Việt Nam không tăng trưởng âm

(ĐTTCO)-Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Tổ chức phân tích kinh tế (EIU) cảnh báo kinh tế thế giới sẽ suy giảm mạnh nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái hồi đầu thế kỷ trước. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo 200 triệu người có thể mất việc làm. 
Việt Nam không tăng trưởng âm
Trong khi Liên hiệp quốc cảnh báo khoảng 81% lực lượng lao động toàn cầu 3,3 tỷ người có rủi ro mất cả hoặc một phần việc làm; trong quý II, khoảng 6,7% số giờ làm trên toàn thế giới có thể bị mất. Oxfarm dự báo khoảng nửa tỷ người rơi vào tình trạng nghèo đói.
Nhìn từ Anh quốc
Trong khi dự báo nền kinh tế toàn cầu sụt giảm khoảng 3% trong năm 2020, IMF kỳ vọng kinh tế Anh sụt giảm 6,5%. Cơ quan ngân sách Chính phủ Anh (OBR) thậm chí còn bi quan hơn, khi dự báo sự sụt giảm tăng trưởng khoảng 12,8%, với việc giảm mạnh 35,1% trong tháng 4 và 6; thất nghiệp sẽ tăng 2,1-2,4 triệu người vào mùa hè, tăng từ 3,9% lên 10%.
Tại nhiều nước phương Tây, kể từ sau năm 2008 các ngân hàng và chính phủ lại bắt đầu tăng tỷ lệ nợ. OBR dự kiến việc phong tỏa 3 tháng có thể buộc nước Anh phải tăng việc vay nợ (tài trợ thâm hụt ngân sách) lên 273 tỷ bảng trong năm tài chính này (năm ngoái 48,7 tỷ bảng). Tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP có thể sẽ lên tới 14% và tỷ lệ nợ tăng lên 100%, thậm chí tiếp tục ở mức cao 85% trong 4 năm tới.
Nghiên cứu của Reinhart và Rogoff về “tăng trưởng trong thời kỳ nợ nần” có thể giúp đưa ra những lý giải liên quan tới tác động sau này của nợ. Theo đó, khi tỷ lệ nợ vượt quá 90%, tăng trưởng kinh tế chậm lại làm giảm các khoản thu từ thuế cần thiết để trả nợ. Tỷ lệ nợ cao dẫn tới tăng trưởng giảm do tác động của lãi suất và mức độ niềm tin trong nền kinh tế. Điều này cuối cùng sẽ dẫn tới nhu cầu giảm nợ - cắt giảm chi tiêu và tăng thuế.
Dự báo của OBR dựa trên giả định 3 tháng phong tỏa, nhưng nhấn mạnh mức tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào việc phong tỏa thực tế kéo dài bao lâu, cũng như tốc độ phục hồi của các hoạt động kinh tế khi các hạn chế được dỡ bỏ.
Cuối tháng 4, chuyên gia y tế trưởng đã cảnh báo các biện pháp hạn chế có thể kéo dài tới tháng 12. Nghĩa là chi phí của việc dừng làm việc còn kéo dài tới Giáng sinh. Đây chính là vấn đề đối với tăng trưởng và nợ nần.
Vào giữa tháng 3 khi phong tỏa được thực hiện, chính phủ triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn từ các ngân hàng thương mại (NHTM), bảo lãnh 80% giá trị khoản vay. Nhưng NatWest, một nhánh thuộc NH hoàng gia Scotland, thừa nhận ngày 7-4 rằng họ khó đáp ứng nổi nhu cầu. Các trung tâm chăm sóc khách hàng của họ thông thường chỉ nhận hơn 3.000 cuộc gọi mỗi ngày.
Nhưng khi có chương trình cho vay cứu trợ, nhận tới 25.000 cuộc gọi mỗi ngày, vượt quá khả năng đáp ứng của họ. Sự phức tạp càng nhân lên khi phải rà soát chi tiết các hồ sơ vay. Rất nhiều doanh nghiệp phàn nàn các NH thực hiện chậm bởi họ vẫn phải để tâm tới 20% giá trị khoản vay nếu người vay không trả. Ngay cả khi tỷ lệ bảo lãnh là 100%, NH cũng vẫn cần thận trọng khi môi trường kinh doanh đã thay đổi.
Một tháng sau khi gói hỗ trợ lên tới 330 tỷ bảng được thông báo, chỉ hơn 1 tỷ bảng trong các khoản vay chính phủ bảo lãnh được giải ngân. Thực tế nhiều doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn của chương trình, dẫn tới một số điều chỉnh.
Thí dụ, ngày 20-4, gói hỗ trợ trị giá 1,25 tỷ bảng được đưa ra nhằm hỗ trợ các công ty sáng tạo - những công ty trong nhóm không đáp ứng tiêu chuẩn của chương trình cứu trợ. Thêm vào đó, các điều kiện đưa ra cũng hạn chế đơn xin vay vốn. Để nhận được tiền chính phủ, công ty phải có vốn chủ sở hữu đã góp từ 250.000 bảng trở lên trong vòng 5 năm qua.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng giảm từ 36 điểm trong tháng 3 xuống còn 12,9 điểm trong tháng 4, phù hợp với việc sản lượng giảm 7% so với quý trước đó. Vào cuối tháng 4, chủ tịch chuỗi bán lẻ Timpson cảnh báo, nhiều thương hiệu lớn sẽ không thể tồn tại sau phong tỏa và các trung tâm đô thị tại Anh sẽ trở nên rất khác. 

Việt Nam khó khăn  đã nhìn thấy
 Kinh tế Việt Nam đã trở nên yếu hơn, tăng trưởng GDP quý I-2020 so với cùng kỳ năm trước ước tính tăng 3,82%, dù là mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây nhưng đó là tín hiệu tốt không như Trung Quốc tăng trưởng âm 6,8% hay châu Âu âm 3,3%. 
Nền kinh tế Việt Nam đã trở nên yếu hơn so với trước đây dưới tác động của dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2020 so với cùng kỳ năm trước ước tính tăng 3,82%, dù không tăng trưởng âm như Trung Quốc âm 6,8% hay châu Âu âm 3,3%, nhưng là mức tăng thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây (năm 2018 là 7,45% và năm 2019 là 6,82%). Hồi đầu năm, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2020 ở mức 6,8-7%, trong đó quý I khoảng 6,52-6,77%. 
Các tổ chức trong và ngoài nước đã có những cập nhật mới nhất về quan điểm của họ. NH Thế giới (WB) dự báo GDP của Việt Nam có thể giảm xuống còn 4,9% so với mức 6,5% đưa ra trước đó. Mức dự báo này cũng tương tự mức NH Phát triển châu Á đưa ra 4,8%. IMF bi quan hơn khi đưa ra dự báo tăng trưởng về mức 2,7% so với mức 7% hồi đầu năm. NH Standard Chartered cũng khá bi quan khi dự báo 3,3%. Một tổ chức trong nước là Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra dự báo ở mức 4,2% trong một kịch bản lạc quan, mức có thể coi là trung dung giữa 2 thái cực lạc quan và bi quan.
Dù các con số nêu trên chỉ mang tính tham khảo, song nền kinh tế khó khăn hơn là điều có thể nhìn thấy. Các con số mới cập nhật ngày 29-4 từ Tổng cục Thống kê cho thấy sang tháng 4 chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 13,3% so với tháng trước, giảm mạnh 10,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức giảm duy nhất của tháng 4 trong 5 năm trở lại đây. Ngành chế biến chế tạo, một ngành có tỷ trọng lớn trong sản xuất công nghiệp, giảm 11,3%.
Cùng với đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 20,5% so với tháng trước và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm tới 64,7% so với cùng kỳ và du lịch lữ hành giảm 97,5%. Lượng hành khách vận chuyển giảm 76,8% và hàng hóa vận chuyển giảm 27,2% so với cùng kỳ năm trước.
Các số liệu khác cũng nói lên xu hướng yếu đi của nền kinh tế. Chẳng hạn, số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký mới lần lượt giảm 46,9% và 43,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6%. Hoặc số liệu về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh 18,4% so với tháng trước và 3,5% so với cùng kỳ, dù trung bình vẫn tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm.
Còn chỉ số giá tiêu dùng giảm 1,54% so với tháng trước, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, dù tính chung 4 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ và cũng là mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tất cả xu hướng số liệu nêu trên có thể nhận xét rằng nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khá tốt trong thời gian gần đây đã bỗng nhiên chậm lại. Sự tăng trưởng chậm lại này, theo quan điểm của tôi không thể là vấn đề ngắn hạn một vài tháng. Phần lớn dự báo được đưa ra đều dựa trên giả định về sự kiểm soát thành công dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.
Điều này dễ hiểu bởi tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm qua phụ thuộc khá nhiều vào nguyên liệu sản xuất nhập khẩu. Với việc hệ thống chuyên chở hàng hóa và hậu cầu bị giới hạn, trong khi các quyết định kinh doanh trở nên thận trọng hơn, chúng tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ khó đạt đến mức tăng trưởng đã có trước khi dịch bệnh xảy ra trong vòng 12 tháng tới.

----------------
(*) Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam – Anh Quốc tại Đại học Lincoln, Vương quốc Anh

Các tin khác