Vẫn nhiều quy định “trói chân” doanh nghiệp

(ĐTTCO)- Ngày 24-6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tọa đàm “Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp”, với nội dung trọng tâm bàn về vấn đề cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Vẫn nhiều quy định “trói chân” doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định cải cách và cắt giảm các điều kiện kinh doanh là yêu cầu quan trọng, xuyên suốt và cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn những chồng chéo, bất cập trong các văn bản pháp luật, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường... 
Trên thực tế, qua 2 đợt cải cách trước đây, có nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan tới điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, thậm chí hủy bỏ. Tuy nhiên tới đây, các cơ quan quản lý cần nhiều nỗ lực hơn nữa, gia tăng tốc độ thực thi các yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. 
“Hy vọng đợt tổng rà sát 11 lĩnh vực dự kiến được triển khai tới đây sẽ không chỉ giới hạn ở tầm nghị định, thông tư mà còn ở toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh. Đồng thời, đưa ra được những kiến nghị tới Chính phủ và Quốc hội để có được những sửa đổi thích hợp nhằm xử lý những bất cập, bất hợp lý và tạo nên làn sóng thứ 3 về cải cách, góp phần thúc đẩy công cuộc cải cách thể chế ở Việt Nam” - ông Lộc nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, đơn vị này đã lấy ý kiến các doanh nghiệp, hiệp hội, UBND địa phương và tiếp nhận hơn 770 ý kiến phản ánh. Qua việc rà soát 411 văn bản quy phạm pháp luật về các điều kiện kinh doanh, VCCI đã đưa ra 106 kiến nghị, trong đó đề nghị sửa đổi 93 văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa 32 luật, 51 nghị định và 10 thông tư… 
Nội dung chính của hoạt động rà soát tập trung vào 2 nhóm việc, gồm quy định về gia nhập thị trường và tổ chức quản lý, hoạt động doanh nghiệp. VCCI đã kiến nghị 25 điểm chồng chéo, bất cập trong các quy định hiện hành đến các cấp, ngành. 
Ông Tuấn cho rằng khó có thể đảm bảo cải thiện môi trường kinh doanh khi các điều kiện kinh doanh còn “trói chân” doanh nghiệp, can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, như yêu cầu phải thiết lập hệ thống phân phối với mặt hàng rượu và xăng dầu, hay yêu cầu về phương án kinh doanh, xếp hạng tín nhiệm với ngành bưu chính, sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, thông tin tín dụng, các điều kiện kinh doanh do 2 cơ quan cấp phép cùng đánh giá, cùng làm căn cứ để cấp giấy phép cho 1 hoạt động kinh doanh… bởi đây là điều rất bất hợp lý. 
Cũng tại tọa đàm, Luật sư Lê Nết, đại diện Công ty Luật LNT&Parterns bày tỏ quan điểm về việc chưa ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, hiện nay danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng với các FDI mới chỉ được công bố một cách không chính thức trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thị hành chưa quy định danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn tới khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục đăng ký đầu tư của nhà đầu tư; cũng như hoạt động của doanh nghiệp tại Việt Nam. 
Vì vậy, việc chính thức ban hành danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết. Ngoài ra, hiện nay vẫn còn thiếu quy định về thời hạn trả lời văn bản lấy ý kiến đối với ngành nghề, dịch vụ chưa cam kết, các thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự còn rườm rà, phức tạp; cũng chưa có sự tách biệt, rõ ràng về quy định thành lập doanh nghiệp hay thành lập dự án. Đối với ngành, nghề chưa cam kết, đồng thời phải xin giấy phép kinh doanh, cơ quan đăng ký cũng phải thực hiện việc xin ý kiến của các bộ, ngành 2 lần...
Trong khi đó, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cũng cho biết các doanh nghiệp mong muốn việc rà soát, loại bỏ điều kiện kinh doanh được cải thiện theo hướng kịp thời, cụ thể và có tính đột phá hơn thay vì “dàn hàng ngang”. 
Cụ thể, mỗi cơ quan quản lý cần nhận thấy áp lực cải cách và tự giác thực hiện tốt trách nhiệm của mình, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. 

Các tin khác