Ví điện tử-Không quản được phải dừng lại, xây dựng quy định mới

(ĐTTCO) - Thanh toán qua VĐT ngày càng phát triển nhưng cũng khó kiểm soát, đặt ra một vấn đề cần phải sớm có hành lang pháp lý để quản lý hoạt động thanh toán này. ĐTTC đã trao đổi với TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng xung quanh vấn đề này.

Ví điện tử-Không quản được phải dừng lại, xây dựng quy định mới
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, gần đây xuất hiện thông tin khách Trung Quốc thanh toán chui qua WeChatPay, AliPay tại Việt Nam. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Trong trường hợp này, giao dịch mua bán tạo ra doanh thu không có tính pháp lý ở Việt Nam. Bởi lẽ, thanh toán qua công ty ví cũng như tiền chuyển vào NH ở nước ngoài nên các bên không có trách nhiệm trả phí, trả thuế cho Việt Nam.
Nói riêng về thuế phải xem cửa hàng cung cấp dịch vụ sản phẩm của Việt Nam hay của Trung Quốc tại Việt Nam. Nếu là công ty Việt Nam phải có trách nhiệm đóng thuế, không kể giao dịch đó được thanh toán như thế nào. Kể cả công ty đó vẫn giữ tài khoản ở Trung Quốc hay bất cứ một nước nào, nhưng nộp thuế là trách nhiệm của đơn vị có thu nhập đó, tạo ra doanh thu đó là công ty ở Việt Nam. 
 Việt Nam phải cố gắng theo kịp sự phát triển của thế giới, của xã hội và của hệ thống tài chính. Hoặc là không chấp nhận các hình thức thanh toán đó, hoặc là chấp nhận kèm theo quy định chặt chẽ. Còn hiện nay cứ mỗi ngày thiếu quy định là một ngày tạo cơ hội cho tội phạm lợi dụng lỗ hổng để hành động.
Dưới hình thức công ty, các giao dịch mua bán phải được thể hiện qua biên nhận, hóa đơn. Còn nếu đó là công ty hay cửa hàng của người Trung Quốc cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, phải đặt vấn đề họ có hoạt động kinh doanh bất hợp pháp hay không để kiểm soát.
Đồng thời, việc này cũng phải nhìn nhận ở một góc độ việc chuyển tiền xuyên quốc gia đang diễn ra quá dễ dàng. Đây là vấn đề cần xem xét kỹ, nhằm tránh tình trạng cá nhân hay pháp nhân lợi dụng chuyển tiền ra nước ngoài, rửa tiền…
- NHNN cho biết đến nay chưa có quy định về mặt pháp lý để thực hiện thanh toán thông qua các loại VĐT của Trung Quốc như Alipay, WeChatPay tại Việt Nam và đang trình Chính phủ quy định về việc này. Vậy các công ty này có vi phạm, thưa ông?
- Tôi được biết WeChatPay của Trung Quốc đã công bố kết nối thanh toán tại Việt Nam thông qua hợp tác với VĐT VIMO, để chấp nhận thanh toán cho du khách Trung Quốc. Hoặc CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Công ty Quản lý dịch vụ thanh toán của Trung Quốc (Alipay), cũng đã ký kết cho phép khách du lịch Trung Quốc thực hiện chi tiêu, mua sắm bằng ứng dụng thanh toán Alipay khi đến Việt Nam.
Các đơn vị này ký kết trước khi có quy định của NHNN về việc thanh toán trung gian. Thực tế đó chỉ là ký kết văn bản thỏa ước, chưa được triển khai chính thức. Nhưng kể cả họ thực hiện giao dịch và giao dịch không trái với luật pháp Việt Nam, họ vẫn có quyền. Bởi luật lệ tại Việt Nam bắt buộc phải đồng hành với sự phát triển của hệ thống thanh toán. 
Bên cạnh đó, nhu cầu kết nối thanh toán điện tử đang bùng nổ, nếu NHNN cảm thấy có vấn đề nên sớm có những quy định. Những quy định của NHNN hoặc có tính hồi tố hoặc không có tính hồi tố. Nếu có tính hồi tố mà chấp nhận thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên thì tốt. Nếu không có tính hồi tố, phủ nhận giao dịch hiện tại của 2 bên, các thỏa thuận đó phải bị hủy bỏ.
Hiện nay, từ nền tảng công nghệ thông tin đã phát triển rất nhiều hình thức thanh toán. Do đó, NHNN cần phải có quyết định ngay, hoặc yêu cầu các phương thức thanh toán chưa được NHNN chấp thuận phải dừng lại, hoặc phải có quy định rõ ràng về các hình thức thanh toán mới, không thể cứ ở mãi trong tình trạng tranh sáng tranh tối như hiện nay.
Vùng xám hiện tại trong hệ thống tài chính Việt Nam chính là chỗ này. Nó bao gồm cả thanh toán cũng như huy động và cho vay, bởi NHNN chưa có quy định trong khi có rất nhiều đối tác nước ngoài, công ty fintech vào Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực chính. Tôi cho rằng có rất nhiều vấn đề NHNN đang đứng trước 2 lựa chọn: hoặc dừng lại, hoặc có quy định tức thời.
- Một số đơn vị chủ quản VĐT than phiền thanh toán điện tử đang phát triển, họ cố gắng đi theo nhưng NHNN đi sau, chậm ban hành văn bản pháp lý phù hợp với sự phát triển của lĩnh vực này khiến họ mất cơ hội phát triển. Ông nhận định gì về điều này?
- NHNN chậm ban hành quy định vì NHNN hay những cơ quan chức năng có liên quan chưa theo kịp công nghệ hiện đại. Điều này cũng dễ hiểu vì công nghệ hiện đại mỗi ngày đẻ ra những phương pháp mới, các cơ quan chức năng không thể nắm bắt kịp, cần phải có thời gian để nghiên cứu, đưa ra những quy định phù hợp.
Trong trường hợp này, NH cũng như công ty fintech cứ làm đúng quy định hiện hành, tránh tạo điều kiện cho doanh nghiệp trốn thuế. Với các giao dịch hợp pháp, nếu NHNN chưa có hành lang pháp lý song hành cùng sự phát triển của VĐT, họ bắt buộc phải dùng sự giải thích của họ với luật hiện hành để thực hiện những sản phẩm đó chứ không chờ NHNN được.
- Gần đây cũng đã xảy ra việc nhiều người lợi dụng hình thức thanh toán qua VĐT hay cổng thanh toán trực tuyến để giao dịch tiền ảo, tổ chức đánh bạc. Vậy cần có giải pháp nào để loại bỏ tình trạng này?
- Kể từ ngày 22-4, cơ quan quản lý cấm không cho dùng thẻ cào điện thoại thanh toán trực tuyến đối với tất cả nhà phát hành trò chơi trực tuyến tại Việt Nam. Việc cấm như vậy đúng vì nếu tiếp tục, các công ty có liên quan trong hoạt động này có thể cho người dùng sử dụng VĐT, thẻ cào để đánh bạc, rửa tiền…
Sau sự việc đó, một số VĐT công bố cấm khách hàng giao dịch tiền ảo, rửa tiền, đồng thời cam kết không phục vụ các hoạt động rửa tiền, đánh bạc và tố giác để loại bỏ các hành vi thanh toán bất hợp pháp. Song nhìn chung, khi NHNN chưa quy định để khống chế vấn đề rửa tiền, giao dịch tiền bất hợp pháp, để những đồng tiền như bitcoin giao dịch rầm rộ nhưng không chặn được, có thể xem là lỗ hổng về pháp lý đang tồn tại. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác