đầu tư công từ các dự án trì trệ trở thành nguồn tài trợ chung của BTC và NHNN để triển khai các gói kích thích kinh tế? 
- Ngày 27-3-2020 Tổng thống Donald Trump đã ký đạo luật CARES Act, trong đó có các điều khoản cho phép Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sử dụng nguồn vốn 454 tỷ USD từ ủy quyền đóng góp của BTC.
Fed sẽ sử dụng nguồn tài chính này để cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính và cho vay, bảo lãnh các DN vừa và nhỏ. 454 tỷ USD này có tác dụng giống như tấm đệm phòng thủ của nhà nước cho các khoản lỗ của các NH thương mại.
Fed kỳ vọng cứ 10USD cho vay của các NH tham gia chương trình sẽ có 1USD tấm đệm phòng thủ cho các khoản lỗ. Còn đứng ở góc độ chi tiêu ngân sách, BTC kỳ vọng đây không phải là khoản chi tiêu mất đi mà sẽ được thiết kế với mục tiêu thu hồi lại vốn.
Một điều thú vị là để khuyến khích các NH cho vay hiệu quả cũng như hạn chế vấn đề lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức, ngoài việc các NH yên tâm có tấm đệm hấp thụ khoản lỗ đầu tiên từ Fed hoặc được Fed mua lại đến 95% khoản vay, các NH có thể mua lại các khoản cho vay này của Fed với các khoản phí ưu đãi nếu họ thấy đó là các khoản đầu tư sinh lợi.
Chính sách này giúp các NH có động lực cho vay các DN đủ chuẩn. Dựa trên cơ sở này, Fed và BTC Mỹ kỳ vọng hệ số nhân chi tiêu lên tới 10 lần để tạo ra tổng lượng cho vay trị giá 4,54 ngàn tỷ USD.
Nó giống như với 1 đồng vốn chủ sở hữu (từ nhà nước) sẽ tạo ra khoản vay gấp 10 lần hơn vậy. Các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng các khoản vay cho từng địa chỉ có thể bị lỗ nhưng tổng thể nền kinh tế sẽ có lợi.
Trong khi đó ở Anh, NH trung ương và BTC cùng tạo ra quỹ FLS để cho vay đến tận hộ gia đình và DN. Ngoài ra, chính phủ còn dựa vào NH Phát triển của chính phủ (British Business Bank) để cung cấp các khoản vay có chi phí thấp cho các DN vừa và nhỏ.
Thậm chí NH Phát triển của chính phủ Anh mới đây còn sáng tạo thêm khoản cho vay có thể chuyển đổi thành vốn cổ phần để hỗ trợ cho các công ty có triển vọng tăng trưởng cao.
Tương tự, ở Đức chính phủ cũng thông qua NH Phát triển (KfW) để thực hiện các khoản cho vay với lãi suất thấp hơn 50 điểm cơ bản so với lãi suất ký gửi tại ECB, cùng với việc nới lỏng các điều kiện thế chấp cho các DN vừa và nhỏ. KfW thậm chí bảo lãnh đến 100% các khoản vay nhỏ của các DN vừa và nhỏ và 80-90% các khoản vay có giá trị lớn.
Riêng ở các nền kinh tế mới nổi, nhiều bằng chứng cho thấy nhiều NH trung ương ở các nước Ba Lan, Hungary, Brazil, Chile, Nam Phi, Indonesia, Philippines… đang triển khai các gói nới lỏng định lượng QE đủ lớn để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch.
Điểm chung của một chính sách tài khóa tiền tệ kết hợp này là chúng được thiết kế dựa trên cơ sở có trọng điểm và kéo dài trong một thời gian rồi lại xem xét tiếp chứ không mở rộng giống như chính sách tài khóa tiền tệ thời bình thường. Chỉ có những DN nào đáp ứng những tiêu chuẩn mới nhận được nguồn tài trợ.
Chẳng hạn, các DN phải cam kết dùng tiền để trả lương, phải chấp nhận tái cấu trúc hoạt động, không được chia cổ tức, không được mua lại cổ phần, phải ưu tiên mua hàng nội địa… 
- Vậy những giải pháp trên liệu có thể áp dụng được cho Việt Nam?
- Chương trình tài trợ cho các gói kích thích kinh tế từ NHNN và BTC đâu phải là các khoản chi tiêu mất đi. Điều quan trọng là chúng phải được thiết kế sao cho các khoản tài trợ này cuối cùng phải được thu hồi.
Chúng ta có thể áp dụng theo mô hình của Anh hoặc Đức bằng cách thông qua NH Phát triển Việt Nam thuộc Chính phủ để cho vay đối với khu vực nông nghiệp nông thôn hoặc các DN siêu nhỏ. Đối với các DN vừa và nhỏ hoặc các DN lớn hơn, chúng ta có thể áp dụng theo cách của Mỹ, Anh, thông qua nguồn tài trợ của BTC và cả NHNN.
Hiện có tình trạng ngân sách có tiền nhưng không tiêu được, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc điều chuyển vốn đầu tư công từ các dự án trì trệ trở thành nguồn tài trợ chung của BTC và NHNN để triển khai các gói kích thích kinh tế? 
NHNN sẽ lựa chọn các NH đủ tiêu chuẩn (như đã hoàn thành Basel 2) để thực hiện các khoản cho vay với tấm đệm phòng thủ cho các khoản nợ xấu và lỗ đến từ nguồn tài trợ của BTC và NHNN.
Điều quan trọng là phải nghiên cứu kinh nghiệm các nước để hạn chế vấn đề lựa chọn đối nghịch và rủi ro đạo đức như tôi đã đề cập ở phần trên. Để làm được điều này, phải được sự chấp nhận của Quốc hội.
Tôi cho rằng nếu các ý tưởng trên được nghiên cứu chi tiết và khả thi, sẽ được Quốc hội chuẩn y. Hoặc NHNN có thể áp dụng trong một mức độ nào đó các gói nới lỏng định lượng QE theo cách của các nền kinh tế mới nổi.
Đó là vừa bơm tiền mua trái phiếu chính phủ kết hợp với việc trung hòa lượng tiền trong lưu thông, với mục tiêu ổn định tỷ giá hối đoái thông qua các can thiệp trên thị trường ngoại hối. Chứ chúng ta không thể áp dụng hoàn toàn mô hình các gói QE của các nước phát triển cho Việt Nam như một số đề xuất.
- Các ý tưởng trên liệu có áp dụng để giải cứu hoặc hỗ trợ Vietnam Airlines như một số đề xuất gần đây?
- Cần phải đặt vấn đề giải cứu một ngành công nghiệp nào đó trong tổng thể các chương trình kích thích kinh tế, để chẳng những giúp DN vượt qua đại dịch mà còn bật mạnh dậy sau đó.
Chúng ta không thể nói rằng vì Vietnam Airlines là DN nhà nước nên nhà nước phải có trách nhiệm bơm vốn hoặc giải cứu. Không thể lấy mục đích biện minh cho phương tiện, trừ phi chúng ta chứng minh được rằng gói giải cứu đó là liên quan đến các DN thuộc an ninh quốc gia.
Các gói kích thích kinh tế cần được thiết kế để hướng đến các DN đạt những tiêu chuẩn nào đó. Nếu Vietnam Airlines hay bất kỳ hãng hàng không hoặc ngành công nghiệp nào đạt chuẩn thì sẽ nhận được hỗ trợ mà không nên có bất kỳ sự phân biệt nào.
- Xin cám ơn GS. về cuộc trao đổi thẳng thắn này, cũng như hiến kế một giải pháp để cứu DN hậu Covid-19.

Các tin khác