Vẫn chống nhưng vẫn sống chung với dịch

(ĐTTCO)-Một trong những thông điệp đầu tiên của tân Bộ trưởng Y tế Anh, ông Sajid Javid: Nước Anh phải học cách sống chung với Covid-19, đồng thời khẳng định quyết tâm của chính phủ đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường vào ngày 19-7 như kế hoạch ban đầu. 
Vẫn chống nhưng vẫn sống chung với dịch ảnh 1
Tham vọng sống chung Covid
“Trở lại bình thường” là bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, bỏ quy định cấm tụ tập đông người và không bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Những người đã tiêm vaccine đủ 2 mũi có thể được đi nghỉ hè trong danh sách các quốc gia “màu vàng”.
Trước đây, người dân được khuyến nghị không đi đến những nước này. Bây giờ thì được nếu họ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ít nhất 14 ngày trước khi đi.
Ở khía cạnh nào đó, lựa chọn này của chính phủ ông Boris Johnson phản ánh quan điểm trong xã hội Anh: nếu bạn có thể sống chung với những rủi ro như trộm cắp, cướp giật, hay tình trạng nhập cư lậu, trồng cần sa, bán ma túy, cũng phải có cách để cuộc sống diễn ra bình thường và người dân có lựa chọn riêng của họ trong cách đương đầu với rủi ro dịch bệnh.
Vì sự tồn tại của triết lý này, nhiều người Anh đã biểu tình phản đối phong tỏa, xung đột với cảnh sát trong những đợt giãn cách xã hội trên quy mô cả nước trước đây. Họ đòi “lấy lại cuộc sống và quyền tự do” của mình.
Không chỉ ở khía cạnh chính trị, ở góc độ kinh tế, xã hội, cũng có những lo ngại về tổn hại kinh tế nặng nề và tình trạng thâm hụt ngân sách ngoài dự kiến quá lớn (đã chi gần 20% GDP để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh cũng như cứu trợ kinh tế).
Nước Anh cần khôi phục kinh tế, thị trường việc làm và kích thích tiêu dùng. Vì vậy, lựa chọn này của ông Boris Johnson không đơn thuần do “cứng đầu” theo đuổi triết lý của riêng, mà triết lý đó thật ra được tạo ra từ ý thức hệ, tình hình chính trị, cũng như tình hình kinh tế.
Chính phủ Anh đã từng làm vậy và thất bại trong năm ngoái, trả giá bằng hơn 128.000 sinh mạng. Đây được xem là “di sản” không vui vẻ gì của ông Boris Johnson cho một canh bạc ông đã cược và thua. Nhưng lần này họ lại lặp lại ván cược đó với sự hỗ trợ mới: Vaccine. Hơn 45 triệu người Anh đã được chích vaccine ít nhất 1 mũi, hơn 34 triệu người đã được chích đủ 2 mũi, chiếm hơn 69% số người trên 18 tuổi ở Anh.
Tuy vậy, trong tiến trình mở cửa hoạt động kinh tế-xã hội mấy tuần cuối tháng 6, đầu tháng 7, số ca bệnh ở Anh tăng mạnh trở lại, từ dưới 2.000 ca/ngày lên trên 35.000 ca/ngày. Các nhà khoa học dự báo rằng có thể số ca bệnh sẽ lên đến trên 100.000 ca/ngày, nghĩa là vượt xa đỉnh của các đợt đỉnh dịch chết chóc trước.
Thế nhưng, có vẻ vaccine có công hiệu. Với 35.000 ca/ngày, ở vào thời điểm năm ngoái có hàng ngàn người chết, còn nay chỉ 20-30 người tử vong/ngày. Đây là tín hiệu tích cực và củng cố cho hy vọng của nội các ông Boris Johnson.
Mặc dù vậy cũng có những diễn biến đáng lo. Hệ thống y tế công NHS ghi nhận số ca nhập viện tăng vọt và bắt đầu rơi vào trạng thái căng thẳng trở lại. Tình trạng bác sĩ phải nghỉ việc do phải cách ly và do căng thẳng đã tái diễn. Nhiều bác sĩ có kinh nghiệm qua 3 đợt dịch cho biết đang cảm thấy kiệt sức.
Đáng chú ý rất nhiều ca nhập viện không chịu tiêm vaccine hoặc mới tiêm 1 mũi. Điều này cho thấy nỗi lo từ trước của các cố vấn y tế chính phủ Anh: vấn đề nằm ở số không tiêm vaccine.
Và với nhóm dưới 18 tuổi, đặc biệt với nhóm dưới 12 tuổi, chưa được chuẩn y loại vaccine tương ứng, các nhà khoa học cho rằng nhóm này sẽ là ổ trữ bệnh trong cộng đồng.
Julian Tang của Đại học Leicester cho biết, các ca nhiễm gần đây tập trung nhóm dưới 30 tuổi và chưa được tiêm chủng rộng rãi. Nhóm này vẫn có thể lây nhiễm cho người đã tiêm vaccine đủ 2 mũi. Và trong quá trình lây nhiễm lẫn nhau giữa những người trẻ, virus có thể biến đổi ra chủng mới nữa.
Thực tế này khẳng định lại mối lo ngại của các chuyên gia cố vấn chính phủ rằng, có nên cho phép các hoạt động đông người trong giới trẻ hay không. Nhưng rõ ràng nhiều quan chức chính phủ không mấy quan tâm. Vào lúc này họ đang tập trung vào thành tích tiêm vaccine và triển vọng mở cửa kinh tế.
Vẫn chống nhưng vẫn sống chung với dịch ảnh 2
Việt Nam học được bài học gì?
Thứ nhất, vaccine không phải là vạn năng, đặc biệt khi Việt Nam đang thiếu vaccine. Dù chúng ta có thể tiêm chủng hơn 50% dân số đủ 2 mũi vaccine, trường hợp ở Anh chỉ ra số ca bệnh vẫn có thể lên đến 20.000-30.000 ca/ngày sau khi các quy định giãn cách xã hội bị gỡ bỏ.
Có nghĩa còn một tỷ lệ dân số chưa được tiêm vaccine, rủi ro vẫn còn đó. Và khi nói đến tiêm vaccine cho người trẻ, vấn đề được đặt ra là với những người này rủi ro tổn hại do hiệu ứng phụ của vaccine so với rủi ro bệnh nặng Covid-19 không dễ đánh giá như với người lớn tuổi hơn.
Điều đó dẫn đến việc chúng ta phải thiết kế chiến lược sống chung với Covid-19 không chỉ dựa vào vaccine.
Thứ hai, phải hạn chế các sự kiện đông người ngay cả sau khi số ca bệnh đã được kiểm soát và tỷ lệ cao trong dân đã được tiêm vaccine. Việt Nam không giống như Anh, nơi đã trải qua một mùa đông tồi tệ và đã nâng cấp sức chống chịu của hệ thống y tế cũng như khả năng cấp cứu bệnh nhân. Muốn cứu bệnh nhân phải có cơ sở hạ tầng, cụ thể là thở máy.
Thông tin TPHCM hiện chỉ có 16 máy ECMO rất đáng lo ngại. Khi số ca bệnh tăng mạnh, số nhập viện có triệu chứng nặng sẽ tăng, ai sẽ được thở máy? Đây là sự lựa chọn vô cùng đau lòng nhiều nước châu Âu và châu Á đã trải qua. Buộc bác sĩ phải lựa chọn bệnh nhân nào có cơ hội cứu sống cao hơn để cứu là điều cần tránh bằng mọi giá. Đặc biệt khi ta đã biết các nước phải trả giá để học bài học đó.
Thứ ba, thận trọng trong việc áp dụng những ý tưởng và giải pháp sống chung với Covid-19 từ các nước mà không xem xét cụ thể tình hình của hệ thống y tế và sức khỏe cộng đồng của Việt Nam. Theo đó, thu thập đủ số liệu về năng lực hệ thống y tế công của ta so với họ rồi hãy tính toán.
Điều cần lưu ý, đa số nước đang tính phương án sống chung với Covid-19 có dân số thấp hơn ta nhưng hệ thống y tế của họ có nhiều nguồn lực chữa trị hơn. Như đã nói, vì nhiều lý do vẫn có một tỷ lệ người trong dân số không tiêm vaccine là “nguồn trữ bệnh”.
Chúng ta có thể cố gắng hoạt động gần bình thường khi số ca bệnh giảm, nhưng phải hạn chế các sự kiện đông người và duy trì giãn cách xã hội cần thiết, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi số ca bệnh vừa giảm.
Trên hết, để sống chung với Covid-19, chúng ta rất cần những gói chi tiêu ngân sách phù hợp để nâng cấp hệ thống y tế, mua và tự phát triển vaccine, cũng như hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, nhất là người nghèo và doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong bối cảnh phải giãn cách xã hội.
Đặc biệt, chúng ta phải xác định đây là cuộc chiến dài hơi để sống chung với Covid-19, từ đó rà soát những gì gọi là chi tiêu công không thiết yếu để cắt bỏ hoàn toàn, ít nhất cho đến khi toàn cầu có thể tuyên bố đã thành công sống chung với Covid-19.
Việt Nam cần có triết lý và chương trình sống chung với dịch thích hợp cho điều kiện của mình, cân bằng được sức khỏe cộng đồng cũng như nhu cầu phát triển bền vững của kinh tế-xã hội. 

Các tin khác