Vay tiêu dùng kích tổng cầu, lo nợ xấu

(ĐTTCO) - Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tung ra hàng loạt gói tín dụng cá nhân với lãi vay giảm xuống để kích thích nhu cầu vay vốn, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng trong giai đoạn này đi kèm nhiều rủi ro, nên dự báo khó đáp ứng tốt mục tiêu mong đợi.

Thêm gói vay, giảm lãi suất
Mới đây, BIDV công bố dành 30.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, với lãi suất giảm thêm khoảng 0,5%/năm. Cụ thể, nhà băng áp dụng lãi suất từ 5,5%/năm khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng và 6%/năm cho khoản vay 6-12 tháng đến hết tháng 9. Trước đó, BIDV đã giảm thêm lãi suất vay trung, dài hạn 0,1-0,2%/năm đối với các khoản vay mua nhà, mua ô tô, vay sản xuất kinh doanh từ 36 tháng. 
Tại SHB, cá nhân sản xuất kinh doanh cũng có cơ hội tiếp cận gói vay kinh doanh với lãi suất giảm từ 9,6%/năm xuống 8,4%/năm. Với vay tiêu dùng, NH này giảm lãi suất vay mua nhà đất từ 7,5%/năm xuống mức 6,5%/năm; lãi suất vay mua nhà dự án, mua ô tô, tiêu dùng giảm từ 7,7%/năm xuống 6,8%/năm. 
Sự phát triển nhanh và mạnh của tín dụng cá nhân, hộ gia đình đã kéo theo sự gia tăng bất ổn về chất lượng nợ. Đa số NH cho vay cá nhân cao có tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với mặt bằng chung.
Viet Capital Bank cũng thông báo dành khoảng 3.500 tỷ đồng phục vụ nhu cầu vay tiêu dùng với nhiều mức lãi suất ưu đãi, chỉ từ 7,99%/năm đối với cá nhân sử dụng vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; từ 8,09%/năm đối với khoản vay mua bất động sản; từ 8,69%/năm đối nhu cầu tiêu dùng và xây dựng, sửa chữa nhà cửa… LienVietPostBank cho vay mua nhà đất, xây sửa chữa nhà để ở được áp dụng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm, vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo từ 8,2%/năm. Một số NH khác như OCB, Shinbank Bank… cũng chào mời vay vốn tiêu dùng với lãi suất rất ưu đãi.
Có thể thấy, sau khi dịch Covid bùng phát đợt 1, các NH rất tích cực thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng theo Thông tư 01 của NHNN. Các NH còn tung ra các gói hỗ trợ trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng, chủ yếu nhắm đến đối tượng là doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hiệu quả các gói hỗ trợ này chưa như mong muốn, khi nhiều DN chưa được tiếp cận. Bởi lẽ nguồn lực có hạn nên không thể hỗ trợ được tất cả nhu cầu. Để khắc phục điểm này, chính sách thúc đẩy kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh đã được kích hoạt.
Vay tiêu dùng kích tổng cầu, lo nợ xấu ảnh 1 Nợi xấu tăng cao, Agribank có nên đẩy mạnh cho vay tiêu dùng?
Trong chỉ đạo triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, NHNN yêu cầu các TCTD, đặc biệt là công ty tài chính tiêu dùng, Agribank... triển khai mạnh mẽ các gói tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp với quy định của pháp luật. Đây được xem là lý do thúc đẩy hàng loạt gói tín dụng lớn và lãi suất thấp hơn đối với khách hàng cá nhân trong thời gian gần đây.

Ủng hộ nhưng thận trọng
Giảm bán buôn tăng bán lẻ đang là định hướng của nhiều nhà băng để cải thiện lợi nhuận. Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính, tín dụng tiêu dùng hiện đang đối mặt với nhiều hạn chế, như số lượng người dân mất công ăn việc làm gia tăng, dự trữ tiền mặt của các đối tượng này mỏng hơn, nguồn thu nhập đang sụt giảm.
Thực tế, rủi ro tín dụng tiêu dùng lại liên tục được cảnh báo trong nhiều năm qua. Trong giai đoạn 2012-2018, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh (trung bình 40%/năm), đến năm 2019 có xu hướng chậm lại nhưng vẫn là động lực tăng trưởng tín dụng chính của nhiều nhà băng. Thị trường cho vay tiêu dùng luôn được đánh giá hấp dẫn khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao và ổn định, thu nhập khả dụng của hộ gia đình ngày càng tăng và xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh và mạnh của tín dụng cá nhân, hộ gia đình đã kéo theo sự gia tăng bất ổn về chất lượng nợ. Đa số NH cho vay cá nhân cao có tỷ lệ nợ xấu cao hơn so với mặt bằng chung.
Trên bình diện quốc tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) luôn cảnh báo về tình trạng nợ hộ gia đình quá mức trong ngắn hạn ở các quốc gia mới nổi. Theo IMF, tỷ lệ nợ hộ gia đình/GDP tăng 5% trong 3 năm sẽ làm giảm 1,25% tăng trưởng. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Thái Lan… đã trải qua giai đoạn tín dụng hộ gia đình tăng mạnh, kéo theo đó là sự gia tăng rủi ro vì gánh nặng nợ cao hơn so với thu nhập khả dụng. Đồng thời, đi kèm với đó là rủi ro nợ xấu gia tăng trong điều kiện kinh tế suy thoái, thị trường tài sản sụt giảm, thu nhập và việc làm trở nên khó khăn hơn. 
Thực tế, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cũng lo ngại tình trạng này. Cụ thể, năm 2019 NHNN đã siết lại hoạt động cho vay cá nhân để giảm thiểu rủi ro, thông qua việc ban hành Thông tư 18/2019 sửa đổi Thông tư 46/2016 quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, Thông tư 22/2019 quy định các giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động NH. NHNN cũng tiến hành giám sát, kiểm tra đột xuất những đơn vị có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn và tốc độ cho vay cao. Bởi cho vay tiêu dùng phần lớn là tín chấp, thủ tục vay đơn giản, quy trình kiểm soát cho vay chưa chặt chẽ, khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn. Một số khách hàng lợi dụng vay để đầu cơ bất động sản tiềm ẩn rủi ro lớn.
Vẫn biết rủi ro, nhưng trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch, tín dụng tiêu dùng vừa góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng, còn khơi thông lợi nhuận cho các NHTM. 
Nợ xấu tăng cao, Agribank có nên đẩy mạnh cho vay tiêu dùng?
Trong yêu cầu các TCTD đẩy mạnh các gói tín dụng tiêu dùng những tháng cuối năm, NHNN có nhấn mạnh vai trò của các CTTC và Agribank. Trước đó hồi đầu năm 2020, NHNN cũng đã từng đốc thúc Agribank đẩy mạnh gói tín dụng tiêu dùng 5.000 tỷ đồng nhằm hạn chế “tín dụng đen”. Có thể thấy, là NHTM 100% vốn Nhà nước, hoạt động của Agribank luôn gắn với vai trò đầu tàu thực thi chính sách tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, NHNN, bởi là NH có mạng lưới rộng nhất với 2.229 chi nhánh và phòng giao dịch, phủ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa là điều kiện để tín dụng tiêu dùng được triển khai rộng rãi. 
Tuy nhiên, nếu NH này đẩy mạnh cho vay tiêu dùng cũng sẽ đi kèm rủi ro cho chính NH, khi bản thân NH đang có nợ xấu cao. Tại thời điểm cuối quý II-2020, nợ xấu của Agribank đứng đầu toàn ngành NH khi giá trị tuyệt đối tăng mạnh hơn 39% lên mức 24.464 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng thêm 4.887 tỷ đồng lên tới 17.285 tỷ đồng. Trong thời điểm dịch bệnh, thu nhập của người dân giảm sút, khả năng sẽ trả nợ kém đi, đồng thời các cơ chế chính sách, luật liên quan đến việc thu hồi nợ chưa rõ ràng, nếu các khoản vay tiêu dùng không thu hồi được sẽ khiến khoản nợ xấu này phình lên. 

Các tin khác