Vì sao dự án điện chậm tiến độ?

(ĐTTCO) - Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu điện trầm trọng khi có 47/62 dự án chậm tiến độ. Trong đó nhiều dự án có nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu USD. Có nhiều nguyên nhân khiến các dự án trong Quy hoạch điện VII dậm chân tại chỗ. 
Đó là các dự án năng lượng đều có quy mô lớn, tổng mức đầu tư trên 2 tỷ USD, thời gian thi công dài và phức tạp, nên rất khó tìm được nhà thầu có năng lực. Trong khi đó, việc thay đổi chính sách để kiểm soát nợ công, Chính phủ đã tạm ngừng bảo lãnh đối với các khoản vay các dự án điện. Còn các dự án BOT đang giao cho khối tư nhân làm phải đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp họ mới làm, trong khi giá điện không đảm bảo được việc này.
Nguyên nhân nữa được chính lãnh đạo ngành công thương chỉ ra là Luật Đầu tư và Luật Điện lực quy định nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, đã làm khó cho ngành điện trong việc xã hội hóa đầu tư hệ thống truyền tải điện và nguồn điện. Vị này còn cho rằng do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã chậm trễ trong việc thu xếp vốn cho các dự án.
Nhắc tới tình trạng tắc nghẽn khoảng 400 dự án mới không được bổ sung vào quy hoạch, vị này cho biết đã có nhiều giải pháp được đệ trình để khắc phục, nhưng tất cả phải chờ sự đồng ý của Chính phủ và các bộ, ngành. Đặc biệt, khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua điện của các nhà đầu tư và đảm nhiệm việc cấp điện cho nền kinh tế đang hoạt động theo mô hình 100% vốn nhà nước, nếu bị lỗ hay làm mất vốn nhà nước sẽ phải gánh trách nhiệm không nhỏ?
Đúng là thực tế quy định pháp luật hiện hành vẫn còn tình trạng luật này đá luật kia, với không ít điều khoản mâu thuẫn nhau cũng là nguyên nhân chậm triển khai dự án điện. Song trách nhiệm của Bộ Công Thương về việc 47 dự án điện chậm tiến độ ở đâu? 
Một mấu chốt nữa có sự trái khoáy là hiện nay EVN chỉ đảm nhiệm 57% công suất nguồn điện và 43% đến từ các chủ đầu tư khác. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tư nhân cho rằng chỉ “xuống tiền” làm nhà máy điện khi có lời, trong khi việc đàm phán giá điện với EVN mất nhiều thời gian do phải cân đối giữa giá mua điện đầu vào và giá bán tới tay các hộ tiêu dùng. Bởi vậy, chỉ khi nào dự án có hiệu quả họ mới thu xếp vốn để làm. Thế nhưng, cơ quan chức năng (cụ thể là Bộ Công Thương, EVN) lại chưa có chế tài buộc nhà đầu tư phải đảm bảo tiến độ dự án?
Nhu cầu đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện rất lớn. Sơ bộ đánh giá từ nay đến năm 2030 cần vốn đầu tư khoảng 130 tỷ USD, bình quân khoảng 12 tỷ USD/năm, trong đó khoảng 9 tỷ cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ đầu tư cho lưới điện. Rất khó khăn để chúng ta có thể huy động nguồn vốn đầu tư này. Nhưng khó không có nghĩa không cách làm.
Thí dụ, về giá điện, Chính phủ luôn chỉ đạo thực hiện theo hướng thị trường, để ngành điện hạch toán đúng và đủ, đảm bảo có lợi nhuận tái đầu tư phát triển nhưng cũng phải đảm bảo kiểm soát chi phí. Yêu cầu này đòi hỏi EVN phải quản trị gắt gao, phải “chữa căn bệnh sử dụng không hiệu quả và chắt chiu từng đống vốn”. 
Về vốn đầu tư, trước đây chủ yếu dựa vào EVN, PVN, TKV, nay phải đa dạng hóa đầu tư, thu hút tư nhân trong và ngoài nước tham gia. Muốn vậy, cần minh bạch trong việc đấu thầu các công nghệ mới và có khung pháp lý mạnh mẽ, tạo niềm tin để thu hút nhà đầu tư tư nhân.
Xin được nhắc lại, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương nâng cao tinh thần trách nhiệm, không “khoán trắng” cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong vấn đề thẩm định dự án điện. Nghe vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khái quát, các dự án điện ở ĐBSCL đều bị chậm, các đại biểu cũng cho rằng chậm do Bộ Công Thương không tích cực.

Các tin khác