Vì sao USD tiếp tục tăng, nước Mỹ bất chấp suy thoái?

(ĐTTCO) - Tăng lãi suất có thể hiểu cơ bản trong thời điểm hiện nay là nhằm siết lại chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Tuy nhiên đây lại là ranh giới cần có tầm nhìn, bởi khi chính sách tiền tệ được siết lại đồng nghĩa sức mua sẽ kém đi, doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn, nền kinh tế dễ rơi vào suy thoái, và khi suy thoái sẽ còn đáng sợ hơn lạm phát. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Vậy nước Mỹ có nhìn thấy điều này không? Chắc chắn là có. Nhưng tại sao Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục cho tăng lãi suất?
Mỹ không sợ suy thoái, vậy các nước trên toàn cầu có lo ngại không khi buộc phải “đu theo” Fed? Và chính sách tiền tệ của Việt Nam nên đi theo hướng nào? ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. LÊ ĐẠT CHÍ, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, để làm rõ thêm những chi tiết này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa TS, Fed tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 3 trong năm 2022 và sẽ còn có thể tăng tiếp trong thời gian tới không ngoài mục tiêu kiềm chế lạm phát đã ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Vậy phải chăng Fed nói riêng và chính sách của nước Mỹ nói chung đã có sẵn “bửu bối” để chống lại suy thoái kinh tế?
TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Sau nhiều lần né tránh việc tăng lãi suất trước đó, Fed đã thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ chưa từng có. Ngoài 3 lần tăng lãi suất mạnh 0,75%/lần, Fed còn chuyển đi tín hiệu mạnh mẽ rằng sẽ còn tăng tổng cộng 1,25% trong 2 cuộc họp còn lại của năm 2022. Do vậy, với tốc độ tăng mạnh mẽ lãi suất của Fed so với các ngân hàng trung ương (NHTW) khác đã đưa đến giá trị đồng USD tăng giá.
Và với sự chênh lệch lớn trong lãi suất ở Mỹ và các nước đã khiến tài sản đồng USD trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư toàn cầu. Đây cũng là lý do chính được GS. Jeffrey Frankel, Đại học Harvard đề cập đến sự tăng giá của USD.
Nên nhớ, khi giá trị đồng USD mạnh lên thể hiện khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ so với các nền kinh tế đối tác thương mại của Mỹ. Bởi lẽ hiện Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng; Trung Quốc tăng trưởng gần như biến mất khi phải vật lộn với bong bóng nhà đất và chính sách zero-Covid; Nhật Bản chưa từ bỏ chính sách mở rộng tiền tệ của mình nhưng GDP vẫn chưa thể phục hồi.
Hơn nữa, khi mức độ rủi ro toàn cầu hiện đang rất cao, đồng USD vẫn là nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư quốc tế. Đánh giá trên khối lượng giao dịch ngoại hối và dự trữ quốc tế, USD vẫn là đồng tiền toàn cầu hàng đầu, bỏ xa EUR, Yên, bảng Anh và Nhân dân tệ.
Cũng có ý kiến đưa ra liệu các NHTW các nước đang tăng nhanh lãi suất có làm lạm phát toàn cầu thuyên giảm, khi sự gia tăng lạm phát toàn cầu không chỉ do nhu cầu trong nước được thúc đẩy? 
Thực ra, sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến chính sách zero-Covid của Trung Quốc, tác động của cuộc chiến Nga-Ukraine đối với giá lương thực và nhiên liệu, cũng như chi phí lao động tăng cao, đều đóng vai trò quan trọng trong các yếu tố tác động lên lạm phát ở mỗi quốc gia. Những yếu tố thuộc về phía cung này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed.
Do vậy, trong bài nghiên cứu của Cục dự trữ Kansas trình bày tại Hội nghị Jackson Hole, cho rằng nỗ lực kiểm soát lạm phát của Fed không mang tính quyết định. Nếu việc thắt chặt tiền tệ không được hỗ trợ bởi kỳ vọng thu hẹp chính sách tài khóa, sẽ dẫn đến áp lực lạm phát cao hơn - đây là kết quả nghiên cứu của Francesco Bianchi, Đại học Johns Hopkins và Leonardo Melosi - Fed Chicago.
Năm 2022, thâm hụt ngân sách của Mỹ hơn 1.000 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử lên đến 3,9% GDP. Trong khi hiện nay khu vực đồng EUR cũng lên đến 3,8%; nước Anh dưới sự lãnh đạo của nữ thủ tướng Liz Truss vừa công bố kế hoạch kiểm soát lạm phát và kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua giảm thuế, đã làm thất vọng thị trường và đồng bảng Anh tiếp tục mất giá.
Các nghiên cứu cũng cho rằng, khoảng một nửa mức tăng lạm phát ở Mỹ do chính sách tài khóa và sự xói mòn trong niềm tin về chính sách tài khóa thận trọng. Do vậy, để kiểm soát lạm phát, chính sách tài khóa phải song hành với chính sách tiền tệ. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển vẫn duy trì chính sách tài khóa mở rộng để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng đồng thời tăng mạnh trong lãi suất. Chính sách tiền tệ thắt chặt này đã làm phương hại đến các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
- Nói như vậy nước Mỹ không thực sự lo lắng lạm phát?
- Một nghiên cứu được Dambisa Moyo chỉ ra bằng lợi thế vượt trội trong chính sách độc lập về năng lượng và lương thực tương đối, cùng với chính sách nhập cư, đã giúp Mỹ đạt được tính hiệu quả trong việc kiềm chế lạm phát. Dù Mỹ xuất khẩu ròng khí LNG nhưng châu Âu trong thời gian ngắn khó có thể nhập khẩu lượng lớn từ Mỹ để thay thế cho nguồn cung của Nga, bởi quy định của Đạo luật Merchant Marine Act vào năm 1920 nhằm bảo vệ việc làm của các thủy thủ Mỹ.
Do đó, yếu tố về giá năng lượng vẫn là nguyên nhân chính đưa đến tăng trưởng kinh tế của châu Âu suy giảm mạnh trong quý IV-2022.
Về năng lực sản xuất của Mỹ đóng góp 18% năng lực sản xuất của thế giới, sản xuất của Mỹ chiếm đến 2.300 tỷ USD trong GDP, sử dụng 12 triệu việc làm và đang trên đà phục hồi.
Theo McKinsey từ 2010-2019 Mỹ có thêm 1,3 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Điều này giúp Mỹ chủ động hơn trong nguồn cung khi các hộ gia đình phụ thuộc không cân đối vào hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu. Sự thiếu hụt này sẽ được thực thi bằng chính sách thương mại linh hoạt bằng việc đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc và sự chuyển hướng sản xuất trở lại Mỹ.
Với 4 yếu tố trên, Mỹ tin rằng trong thời gian tới sẽ kiềm chế được lạm phát khi tiếp thêm chính sách tiền tệ thắt chặt. Việc đảo ngược một cách nhanh chóng trong chính sách lãi suất của Fed như cú sốc tiền tệ cho các nước, nhưng đem lại những lợi ích cho Mỹ khi tạo ra những bất lợi cho các nước còn lại.
- Nếu vậy việc Fed tăng lãi suất sẽ làm khó các nước như thế nào? Và nền kinh tế Mỹ sẽ “gạn đục khơi trong” trong thế giới bất ổn hiện nay ra sao? 
- Những hành động trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới thời gian qua cho thấy phần nào tỷ giá của hầu hết các nước đều tăng cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt. Đây là 2 tác động bất lợi nhất các nền kinh tế còn lại phải đối mặt với chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed và các nước lớn.
Thực tế, việc tăng lãi suất của Fed là phù hợp với vai trò của một NHTW khi cố gắng bắt kịp thực tế lạm phát như kiểu của những nước đang phát triển, không phải là hành động của một loại tiền tệ dự trữ, thanh toán toàn cầu. 
Trước đó có ý kiến cho rằng tại sao Fed đột ngột thay đổi chính sách tiền tệ một cách mạnh mẽ sau khi để lạm phát vượt qua mức mục tiêu 2%?
Thực ra, với cú sốc lạm phát (lạm phát thực tế trừ đi lạm phát dự kiến) trong giai đoạn 2021-2022 là 7,7%, người chiến thắng lớn nhất sẽ là người phát hành các khoản nợ bằng đồng USD.
Và nước Mỹ sẽ dẫn đầu khi có đến 21.000 tỷ USD có lãi suất thấp được phát hành đến cuối năm 2020 và 5.200 tỷ USD tiền cơ sở. Do vậy phần bất ngờ trong lạm phát giai đoạn 2021-2022 là 7,5%, đã giúp giá trị nợ của Mỹ giảm 2.000 tỷ USD, gần 11% GDP của Mỹ. Đó là kết quả tính toán của Gautam Nair và cộng sự. 
Hiện nay, những tổ chức nước ngoài như chính phủ, quỹ hưu trí nắm giữ 6.600 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ và gần 1.000 tỷ USD do người không cư trú Mỹ nắm giữ. Và với tình hình lạm phát hiện nay, số tài sản này đã giảm giá trị, nghĩa là đã chuyển cho chính phủ Mỹ giá trị 568 tỷ USD. 2 trong số các nước nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ nhiều nhất là Nhật Bản 1.200 tỷ USD và Trung Quốc 862 tỷ USD, đã cùng chi trả gần 1/3 số tiền lãi cho Mỹ.
Như vậy, thông qua cú sốc tiền tệ này phần nào cho thấy lợi ích Fed mang lại cho nền kinh tế của họ và cũng gây bất lợi cho phần còn lại từ các nước.
- Trong khi nền kinh tế toàn cầu đảo lộn bởi Fed và chính sách tiền tệ các nước buộc phải theo thế “chẳng đặng đừng”. Với Việt Nam, có 2 luồng ý kiến của các chuyên gia: (1) Phải củng cố giá trị VNĐ như “tuyến phòng thủ” để vừa chống lạm phát vừa ổn định nền kinh tế; (2) Nên xem xét điều chỉnh tỷ giá VNĐ như một số nước để tạo thuận lợi cho xuất khẩu vì Việt Nam vẫn có thế mạnh xuất khẩu. Quan điểm của TS như thế nào?
- Ở đây tôi không bàn đến việc phá hay không phá giá VNĐ để tạo lợi thế cho xuất khẩu. Bởi đây là chính sách đã có của các cơ quan quản lý trên tầm nhìn vĩ mô, cũng như thời gian qua đã có nhiều chuyên gia bình luận và gợi ý đề xuất.
Tôi chỉ lưu ý đến các nhà hoạch định về bài học của thập niên 80 mất mát của các nước Mỹ Latin trước chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed dưới thời kỳ của Paul Volcker, theo đó những quốc gia bị tàn phá từ cuộc chiến chống lạm phát của ông.
Dù biết tác động bất lợi từ việc tăng lãi suất của Fed đối với vai trò người nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ, Trung Quốc liên tục bán ra lượng trái phiếu mình nắm giữ từ đầu năm đến nay không phải để ổn định tỷ giá, mà để đa dạng hóa tài sản dự trữ, tránh những thiệt lại lớn từ việc nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ quá cao. Qua đó, Trung Quốc cũng đã để tỷ giá tăng đến 10% so với đồng USD nhưng lạm phát cũng ở mức thấp 2,3%.
Ở đây chúng tôi không bình luận sâu tác động của việc điều chỉnh tỷ giá lên lạm phát của mỗi quốc gia là khác nhau, cũng như nguyên nhân của lạm phát ở mỗi quốc gia cũng khác nhau trong số các nhân tố ảnh hưởng. Do vậy, chúng ta tin vào việc ổn định tỷ giá để tránh nhập khẩu lạm phát và ổn định các mục tiêu vĩ mô khác là sự lựa chọn đúng. 
Tuy nhiên, vấn đề còn lại là liệu nguồn lực ngoại hối để ổn định tỷ giá sẽ được duy trì bao lâu, khi việc quản lý ngoại hối trong hệ thống ngân hàng còn nhiều bất cập. Chẳng hạn quy định một cá nhân chữa bệnh nước ngoài, đi du học, đi du lịch… có thể mua ngoại tệ ở nhiều ngân hàng với số lượng vượt quá quy định hải quan, và họ có phần chênh lệch như là cách đầu cơ tỷ giá.
Hay các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài dễ dãi như những khoản nợ nước ngoài trước đây, mà một số doanh nghiệp niêm yết phát hành trái phiếu thông qua chào bán riêng lẻ từ Nghị định 153/2020… Đây là những vấn đề Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chắc đã nhìn thấy và có những bước tính tới đây.
- Xin cảm ơn TS về cuộc trao đổi này.
 Tỷ giá của hầu hết các nước đều tăng cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt, là 2 tác động bất lợi nhất các nền kinh tế còn lại phải đối mặt với chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed.

Các tin khác