Việt Nam chưa phải điểm đến các công ty Mỹ

(ĐTTCO)-Kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn, nhưng để hấp dẫn các công ty Mỹ và tập đoàn đa quốc gia chọn Việt Nam là điểm đến không dễ. Trong khi trên thị trường chứng khoán (TTCK), giá chứng khoán đã không còn thực sự hấp dẫn.
Nhiều công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc nhưng điểm đến chưa hẵn là Việt Nam
Nhiều công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc nhưng điểm đến chưa hẵn là Việt Nam
Kinh tế Việt Nam đang qua giai đoạn khó khăn
Những lo ngại về việc nền kinh tế đang yếu đi thể hiện qua sự sụt giảm các chỉ số kinh tế quan trọng trong tháng 4, dường như đã trở thành quá khứ. Tháng 5 đã ghi nhận sự cải thiện đáng kể của một số chỉ số kinh tế cơ bản.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố hôm 29-5, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng 11,2% so với tháng trước, dù vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ 2019, song cho thấy sự đảo chiều đang diễn ra trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1% - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng tăng mạnh 26,9% so với tháng trước, dù vẫn giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019, phản ánh cầu thị trường đang trở lại. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hàng - nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 giảm lần lượt 25,8% và 54,1% so với cùng kỳ năm trước. Cùng thời gian này năm ngoái, những chỉ số này và của 2 nhóm ngành này tăng 9,9% và 12,7%.
Sự cải thiện của những chỉ số ở cả cung và cầu cho thấy nền kinh tế đang đi qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm 0,03% so với tháng trước, đồng thời giảm 1,24% so với tháng 12-2019, nhưng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2019 và CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao nhất trong 3 năm gần đây - tăng 4,39%.
Tương tự, lạm phát cơ bản tháng 5 tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019. 

Các công ty Mỹ rời Trung Quốc sẽ chọn nước nào?
Một thông tin được báo chí trong nước quan tâm là việc 27 công ty Mỹ rời Trung Quốc sẽ chọn nước nào là điểm đến. Việc các công ty Mỹ có xu hướng rời Trung Quốc là điều không ngạc nhiên, bởi nó đã được nói đến nhiều kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra.
Khi dịch bùng phát, khả năng này càng trở nên rõ ràng hơn do những e ngại rủi ro chuỗi cung ứng toàn cầu nếu quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng điều làm giới kinh doanh trong nước ngạc nhiên và có phần thất vọng là Việt Nam không phải là điểm đến như nhiều người lâu nay vẫn nghĩ.
Những thông tin chúng tôi tham khảo cho thấy Việt Nam chỉ nằm trong nhóm có nhiều khả năng là điểm đến của các công ty Mỹ, cùng với Indonesia, Ấn Độ, thậm chí cả Mexico. Nhưng Indonesia và Ấn Độ đều đang chủ động đưa ra những ưu đãi hết sức cụ thể để chào mời.
Với Việt Nam có bất lợi không nhỏ khi đang là nơi trú ẩn của rất nhiều công ty Trung Quốc - điều Mỹ chắc chắn không muốn. Trong khi lợi thế về nhân công giá rẻ không còn phù hợp trong bối cảnh hàm lượng công nghệ đang trở nên phổ biến trong hoạt động sản xuất chế tạo.
Ngân hàng Thế giới gần đây khuyến cáo Việt Nam về việc thay đổi mô hình kinh tế theo hướng tăng năng suất, tập trung đổi mới và sáng tạo nếu muốn trở thành nước thu nhập cao trong tương lai.
Điểm đáng chú ý nữa, dù xu hướng rời khỏi Trung Quốc đang diễn ra, nhưng các công ty Mỹ không phải rời bỏ hoàn toàn, mà thực chất là quá trình đa dạng hóa hạn chế rủi ro, cả kinh doanh và chính trị. Điều này chủ yếu do Trung Quốc là thị trường quá lớn khó có thể bỏ qua.
Ngay cả khi được chọn là điểm đến của các công ty Mỹ và đồng minh, Việt Nam cần hiểu rằng việc đó có thể bắt đầu bằng những hoạt động quy mô nhỏ và cần thời gian. Nhưng đó cũng chính là cơ hội cho Việt Nam có thời gian để kịp tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn để mời chào các công ty Mỹ và đồng minh.

TTCK giao dịch dựa trên cảm hứng
Chỉ số VN Index tiếp tục đà hồi phục, tăng trưởng khoảng 13% trong tháng 5 lên mức 864 điểm vào ngày 29-5, trong bối cảnh các chỉ số kinh tế và doanh nghiệp không thực sự ấn tượng. Đáng chú ý, quá trình bán ròng 3 tháng của các nhà đầu tư nước ngoài (tính đến cuối tháng 4) dường như đã dừng lại trong tháng 5.
Theo quan sát của chúng tôi, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 700 triệu USD kể từ đầu năm. Con số này không quá lớn so với quy mô giao dịch của thị trường, nhưng lại rất có ý nghĩa nếu biết rằng các nhà quản lý quỹ đã khó khăn như thế nào để có thể huy động được quỹ đầu tư, thậm chí giá trị dưới 100 triệu USD cho thị trường Việt Nam.
Thực ra sự thoái lui của các nhà đầu tư nước ngoài phản ánh sự phân bổ tài sản toàn cầu, dựa trên kỳ vọng vào sự bình thường mới sau khủng hoảng. Nhìn sang các thị trường lân cận, định giá thị trường Việt Nam không hẳn hấp dẫn hơn.
Theo số liệu của Bloomberg vào ngày 29-5, TTCK Việt Nam với chỉ số giá so với lợi nhuận (PE) 14,28, chỉ số giá so với giá sổ sách (PB) 1,92, chỉ số giá so với doanh thu (PS) 1,37. Các chỉ số này khá gần với mức trung bình thị trường châu Á (MSCI Asia) là PE 14,57; PB 1,55 và PS 1,75. 
Chúng tôi cho rằng, sự tăng trưởng của TTCK trong thời gian qua chủ yếu do sự mạnh mẽ bất ngờ của nhà đầu tư nội địa. Mặc dù tin rằng TTCK đã phản ánh trước những diễn biến của nền kinh tế, chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm, rằng sự giao dịch dựa trên cảm hứng đã đến lúc được thay thế bởi những cân nhắc cơ bản.
Thị trường nhiều khả năng sẽ giao dịch dao động hoặc giảm trong tháng 6 để cân nhắc những kết quả từ nền kinh tế thực, trước khi hình thành nên kỳ vọng mới vào tương lai. Chính sách tiền rẻ thời gian qua chắc chắn đã có những tác động tới hành vi của nhà đầu tư nội địa.
Chúng tôi tin rằng điều này sẽ không còn là lợi thế khi chính quyền cần đảm bảo rằng tín dụng cần đến với những tài sản sản xuất, thay vì tạo ra bong bóng tài sản. Một sự điều chỉnh giảm khoảng 5-8% về mức sát 800 điểm nếu xảy ra, sẽ không làm chúng tôi ngạc nhiên. 
----------
(*) Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh  Đại học Lincoln, Vương quốc Anh

Các tin khác